Gò Vấp, Thị Nghè, kênh Tàu Hũ, Ngã 5 Chuồng Chó… có ý nghĩa gì?

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Ở TPHCM, tưởng chừng bạn đã thuộc lòng tên từng dòng kênh, chiếc cầu, con hẻm… Thế nhưng, khi hiểu thêm được giá trị lịch sử của nó, bạn sẽ phải trầm trồ ngạc nhiên.

Gò Vấp, Thị Nghè, kênh Tàu Hũ, Ngã 5 Chuồng Chó… có ý nghĩa gì? - 1

Dinh độc lập - địa danh lịch sử nổi tiếng ở TPHCM (Ảnh: Nguyễn Vy).

Là một vùng đất mới, hòa hợp của nhiều dân tộc như Kinh, Khơ-me, Chăm, Hoa…, đồng thời chịu ảnh hưởng văn hóa từ các nước phương Tây nên các địa danh ở TPHCM mang vô vàn giá trị văn hóa, lịch sử.

Rất nhiều dòng kênh, chiếc cầu, con hẻm, mảnh đất… bạn đã thuộc nằm lòng, thế nhưng đã bao giờ hiểu hết ý nghĩa của chúng?

Dựa vào cuốn sách Địa danh học Việt Nam của PGS.TS Lê Trung Hoa, chúng tôi xin gửi tới bạn đọc các cách lý giải độc đáo về các địa danh đặc trưng tại TPHCM. Qua đó phần nào giúp mọi người thấy sự thú vị, hào sảng của vùng đất phương Nam này.

Quận Gò Vấp

Gò Vấp, Thị Nghè, kênh Tàu Hũ, Ngã 5 Chuồng Chó… có ý nghĩa gì? - 2

Hiện nay, Gò Vấp là một địa danh hành chính tại TPHCM, có số lượng cư dân khoảng gần 700.000 người (Ảnh: Hữu Khoa).

Theo PGS.TS Lê Trung Hoa, vùng này ban đầu được gọi với cái tên Gò Vắp vì nơi đây là vùng đất cao trồng rất nhiều loại cây vắp - một loại cây cứng như lim, cao 15-20m, vỏ màu nâu đen, tán lá rộng, vẫn còn được tìm thấy trên đường Trương Định (Q.3) và Nguyễn Đình Chiểu (Q.3). 

Thuở trước, những cây này đã mọc thành rừng che chở cho đời sống người Chăm, vì vậy trong tiếng Chăm vẫn gọi tên cây vắp là Krai. 

Huyện Cần Giờ

Gò Vấp, Thị Nghè, kênh Tàu Hũ, Ngã 5 Chuồng Chó… có ý nghĩa gì? - 3

Cần Giờ là huyện đảo duy nhất giáp biển của TPHCM với diện tích 704,45 km2. Theo thống kê năm 2019, dân số nơi đây là 71.526 người (Ảnh: Nguyễn Vy).

Cần Giờ nằm phía Đông Nam TPHCM, trung tâm huyện là thị trấn Cần Thạnh, cách trung tâm thành phố khoảng 50 km. Cần Giờ giáp ranh với huyện Nhơn Trạch, huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai), thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu), huyện Cần Đước, huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An), huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang).

Theo PGS.TS Lê Trung Hoa, cái tên Cần Giờ bắt nguồn từ cụm từ ""Kanchoeu" của người Khơ-me với ý nghĩa là cái thúng.

Huyện Củ Chi

Gò Vấp, Thị Nghè, kênh Tàu Hũ, Ngã 5 Chuồng Chó… có ý nghĩa gì? - 4

Củ Chi là một huyện ngoài thành nằm ở hướng Tây Bắc TPHCM với diện tích 434,77 km2. Đây là một vùng đất có vai trò quan trọng trong các cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam (Ảnh: Nguyễn Vy).

Về Củ Chi, PGS. TS Lê Trung Hoa lý giải đây là tên gọi khác của loại cây mã tiền. Vào thời gian trước, người dân thường xuyên trồng loại cây này nên đã được dùng để chỉ chung cho vùng đất.

Ngã tư Bảy Hiền 

Gò Vấp, Thị Nghè, kênh Tàu Hũ, Ngã 5 Chuồng Chó… có ý nghĩa gì? - 5

Ngã tư Bảy Hiền ngày nay là giao lộ lớn gắn với trục đường Trường Chinh, Cách Mạng Tháng Tám, Hoàng Văn Thụ và Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình, TPHCM) (Ảnh: Hữu Khoa).

Theo PGS.TS Lê Trung Hoa, Bảy Hiền tên một người từng chuyên bán cỏ ngựa tại đây vào đầu thế kỷ XX. Nổi tiếng là điền chủ giàu có và thương người nên sau khi ông mất, tên ông đã được lấy đã để đặt cho nút giao.

Ngã năm Chuồng Chó

Gò Vấp, Thị Nghè, kênh Tàu Hũ, Ngã 5 Chuồng Chó… có ý nghĩa gì? - 6

Ngày nay ngã năm Chuồng Chó còn được gọi với những cái tên khác như ngã sáu Gò Vấp, ngã sáu Quang Trung (Ảnh: Hữu Khoa).

Đây là trục giao lộ lớn nhất quận Gò Vấp bao gồm các đường Quang Trung, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh, Trần Thị Nghĩ và Nguyễn Văn Nghi. 

Thời Pháp thuộc, tại đây, cụ thể ở địa chỉ 679 Nguyễn Kiệm, có một quân khuyển (trường huấn luyện chó). Đến năm 1994 trường này đã chuyển ra miền Bắc. Thế nhưng cái tên dân gian vẫn được người dân lưu truyền và sử dụng.

Thị Nghè

Tên gọi Thị Nghè ngày này dùng để chỉ địa giới bao gồm nhiều phường tại quận Bình Thạnh, đoạn giáp với quận 1 (TPHCM).

Theo đó, Thị Nghè tên thật là Nguyễn Thị Khánh, con gái quan khâm sai Nguyễn Cửu Vân. Thuở xưa, bà đã cho xây dựng cầu để chồng tiện qua lại làm việc bên kia sông Sài Gòn. Do đó cầu có tên là Thị Nghè, con rạch và vùng đất bà ở cũng được gọi tên là Thị Nghè. Chồng bà là Thư lại nên những người đương thời tôn xưng là là Bà Nghè, rồi là Thị Nghè.

Kênh Tàu Hũ

Gò Vấp, Thị Nghè, kênh Tàu Hũ, Ngã 5 Chuồng Chó… có ý nghĩa gì? - 7

Kênh Tàu Hũ có chiều dài khoảng 6km, chảy qua các quận 5, 6 và 8 của TPHCM (Ảnh: Nguyễn Vy).

Ngày nay, kênh là địa điểm rất quen thuộc với người dân Sài Gòn, đặc biệt thường là nơi tập trung buôn bán trên thuyền vào dịp lễ Tết. Vào thời xưa, dòng kênh cũng có vai trò quan trọng đặc trọng trong sự phát triển của thành phố.

Theo đó, âm gốc của con kênh là Cổ Hũ, vì trước đây con kênh này có chỗ co, chỗ phình như cổ của cái hũ. Năm 1819, vua Minh Mạng sai Phó tổng trấn Gia Định là Huỳnh Công Lý cho đào rộng lòng kênh giúp ghe thuyền đi lại dễ dàng. Sau đó kênh được đặt tên là An Thông, nhưng dân gian vẫn quen gọi là Tàu Hũ.

Qua những cách lý giải đơn giản trên, ta mới thấy mảnh đất Nam phương này chứa đựng bao nhiêu điều thú vị và mới mẻ. Mỗi mảnh đất, cây câu, con kênh, ngõ hẻm… đều mang trong mình vô vàn giá trị văn hóa, lịch sử. Để rồi bao nhiêu năm tháng trôi qua đi chăng nữa, người ta vẫn quen gọi chúng bằng những cái tên thân mật, vừa đáng yêu lại vừa đáng quý như thế!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm