Gió bão dữ dội, dân chung cư Hà Nội dán băng dính lên cửa kính có an toàn?
(Dân trí) - Trên nhiều hội nhóm chung cư ở Hà Nội, người dân liên tục chia sẻ những mẹo chống bão an toàn. Trong đó phương pháp dán băng dính hình chữ X lên cửa kính được rất nhiều người áp dụng.
Bắt đầu từ 15h ngày 7/9, thấy gió giật ngày một mạnh kèm theo mưa lớn, chị H. sống tại chung cư báo Nhân Dân (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) lo lắng thấp thỏm không yên.
Ngày hôm nay, chồng chị H. phải ra đơn vị trực bão. Căn hộ trên tầng 14 của gia đình chỉ có 3 mẹ con ở nhà. Vắng bố, bé M. con trai lớn của chị H. vội lấy băng dính dán hình chữ X lên các ô cửa kính với hy vọng sẽ phần nào giảm bớt áp lực của gió dội vào nhà.
"Lúc con dán băng dính, tôi tranh thủ nhét thêm giẻ lau vào các kẽ hở. Khi mọi thứ xong xuôi, tôi thấy kính cũng bớt rung, giảm tiếng gió rít từ bên ngoài. Chồng vắng nhà nhưng vẫn liên tục gọi điện hỏi thăm tình hình mấy mẹ con ở nhà xem có an toàn hay không", chị H. cho biết.
Trên cộng đồng dân cư ở nhiều khu chung cư tại Hà Nội, trong những giờ qua, nhiều hình ảnh người dân lấy băng dính dán lên cửa kính liên tục được chia sẻ.
Anh Minh, một người dân sống tại chung cư Đồng Tàu ở quận Hoàng Mai, căng thẳng khi thấy bão mỗi lúc một lớn.
Dù đã rà soát, chèn cửa cẩn thận từ tối ngày 6/9 nhưng tới thời điểm hiện tại, người đàn ông này vẫn không yên tâm. Anh đã dán băng dính lên toàn bộ hệ thống cửa kính trong nhà và giờ đi kiểm tra lại toàn bộ.
Trên thực tế, đây là phương pháp được nhiều người dân Trung Quốc sử dụng với mục đích ngăn các tấm kính cửa sổ vỡ tan khi bị gió và mảnh vỡ đập vào.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, kiến trúc sư Vương Đạo Hoàng (Kienviet Group) cho biết, việc dán băng keo lên kính để tránh bão không có bất cứ tác dụng gì. Đây là phương pháp người dân áp dụng từ thời xưa, chỉ dành cho loại kính mỏng, khi trời gió nhẹ.
"Việc nhiều cửa kính nhà cao tầng, nhà chung cư bị vỡ trong mưa bão là do áp suất chênh lệch giữa trong và ngoài nhà. Hiện nay kính cửa sổ nhà cao tầng đều là kính hộp, rất cứng và chắc chắn. Tuy nhiên sức gió mạnh khiến áp suất chênh lệch giữa trong và ngoài nhà gây áp lực mạnh phá bung cửa", kiến trúc sư Hoàng nói.
Cùng chung quan điểm, theo kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà, việc dán băng keo lên kính chỉ là phương pháp phù hợp với kính thường. Trong khi đó các nhà chung cư hiện nay hầu hết đều dùng kính lớn vốn là loại kính dán an toàn hai lớp với lớp chính giữa là lớp keo. Bởi vậy, dán thêm lớp băng dính bên ngoài không có tác dụng bảo vệ ngoại trừ giải quyết yếu tố tâm lý thấy yên tâm hơn.
Theo kiến trúc sư này, để tránh tình trạng cửa kính bị vỡ khi gió giật mạnh, ngay từ khi xây dựng, đơn vị thiết kế thi công đã phải tính toán đủ sức chịu tốc độ gió bão kết cấu mặt dựng. Nếu tính toán không đảm bảo khi có thiên tai hay đến hạn cửa kính sẽ dễ bị phá vỡ.
Trước đó, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này. Đại diện NOAA cho rằng việc dán băng dính là "sự lãng phí công sức, thời gian và cả lãng phí băng keo".
"Cách làm này không giúp tăng độ bền cho kính và cũng không giúp chống các mảnh kính vỡ", NOAA nói.
Tuy nhiên trong điều kiện siêu bão Yagi đang có nhiều diễn biến phức tạp, kiến trúc sư Hoàng đưa lời khuyên, khi trời có gió mạnh, cách an toàn nhất là nên đóng kín cửa để tránh gió lùa, mưa tạt vào nhà.
Tại Hà Nội, đến 17h ngày 7/9, tâm bão còn cách hơn 100km nhưng thủ đô đã chịu những tác động đầu tiên, gió giật cấp 7.
Trong 11 giờ tới Hà Nội vẫn nằm trong vùng gió mạnh, mưa lớn, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Đến sáng 8/9, Hà Nội mới thoát khỏi vùng nguy hiểm của bão Yagi.