Giao lưu hữu nghị nhân dân Quảng Nam và Nhật Bản
(Dân trí) - Trong khuôn khổ “Những ngày văn hóa Nhật Bản tại Quảng Nam” diễn ra từ ngày 17-19/8, tại TP Hội An đã diễn ra buổi Tọa đàm “Giao lưu hữu nghị nhân dân Quảng Nam - Nhật Bản”.
Ông Konaka Tetsuo - Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đã chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm về các mô hình dự án hợp tác giữa JICA với tỉnh Quảng Nam trong những năm qua, đặc biệt là những dự án hợp tác kinh tế qui mô nhỏ được thực hiện bởi các tổ chức/đoàn thể của Nhật Bản.
Một trong những dự án nổi bật mà JICA đang tiến hành ở tỉnh Quảng Nam là Dự án viện trợ không hoàn lại cải thiện môi trường nước khu vực Chùa Cầu (Hội An). Một địa điểm du lịch nổi tiếng nhưng hiện đang bị ô nhiễm nước khá nghiêm trọng.
Dự án này hỗ trợ cải tạo hệ thống kênh dẫn nước thải và xây dựng nhà máy xử lý nước thải với công suất 2.000 m3/ngày, để xử lý nước ô nhiễm tại kênh dẫn tới Chùa Cầu. Đến nay, nhà máy đã gần hoàn thiện, đang lắp đặt hệ thống điện và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10 hoặc tháng 11 năm nay.
Ông Konaka Tetsuo chia sẻ: “Bên cạnh dự án viện trợ không hoàn lại, JICA cũng tiến hành một số dự án hợp tác qui mô nhỏ theo loại hình “Hợp tác đối tác phát triển”, trong đó JICA hỗ trợ ngân sách và ủy thác việc thực hiện cho các tổ chức phi chính phủ, chính quyền địa phương hoặc trường đại học của Nhật Bản nhằm khuyến khích người dân Nhật Bản tham gia vào hoạt động hợp tác quốc tế sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để chuyển giao công nghệ và chia sẻ kinh nghiệm.
Ông Konaka Tetsuo cho biết thêm, dự án điển hình trong loại hình này là “Chương trình giảm thiểu khối lượng rác thải theo mô hình Naha tại thành phố Hội An” được thành phố Naha thuộc tỉnh Okinawa (Nhật Bản) thực hiện tại tất cả 13 xã phường trên địa bàn thành phố Hội An, dựa trên kinh nghiệm thực hiện mô hình “Thành phố Cộng sinh Môi trường” của thành phố Naha.
Các chuyên gia của Naha rất giàu kinh nghiệm về giảm thiểu rác thải kinh doanh và kinh nghiệm trong lĩnh vực làm du lịch với mô hình cân nhắc về môi trường, vốn đã trở thành “thương hiệu” của thành phố Naha.
Mục tiêu chính của dự án là thực thi “Kế hoạch triển khai phân loại rác thải sinh hoạt trong thành phố Hội An”; triển khai việc thu gom phân loại đến toàn thành phố; phát “Sổ tay hướng dẫn phân loại rác tại nguồn” đến tất cả các hộ gia đình; và điều tra thành phần rác thải, tiếp thu năng lực giám sát tình trạng phân loại rác.
Theo ông Konaka Tetsuo, hiện các dự án hỗ trợ của JICA thực hiện tại tỉnh Quảng Nam đều tập trung vào phát triển du lịch, vì đây là thế mạnh kinh tế của tỉnh Quảng Nam, một trong những lĩnh vực đóng vai trò rất quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế của Chính phủ Việt Nam.
Ông Konaka Tetsuo cũng cho biết thêm, bên cạnh dự án thành phố sinh thái Hội An còn có dự án dài hơi khác về hỗ trợ phát triển tiềm lực nông thôn dựa vào sự chủ động của cộng đồng dân tộc thiểu số Cơtu huyện Nam Giang do Tổ chức Cứu trợ Phát triển Quốc tế Nhật Bản (FIDR) thực hiện.
Dự án hướng đến phát triển kinh tế địa phương, gìn giữ các giá trị văn hóa có nguy cơ mai một của dân tộc Cơtu như dệt vải, món ăn truyền thống…, áp dụng phương pháp “săn tìm kho báu” (takaramono sagashi) của Nhật Bản trong việc tìm kiếm, khai thác và thương mại hóa các sản phẩm du lịch có giá trị của địa phương.
Bên cạnh đó, JICA còn đầu tư các dự án hỗ trợ làng nghề Quảng Nam phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ thông qua các hoạt động hỗ trợ thiết kế và cải tạo một số cửa hàng giới thiệu các sản phẩm của nghệ nhân; nâng cao năng lực của của các nghệ nhân thông qua các buổi hội thảo tập huấn hướng tới sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng với nhu cầu của khách du lịch.
“Tuy các dự án JICA ở tỉnh Quảng Nam tuy không lớn về quy mô, giá trị nhưng đều là những dự án được truyền thêm hơi thở mang lại hiệu quả lâu dài, bền vững nhờ những cam kết đồng hành phát triển của JICA cùng với quyết tâm và sự chủ động vào cuộc của tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua” , ông Konaka Tetsuo mong muốn.
C.Bính