(Dân trí) - 8h sáng, ông Tuấn - bà Mai cùng hai cô con gái, hai nhân công đã tất bật gói hàng cho khách: người nắm nem, người gói lá, người đong mắm,... Những thùng hàng 50 - 70 gói nem lần lượt chuyển đi.
Ghé qua thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy, Nam Định thì chẳng thực khách nào có thể bỏ qua món nem nắm - "món ngon tiến vua".
Có mặt tại một cơ sở làm nem tại thị trấn này vào 8h sáng, 5 - 7 vị khách đã xếp hàng sẵn chờ đợi. Người đặt cả 50 - 70 nắm nem cho tiệc cưới, người mua 20 - 30 nắm gửi đi Hà Nội, Hải Phòng, người thì đợi mua đôi ba nắm để "đổi món" ngày cuối tuần...
"Gia đình này làm nem 30 năm nay. Họ có bí kíp riêng nên nem ngon, thơm, ăn một lại muốn ăn hai. Con cháu tôi đi xa về gần đều muốn ăn nem nắm ở đây nên tôi mới ra xếp hàng mua sớm. Hôm nay chắc nhiều người đặt số lượng lớn nên phải chờ hơi lâu", ông Doãn Ngọc Cát vừa đứng xếp hàng đợi nem vừa chia sẻ.
Ngay sạp gói nem, 2 vợ chồng ông Tuấn - bà Mai cùng 2 cô con gái, 2 nhân công tất bật, tay thoăn thoắt mỗi người một việc: người nắm nem, người gói lá, người đong mắm, người cắt lá dong, lá sung...
"Ngày hôm nay dự kiến gia đình tôi sẽ bán khoảng 500 gói nem nắm. Ngày thường thì bán được 200 - 300 nắm thôi nhưng ngày cuối tuần, lễ tết thì 500 - 700 năm/ngày. Ngay cả con gái học xa nhà về nghỉ cuối tuần cũng được huy động làm cùng bố mẹ cho kịp", bà Mai vừa đóng gói vừa chia sẻ.
Mỗi nắm nem có giá từ 30.000 - 50.000 đồng tùy vào yêu cầu của khách. Những ngày lễ tết, gia đình bà Mai không khó để đạt doanh thu lên đến hàng chục triệu đồng. Thu nhập từ nghề làm nem nắm giúp ông bà có cơ ngơi khang trang ngay giữa thị trấn, các con đều có điều kiện học hành tốt.
Nhưng, công việc này cũng lắm kì công...
3h sáng, ông Tuấn - bà Mai (thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy, Nam Định) đã vội vã rời nhà đi chọn mua thịt lợn. Những ngày trong tuần, công việc làm nem nắm của gia đình bắt đầu vào 4h30 sáng nhưng riêng cuối tuần, lượng khách đặt đông gấp 2 - 3 lần nên ông bà phải di chuyển đến lò mổ sớm hơn. "Thịt lợn nhất định phải là thịt tươi, thịt sạch thì mới có thể cho ra những nắm nem thơm, ngon, có vị ngọt, bì giòn; tuyệt đối không thể dùng lợn từ ngày hôm trước", ông bà cho biết.
Mang thịt trở về nhà, ông Tuấn bà Mai cùng hai nhân công nhanh chóng rửa sạch, sơ chế thịt. Điều khác biệt tạo nên thương hiệu nem nắm nhà ông bà là toàn bộ nguyên liệu đều đã chín, được băm, thái thủ công bằng tay.
Chỉ riêng sáng cuối tuần, ông bà đã nhận được 4 - 5 đơn hàng số lượng lớn để phục vụ tiệc cưới và khách đặt đi xa. Tiếng dao, thớt vang lên vội vã trong căn bếp nhỏ. Ai nấy đều khẩn trương: người thái bì, người dần thịt, người đập tỏi, pha mắm... "7h là phải có hàng cho khách nên không thể làm lơ là được, các khâu đều phải khẩn trương", bà Mai vừa thái thịt vừa kể.