Gia cảnh khốn khó của người "ôm" rắn hổ mang chúa vào bệnh viện cấp cứu
Ca mổ sau vụ tai nạn giao thông khiến anh Tâm không được người ta thuê mướn. Để trang trải cuộc sống, nuôi hai con nhỏ, anh bất đắc dĩ trở thành “thợ” bắt rắn.
Tai nạn bất ngờ
Ngồi bó gối trên dãy ghế đá trong khuôn viên bệnh viện Chợ Rẫy, chị Bùi Thị Ngọc Tuổi (SN 1992, ngụ ấp Phước Lợi 1, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) luôn giật bắn mình mỗi khi loa bệnh viện gọi tên người nhà vào thăm bệnh. Chồng chị, anh Phan Văn Tâm (SN 1982, ngụ cùng địa phương) vẫn đang giành giật sự sống tại khoa Bệnh nhiệt đới, bệnh viện Chợ Rẫy sau khi bị con rắn hổ mang chúa cắn.
Cố kìm những giọt nước mắt chực chờ trên đôi mắt mệt mỏi vì thiếu ngủ, chị Ngọc Tuổi cho biết, cũng vì miếng cơm manh áo mà anh Tâm bị con rắn dữ cắn dẫn đến nguy kịch.
Chị Tuổi nói: “Sáng 19/8, chồng tôi chở theo hai con đi thăm bẫy rắn. Lúc này, đứa con trai 9 tuổi của tôi phát hiện chiếc bẫy có một con rắn lớn. Cháu chạy ra nói với chồng tôi: “Con rắn lớn dữ lắm ba ơi. Thấy con, nó phùng mang kêu phì phì trông rất sợ”. Thấy vậy, chồng tôi đến xem và định bắt con rắn. Thấy con rắn hung dữ quá, con tôi kêu khóc, ngăn cản không cho chồng tôi bắt”.
“Thế nhưng, biết con rắn này bán sẽ có giá, chồng tôi vẫn lao đến bắt. Không may, anh bị con rắn cắn trúng vào đùi. Bất chấp đau đớn, anh cố nắm chặt lấy đầu con rắn rồi nhờ người xung quanh lấy dây buộc đùi lại để chất độc không chạy vào người. Sau đó, anh và các con ra đường bắt xe, xin một anh chạy xe ô tô đi ngang qua chở lên bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh cấp cứu. Lúc trên xe và khi vào bệnh viện, anh vẫn nắm chặt đầu con rắn, mặc cho nó quấn chặt tay mình. Tại bệnh viện, khi các bác sĩ khống chế được con rắn cũng là lúc chồng tôi gục xuống, bất tỉnh”, chị Ngọc Tuổi kể thêm.
Cũng theo chị, trước đây, anh Tâm chưa từng hành nghề bắt rắn và không có kinh nghiệm gì trong công việc đầy rủi ro này. Tuy nhiên, do cuộc sống khó khăn, anh đành “nhắm mắt đưa chân” đặt bẫy, bắt rắn để có tiền lo cho hai con nhỏ.
“Lúc anh ấy định bắt con rắn, con trai tôi cứ khóc nói: “Ba ơi chạy đi, đừng bắt nữa con sợ lắm. Nhưng anh ấy nói: “Con rắn này bán được nhiều tiền lắm. Bắt được nó, ba bán có tiền mới lo cho con và em được”.
Thế rồi, anh ấy bất chấp con trai khóc lóc, khuyên can để bắt con rắn. Nếu cuộc sống không khốn khó, chồng tôi đã không phải nằm viện trong tình trạng thập tử nhất sinh như bây giờ”. Nói đến đây, người vợ trẻ không thể kìm nén thêm cảm xúc đau buồn. Chị vén vạt áo, chấm vội những giọt nước mắt lăn trên đôi gò má đen nhẻm.
Cuộc sống khốn khó
Chị kể, thời điểm nghe tin chồng bị rắn độc cắn phải chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng hôn mê sâu, chị rụng rời tay chân. Thời khắc ấy vô số nỗi lo, sợ hãi ùa về khiến chị muốn ngã quỵ.
Chị nói: “Thời gian gần đây, chồng tôi liên tục gặp tai nạn. Vừa rồi, anh bị tai nạn giao thông phải nhập viện điều trị. Anh ấy cũng vừa đi mổ cái chân đau sau vụ tai nạn trước đó. Sau khi mổ xong, chân chồng tôi yếu hẳn. Anh không còn làm việc nặng được nên không ai thuê nữa. Cuộc sống đã khốn khó giờ càng vất vả hơn. Không ai thuê, biết xung quanh nhà có nhiều rắn, anh nghĩ cách đi bắt kiếm tiền chạy ăn từng bữa”.
Theo lời chị, gia đình chị không có đất sản xuất. Cuộc sống của anh chị và các con chỉ trông chờ vào công việc làm thuê của hai vợ chồng. Trước khi gặp tai nạn giao thông, anh Tâm nhận làm thuê cho các chủ vườn trồng mãng cầu như xịt thuốc trừ sâu, cắt hoa, tỉa cành…
Hết mùa mãng cầu, nếu có ai gọi, anh đi theo phụ hồ. Không ai thuê mướn, anh xách chiếc xe máy cà tàng ra đường chạy xe ôm. Anh luôn tất bật, không chút nghỉ ngơi nhưng cái khổ vẫn chẳng buông tha.
Trong khi đó, chị Ngọc Tuổi cũng chẳng mấy khá hơn. Không có nghề nghiệp ổn định, ai thuê mướn gì chị làm nấy. Hết cắt cỏ thuê, chị lại đi chăm mãng cầu cho chủ vườn. Cuộc sống mưu sinh khốn khó khiến chị già nua hơn rất nhiều so với cái tuổi 28 của mình.
Chị nói: “Gia đình chồng tôi cũng không mấy khá giả. Đông anh em nhưng bên chồng tôi ai cũng khó khăn nên không thể đỡ đần nhau. Ngày anh nhập viện, bác sĩ nói anh chỉ còn 20% cơ hội sống tôi như chết lặng. Hai đứa con của tôi còn nhỏ quá. Không có chồng, một mình tôi biết xoay sở thế nào để lo cho chúng.
Hai ngày qua, tôi không tài nào chợp mắt được. Tôi lo những điều xấu nhất xảy đến với chồng. Dù biết sẽ phải gánh thêm nhiều số nợ nữa nhưng tôi vẫn cầu mong cho chồng tôi vượt qua cơn nguy kịch”.
Ông Trần Công Lập, Bí thư kiêm Trưởng ấp Phước Lợi 1, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh cho biết: “Tại địa phương, gia đình anh Phan Văn Tâm thuộc diện khó khăn. Anh và vợ không có nghề nghiệp, không có đất sản xuất lại phải nuôi hai con nên thiếu trước hụt sau. Hơn thế, anh lại liên tục gặp tai nạn.
Cách đây không lâu, anh Tâm gặp tai nạn giao thông và phải đi vay mượn tiền để mổ chân. Hiện, gia đình anh này vẫn chưa trả xong nợ lại tiếp tục gặp tai nạn khi đi bắt rắn. Ở địa phương, anh sống rất hòa đồng nên ai cũng quý mến”.