Ghé thăm ngôi làng đàn ông thực hiện "sứ mệnh" làm đẹp cho phụ nữ

Tú Diễm Ngọc Bích Phương Hạ

(Dân trí) - Làng nghề may áo dài Trạch Xá (Ứng Hòa, Hà Nội), không chỉ nổi tiếng bởi những nghệ nhân có kỹ thuật may đo thủ công nức tiếng mà còn độc đáo ở chỗ ngôi làng này "đàn ông khéo tay hơn cả phụ nữ".

Một nghìn năm lưu giữ vẻ đẹp Việt

Người dân làng Trạch Xá truyền rằng: Sau khi dẹp loạn 12 sứ quân lên ngôi vua, vua Đinh Tiên Hoàng đến vùng đất Sơn Tây để chiêu mộ hiền tài, tướng giỏi và đã gặp bà Nguyễn Thị Sen, ông phong bà làm Tứ phi.

Với sự khéo léo và thông minh, bà đã phát triển nghề may trong cung vua mà trước đó chưa từng có. Sau khi vua Đinh bị sát hại, bà Sen chạy đến làng Trạch Xá để lẩn trốn. Vốn giỏi trồng dâu nuôi tằm, bà đã dạy nghề cho những ngôi làng lân cận.

Riêng làng Trạch Xá bà dạy người dân nghề may vá, nay đã được hơn 1000 năm truyền thống. Người dân làng Trạch Xá đã lập đền thờ tổ nghề may và lấy ngày mất của bà (12/12 Âm lịch) để tưởng nhớ công lao tổ nghề.

Theo lời kể của nghệ nhân Đỗ Minh Tám (55 tuổi) - người đã có 38 năm gắn bó với nghề: "Từ năm 2005 trở về trước, Trạch Xá không phải là làng làm nghề may mà là làng sản sinh ra những người đi làm nghề may. Những người thợ may đi khắp nơi để có thể làm nghề.

Vì thứ nhất làng chưa thể làm thành một xưởng may sản xuất hàng loạt. Áo dài không như áo sơ mi mà mỗi người có một số đo riêng. Cái thứ hai, nghề may Trạch Xá hoàn toàn làm bằng thủ công, không cần dùng đến máy may nên có thể làm nghề mọi nơi".

Ghé thăm ngôi làng đàn ông thực hiện sứ mệnh làm đẹp cho phụ nữ - 1
Nghệ nhân Đỗ Minh Tám cùng học trò đang chăm chú, tỉ mỉ hoàn thiện những chiếc áo dài theo đơn đặt hàng của khách (Ảnh: Tú Diễm)

Hiện nay, làng Trạch Xá có đến 95% người làm nghề áo dài. Hơn 2000 nhân khẩu trong độ tuổi lao động thì có gần 1700 người theo nghề may và đa số là may áo dài có sự hỗ trợ của máy móc.

Chỉ còn một số ít là vẫn làm theo kiểu thủ công truyền thống bởi vì phần lớn các thao tác làm thủ công để hoàn thiện một sản phẩm tùy thiết kế, mất từ một vài ngày đến chục ngày, thậm chí hơn. Các công đoạn có tầm quan trọng như nhau từ lấy số đo, cắt, kỹ thuật may, làm khuy… đều được làm cẩn thận, chỉn chu dưới bàn tay của những người thợ may tài hoa.

Mỗi ngày số lượng áo dài làm ra sẽ được phân phối đến các cửa hiệu, cửa tiệm trên từng con phố. Làng cũng có hợp tác xã nghề riêng nhưng hai năm trở lại đây, đa phần không hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tuy nhiên, trên tất cả các diễn đàn áo dài trong nước, không bao giờ thiếu sự xuất hiện của áo dài làng Trạch Xá.

"Đàn ông Trạch Xá khéo may - Tay đo, tay thước suốt ngày chỉ kim"

Nghệ nhân Nguyễn Văn Nhiên (89 tuổi) chia sẻ: Trước kia ở làng thường chỉ truyền nghề cho con trai là do thời ấy, một thầy một trò cứ khăn gói phiêu dạt mưu sinh với tay nải gồm cây kéo, kim chỉ, tấc vải, cái vạch để đi may áo dài, có khi phải đi xa nhà nửa tháng, hơn tháng.

Họ đến những nơi có nhiều lễ hội như Bắc Ninh, Bắc Giang... cứ nhà nào cần may là sẽ ở lại nhà đấy. Đàn bà, con gái thì không thể cứ nay đây mai đó như thế được, nào có mấy ai chịu được sự kham khổ này?

Ghé thăm ngôi làng đàn ông thực hiện sứ mệnh làm đẹp cho phụ nữ - 2

Nghệ nhân Nguyễn Văn Nhiên - lão niên của làng Trạch Xá (Ảnh: Tú Diễm).

Ngoài ra, cũng có một cách lý giải khác cho việc người làng Trạch Xá chỉ truyền dạy nghề may cho con trai, là vì các cụ không muốn khi dạy cho con gái, sau này đi lấy chồng thì nghề sẽ bị lan ra bên ngoài.

Một thời gian dài khi nhắc đến "làng đàn ông may áo dài" là người ta nghĩ ngay đến làng Trạch Xá. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, việc truyền nghề đã không còn phân biệt giữa nam, nữ giới, quan niệm truyền và giữ nghề phần nào đã thay đổi. Các nghệ nhân trong làng lo sợ rằng, bây giờ mà không truyền thì sau này không có ai làm nghề nữa.

Trẻ con trong làng từ khi cầm được kim đã có thể giúp gia đình làm từ những việc đơn giản như đính khuy. Đó cũng là một cách học nghề, truyền nghề và lưu giữ nghề. 

Nét thủ công ở làng Trạch Xá là điểm đặc trưng không ở đâu có, làm nên "tên tuổi" của làng nghề, đó là điều mà những người con sinh ra ở nơi đây luôn tự hào mỗi khi nhắc đến. Kỹ thuật "cầm kim tay dọc" không đơn giản như các bà, các chị cầm kim may vá. "Kim để giữa hai mảnh vải, chúng ta còn không thấy được cái kim đâu, cái tay cầm kim mà kim còn không ở trong tay".

Đấy chính là nét riêng biệt, được mọi người ví như "trong dán hồ, ngoài phô trứng rận" (nghĩa là lật tà áo bên trong không thấy dấu vết của đường kim chỉ, bên ngoài mũi chỉ nhỏ xíu, li ti đều đặn như trứng rận).

Chính nhờ cách khâu này mà những chiếc áo dài dù được may trên chất liệu lụa mỏng vẫn không hỏng vải hay khi sử dụng những loại vải dày, tà áo cũng không bị cứng, đường tà không hề lộ.

Ghé thăm ngôi làng đàn ông thực hiện sứ mệnh làm đẹp cho phụ nữ - 3
Ông Tám bộc bạch: "Nhiều người nói tôi cứ làm theo truyền thống, nói tôi bị hâm nhưng không sao tôi hâm một tí cũng được. Nếu mình cứ chạy theo công nghệ thì làm sao giữ được những cái truyền thống, những tinh hoa của các cụ ngày xưa. Giữ nét nghề là giữ cái truyền thống của làng này". (Ảnh: Tú Diễm)

Dẫu còn gặp nhiều khó khăn đặc biệt là sự phát triển và đa dạng về mẫu mã áo dài nhưng áo dài truyền thống và giá trị văn hóa của nó vẫn tồn tại mãi với thời gian. Hàng nghìn năm qua, những người thợ may làng Trạch Xá đã, đang và sẽ luôn dùng tình yêu, sự nhiệt huyết thổi hồn vào mỗi sản phẩm để khi nhắc tới áo dài, người ta sẽ nhớ ngay tới địa danh Trạch Xá.

Tú Diễm, Ngọc Bích, Phương Hạ