Quảng Nam:

Gặp ông “Năm khùng” cụt tay biến gốc tre thành bàn ghế

(Dân trí) - Ông thường được người dân địa phương gọi là “lão nông tài hoa” nhờ tài chế tác các bộ bàn ghế, vật dụng hằng ngày hết sức độc đáo bằng gốc tre dù ông chỉ còn 1 tay lành lặn.

Đó là ông Phan Văn Chánh (56 tuổi, thôn Hanh Tây, xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam, tên thường gọi là ông Năm).

Năm 1982, ông Chánh làm thuê tại một xưởng ép mía, không may bị cụt mất cánh tay phải. Từ đó ông chuyển qua nghề đan ghe, thúng, mủng bán mưu sinh.

Gặp ông “Năm khùng” cụt tay biến gốc tre thành bàn ghế

Tình cờ bén duyên với công việc chế tác gốc tre thành các sản phẩm độc đáo, tuyệt đẹp, với ông Chánh đó chính là cả niềm đam mê và “nghiệp vận” giúp ông đổi đời

Đến năm 2006, ông Chánh tình cờ phát hiện nhiều gốc tre nằm lộ thiên bên sông Thu Bồn (quê nhà Đại Thạnh của ông), do trước đây bị bão quật đổ. Biết được ý định làm củi đốt của người dân, mà trong đó lại có nhiều gốc có hình thù lạ mắt, thấy uổng phí thế là ông xin mang về nhà.

Gặp ông “Năm khùng” cụt tay biến gốc tre thành bàn ghế

Từng gốc tre được ông lựa chọn tỉ mỉ, sao cho cân xứng nhất và mang tính thẩm mỹ cao

Sau hai ngày dài mày mò nghiên cứu, gốc tre sần sùi, nhiều lõm sâu được ghép nối, thêm thắt các chi tiết, ông muốn biến chúng thành bộ bàn ghế đặt trong phòng khách.

Mất cả mấy tháng trời, từ hình thành ý tưởng đến vẽ lên giấy rồi bộ bàn ghế cũng ra đời dù không tinh xảo như nhiều bộ sa-lon trên thị trường nhưng đẹp ở chỗ độc đáo, mới lạ và cả câu chuyện dài về quá trình biến các gốc tre xù xì thành tác phẩm mỹ nghệ của ông Chánh khiến nhiều người trầm trồ, thán phục.

Gặp ông “Năm khùng” cụt tay biến gốc tre thành bàn ghế

Vì còn một tay lành lặn nên công việc của ông khá khó khăn, cần sự kiên trì và cần mẫn cao

“Ban đầu thấy tôi không đan lát như thường lệ, mà cứ cặm cụi ngồi nhìn mấy gốc tre, rồi lại đi xin chúng đem về nhà mọi người đều bảo tôi “khùng”, bởi ở đây gốc tre chỉ có công dụng làm củi đốt.

Nhưng lúc ấy, mấy gốc tre này như có sức hút kỳ lạ với tôi, khiến tôi mê mẩn và nghĩ phải làm gì đó. Thế là ý tưởng về bộ bàn ghế ra đời, lúc làm nên nó cũng vất vả lắm, chưa có máy móc như bây giờ nên khá cực, phải nhờ thêm vợ nữa mới hình thành được”, ông Chánh chia sẻ.

Gặp ông “Năm khùng” cụt tay biến gốc tre thành bàn ghế

Ông cho biết, hiện tại có thêm máy móc nên công việc hoàn thành nhanh hơn

Giai đoạn 2012 trở đi, xu hướng sử dụng các mặt hàng mỹ nghệ, đồ dùng thường ngày bằng vật liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường bắt đầu nở rộ. Ông Chánh được nhiều người ở xa biết tới và đơn hàng cũng đến dồn dập.

Sản phẩm của ông cũng rất đa dạng từ bàn ghế, tủ thờ, tủ tivi, bàn trang điểm… tất cả đều được làm tỉ mỉ và công phu, có sản phẩm ông phải mất gần hai tháng mới hoàn thành.

Gặp ông “Năm khùng” cụt tay biến gốc tre thành bàn ghế

Các sản phẩm được khách hàng ưa chuộng bởi tính độc đáo, sáng tạo và cả câu chuyện đẹp về sự “hóa thân” đầy kỳ diệu của những gốc tre làng

“Các gốc tre được tôi ngâm tỉ mỉ mấy tháng trời, rồi chọn lựa sao cho khít với nhau mới hợp nên bộ bàn ghế đẹp. Nhiều khi cả bụi tre mình chỉ chọn được mấy gốc, rồi mình cũng làm tỉ mẩn để chất lượng bền lâu. Vả lại, tôi đã cụt một tay nên càng khó khăn hơn, hiện nay đã có máy móc hỗ trợ nên cũng đỡ hơn phần nào chứ ngày xưa làm thì mấy tháng mới xong”, ông Chánh nói.

Gặp ông “Năm khùng” cụt tay biến gốc tre thành bàn ghế

Theo ông Chánh, đây là bộ bàn ghế ông còn giữ lại được duy nhất trong nhà bởi khách đặt khá đông, có được bao nhiêu họ đều lấy hết. Cũng nhờ những gốc tre xù xì, mộc mạc đã khiến cuộc sống ông bước sang trang mới

Xưởng ông Chánh lúc nào cũng chất đầy gốc tre, nhưng lại không có sản phẩm nào được trưng bày. Bởi theo ông Chánh, ông làm đến đâu là có khách đến lấy đi ngay, có khi đơn hàng quá nhiều ông không dám nhận thêm nữa vì điều kiện sức khỏe có hạn.

Ông Phan Văn Chánh nói về những gốc tre thành tác phẩm mỹ nghệ

Dù vậy, người tìm đến xưởng ông ngày càng đông, dù không mua được nhưng chỉ cần đến xem cách ông làm, hay nghe ông kể chuyện về sự “hóa thân” kỳ diệu của những gốc tre quê mình đã thấy mãn nguyện.

“Lúc trước cũng có nhiều người đến học nghề, nhưng cũng không duy trì được lâu vì theo họ là quá khó. Theo tôi, để làm nên được sản phẩm từ gốc tre thì cần sự tỉ mỉ, kiên trì và có niềm yêu thích, đam mê lớn với nó. Xưởng tôi cũng có nhiều khách ghé chơi, rồi trên facebook của tôi cũng có nhiều người yêu thích tre, tác phẩm của mình nên tôi rất vui”, ông Chánh chia sẻ thêm.

Công Bính-Ngô Linh