Quảng Nam:

Gặp nữ cựu Thanh niên xung phong giàu lòng nhân ái

(Dân trí) - Hơn 10 năm qua, bà Trương Thị Kiều là tấm gương đi đầu tại quê nhà trong phong trào nuôi heo đất tiết kiệm để giúp đỡ những mảnh đời còn khó khăn, bất hạnh.

Đến thôn Đại Đồng (xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) hỏi thăm bà Trương Thị Kiều (73 tuổi) ai cũng biết và cảm phục trước nghĩa cử và tấm lòng của bà. Ở đây mọi người thường gọi bà với biệt danh là bà Kiều “heo tiết kiệm”.

Gặp nữ cựu Thanh niên xung phong giàu lòng nhân ái - 1

Cựu Thanh niên xung phong Trương Thị Kiều đi đầu trong phong trào nuôi heo đất, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn tại quê nhà, số tiền nuôi heo là từ tiền chợ được bà tiết kiệm hằng ngày

Năm 1966, bà Kiều tham gia du kích xã Kỳ Phước, đến cuối năm 1972, bà chuyển sang đi dân công hỏa tiến. Chồng bà, ông Trần Ngọc Anh (SN 1928) là lính đặc công. Cuối năm 1976, bà và chồng cùng xuất ngũ, trở về quê nhà lập nghiệp.

“Vợ chồng tôi trở về quê và bắt đầu bằng hai bàn tay trắng, phải đi làm thuê, cuộc sống rất vất vả. Thời điểm mới giải phóng, ai cũng khó khăn, tôi bàn với chồng vay mượn một số ít vốn đầu tư chăn nuôi, trồng trọt. Được bà con, bạn bè tạo điều kiện giúp đỡ cho mượn vốn, hai vợ chồng quyết tâm xây dựng kinh tế và trong vòng vài năm sau đã trả hết nợ”, bà Kiều hào hứng kể lại.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, bà Kiều còn sẵn sàng tham gia công tác xã hội, năm 1980, bà được cử làm Chi hội trưởng phụ nữ Hợp tác xã 1 Tam Lộc, luôn sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ mọi người có hoàn cảnh khó khăn.

Dù kinh tế không dư dả, chồng là thương binh nặng và phải nuôi 5 người con ăn học, vậy mà ai cần, bà Kiều luôn sẵn sàng giúp đỡ trong khả năng của mình.

Gặp nữ cựu Thanh niên xung phong giàu lòng nhân ái - 2
Gặp nữ cựu Thanh niên xung phong giàu lòng nhân ái - 3

Những tấm giấy khen như là kỷ niệm, ghi nhận những cống hiến, tấm lòng nhân ái vì cộng đồng của bà Kiều

“Ban đầu khi làm ở chi hội phụ nữ, tiếp xúc nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn, tôi rất đồng cảm. Sau đó, tôi bàn với chồng mua heo đất về để trong nhà, mỗi ngày tiết kiệm vài đồng tiền chợ để sau này khi ai gặp khó khăn thì lấy ra giúp họ.

Dù điều kiện kinh tế lúc đó còn thiếu thốn, nhưng hai vợ chồng cũng cố gắng, giúp được một người là một niềm vui rồi. Đến năm 2013, phong trào nuôi heo đất được nhân rộng hơn, nói thật mừng lắm, vậy là thêm nhiều người được giúp đỡ”, bà Kiều chia sẻ.

Dù đã 73 tuổi, nhưng năm nào bà Kiều cũng tự tiết kiệm khoản kinh phí chi tiêu của bản thân, nuôi 4 heo đất dành cho Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Hội Cựu Thanh niên xung phong xã, Hội Người cao tuổi xã và Chi hội phụ nữ thôn.

Cứ mỗi lần đến ngày kỷ niệm Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, truyền thống Cựu Thanh niên xung phong 15/7, ngày Quốc tế người cao tuổi 1/10, bà cùng với các chị em khác trong chi hội hỗ trợ, giúp đỡ phần nào khó khăn cho những hội viên kém may mắn. Trong thôn, xóm có những người cao tuổi neo đơn, bệnh hiểm nghèo, bà Kiều luôn tới thăm hỏi, giúp đỡ công việc hằng ngày.

Bà Kiều tâm sự, việc bỏ heo đất tiết kiệm đơn giản chỉ là hành động từ trái tim, muốn được giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh còn khó khăn, bất hạnh. Dù hỗ trợ vật chất không đáng là bao, mỗi hoàn cảnh một ít, nhưng cảm thấy an lòng và hạnh phúc vì đã làm được một điều tốt đẹp. Từ đó, những người được giúp đỡ họ cũng cảm thấy được sự quan tâm, sẻ chia và đồng thời tạo niềm tin cho những mảnh đời khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Bà Vũ Thị Ba - Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong xã Tam Lộc cho biết: “Bà Trương Thị Kiều là tấm gương sáng về lòng nhân ái, luôn quan tâm tới đồng đội, nhất là những cựu Thanh niên xung phong còn khó khăn.

Bản thân bà Kiều còn khó khăn, nhưng bà luôn tiết kiệm nuôi heo đất, vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, giúp đỡ đồng đội thiếu thốn, động viên tinh thần để họ vơi đi nỗi buồn về bệnh tật, hoàn cảnh. Chính vì thế, đến giờ mỗi dịp gặp lại, nhiều người từng được bà Kiều giúp đỡ luôn biết ơn tấm lòng cao cả của bà”.

Công Bính-Ngô Linh