Gặp người thợ cuối cùng của "xóm quạt" Đà Nẵng
(Dân trí) - Vốn là một người làm nghề gõ đầu trẻ, thế nhưng hàng chục năm qua cô Phạm Thị Hường vẫn ngày ngày tỉ mẩn làm những chiếc quạt giấy, cô cũng là người thợ cuối cùng của “xóm quạt” Đà Nẵng.
Xóm quạt ở Đà Nẵng là một trong những xóm nghề lâu đời tồn tại từ năm 1975 cho đến nay. Trải qua nhiều biến chuyển của lịch sử, trước đây, xóm quạt vốn nằm cạnh đường ray xe lửa nay thuộc đường Lê Hữu Trác (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng).
Vốn là khu có nhiều bãi đất trống, con đường được tận dụng làm nơi phơi quạt, chẻ tre. Làm quạt đã từng là công việc chính mang lại thu nhập cho họ. Đã từng có một thời gian, xóm quạt có gần chục hộ gia đình cùng nhau rọc tre, chẻ tre, phơi quạt, đông vui cả một con đường.
Tìm về xóm quạt xưa, PV Dân Trí được người dân khu vực chỉ tới nhà của cô Phạm Thị Hường - là người cuối cùng còn làm nghề quạt giấy. Ngôi nhà nằm sâu trong kiệt nhỏ với cơ man tre nứa, cô Hường mới bồi hồi nhớ lại những năm tháng hoàng kim của nghề làm quạt giấy:
“Trước đây, cả xóm này ai ai cũng làm quạt, nhà nhà làm quạt. Nhà tôi làm quạt được ba đời, nối nghiệp mẹ làm quạt đến nay cũng ngót nghét gần 40 năm. Trông cái kiệt nhỏ thế thôi chứ đến giờ lấy hàng là ra vô tấp nập người. Chỉ cần hỏi xóm quạt ở đâu là người ta chỉ tới đây liền. Có lúc, mỗi hộ gia đình làm quạt mỗi đợt tới 1000 cái quạt, bán được nhất là vào những ngày hè nóng bức như thế này”.
Nhìn sản phẩm là chiếc quạt giấy em nhỏ đang phe phẩy trên tay, chúng là những chiếc quạt nom trông rất đơn giản từ những nguyên liệu trong cuộc sống như tre nứa và giấy. Không cầu kỳ về mặt họa tiết, không rực rỡ sắc màu.
Khi chúng tôi hỏi về các công đoạn để làm ra được chiếc quạt giấy, cô Hường mới cười xòa mà chia sẻ: “Đầu tiên từ một cây tre phải cưa tre, ra tre, róc tre, chẻ, bện, dán tre, đánh tre, rọc giấy, đem phơi quạt… Tới mười mấy công đoạn mới có được chiếc quạt. Cái nghề trông thế chứ phải có tính kiên trì mới làm được”.
Mỗi thành phẩm hoàn thiện, cô Hường để giá sỉ là 2000 đồng một chiếc quạt. Cô Hường không trực tiếp đi bán mà cung cấp cho các lái buôn, các mối có sẵn từ trước, tới ngày sẽ lấy hàng đem đi khắp Đà Nẵng.
Sau hơn nửa đời người, lòng say mê với nghề của người thợ làm quạt với những thanh tre nứa kia như càng thêm sâu nặng hơn. Thế nhưng, với sự phát triển của công nghệ, máy móc hiện đại làm ra hàng nghìn chiếc quạt chỉ trong vài giờ, gấp mấy chục lần sức người làm.
Dần dần, các thợ lành nghề làm quạt trong xóm cũng bỏ nghề mà chuyển hướng sang làm một công việc khác, không ai còn đủ kiên nhẫn để theo nghề. Chỉ còn lại vài chị em trong xóm quạt, thỉnh thoảng nhớ nghề cuối tuần lại cùng ngồi lại với nhau, vót tre chẻ nứa, làm trong lúc rảnh kiếm thêm chút tiền đi chợ.
Nói tới đây, cô Hường bỗng trầm ngâm, cô chia sẻ: “Cô cũng đã từng nghỉ một thời gian vì bán hết rồi, tính nghỉ luôn nhưng cứ hễ mỗi lần đi qua góc nhà thấy xấp giấy, thấy tre thấy nứa, lại nhớ nghề, nhớ cái mùi chua chua nồng nồng đã trở thành đặc trưng của quạt giấy, nhớ những người bạn hàng lâu năm, nhớ những người cần quạt”.
Thế là sau khi đi dạy trên trường mầm non, cuối tuần cô cũng ngồi trước nhà tiếp tục công việc của mình. Những chiếc quạt giấy vẫn đều đặn tới các bệnh viện, về các miền quê xa xôi như ở Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Cuộc sống hiện đại, các loại quạt điện, điều hòa đang ngày càng chiếm vai trò lớn trong thị trường làm mát, giải quyết vấn đề của mùa nóng. Thế nhưng, mỗi lần khi nhìn thấy những chiếc quạt giấy đâu đó trên đường, bất giác, ta lại nhớ về những kỷ niệm của năm tháng ấu thơ, chiếc quạt chân chất quê mùa luôn nằm trên nóc tủ hay dưới gối, đem về những làn gió mát cùng những ký ức không thể nào phai.
Văn Tuấn