Quảng Nam:

Gặp người đan lọng truyền thống cuối cùng

(Dân trí) - Dù đã hơn 80 tuổi nhưng ông Nguyễn Quang Thiện (trú làng Mỹ Xuyên, thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam) vẫn gắn bó với nghề đan lọng truyền thống. Với ông, đó vừa là thú vui lúc về già, vừa là cách để duy trì, bảo tồn nét văn hóa truyền thống từ bao đời của dân tộc.

Nằm ở bờ Nam sông Thu Bồn, làng Mỹ Xuyên được lập vào cuối thế kỷ XV. Hiện làng còn lưu giữ được 32 đạo sắc phong vào các triều Nguyễn, là ngôi làng giữ số lượng sắc phong nhiều nhất ở Việt Nam và là làng có nghề làm lọng nổi tiếng.

Khung lọng khi chưa hoàn thành
Khung lọng khi chưa hoàn thành

Không còn những buổi kinh lý với “tàn che lọng rước”, và thi thoảng lắm mới thấy hình ảnh cây lọng trong các kỳ lễ hội nhưng ông Thiện vẫn gắn bó với nghề làm lọng từ lúc ông mới lên 10 cho đến bây giờ.

Ông là nhạc công nức tiếng của làng Mỹ Xuyên và là người làm lọng truyền thống cuối cùng của xứ Quảng. Ông kể: “Nhà tôi có nghề làm lọng từ lâu đời, tới tôi là đời thứ 5 rồi. Với tôi đây không chỉ là công việc, mà nó như người bạn gắn bó từ lâu, là nét văn hóa dân tộc tôi luôn muốn lưu giữ để cho con cháu sau này có cái mà nhìn lại, mà tự hào về gia đình, về truyền thống dân tộc”.

Nghề làm lọng ở nước ta bắt đầu từ thời Lê - Mạc, ông tổ nghề là Lê Quang Hành. Lọng được gọi là dù thần hay dù quan. Ngày xưa, việc đi lại hằng ngày hay công cán của vua quan đều sử dụng lọng. Tùy theo cấp bậc của quan mà chuyến đi công cán sẽ được bố trí bao nhiêu lọng và có màu sắc gì.

Cây lọng được đan tỉ mỉ, theo đúng chuẩn truyền thống
Cây lọng được đan tỉ mỉ, theo đúng chuẩn truyền thống

Vua thì đi 4 lọng vàng, hoàng tử đi 4 lọng đỏ hay tía, các quan từ tuần phủ, đề phủ trở lên được đi 4 lọng xanh… Theo ông Thiện, mỗi cây lọng còn có chất liệu và được trang điểm khác nhau tùy theo mỗi chức quan.

Ông ví dụ: “Như lọng của vua có gắn thêm 28 bông bèo, làm bằng chỉ bào lấy từ bẹ lá cây thơm hoặc bằng bông nhuộm ngũ sắc, sâu chỉ thả lòng thòng dài rồi cột thắt vào nan lọng, chóp lọng bằng bạc màu vàng, cán bằng gỗ sơn son. Lọng của hoàng tử có 20 bông bèo, chóp lọng bằng màu thau mạ vàng, cán gỗ sơn son. Lọng của các tuần phủ, đề đốc trở lên có 16 bông bèo, chóp lọng bằng thiếc mạ bạc, cán tre quét sơn màu cánh gián…”.

Những bí quyết để làm một cây lọng đúng chất cổ truyền được ông kể lại rành mạch. Đầu tiên là tìm một thân tre đực dài khoảng 2m, phơi khô đánh bóng làm thân lọng. Tiếp đến, lấy gỗ mít tiện thành hình khối có đường kính dài khoảng 10cm gọi là gen; trên đầu gen xẻ ra 46 hay 48 đường sâu để gắn những cây chống được làm từ nan tre, dài khoảng 30cm có 20 lỗ khoan.

Ông Thiện bên cây lọng quý của gia đình, được bày biện gian giữa, nơi uy nghiêm nhất trong nhà
Ông Thiện bên cây lọng quý của gia đình, được bày biện gian giữa, nơi uy nghiêm nhất trong nhà

Những cây chống này xếp xen kẽ vào gen. Gen này đục rỗng ruột rồi di chuyển một khoảng nhất định trên thân lọng, làm cho lọng giương lên hay xếp lại dễ dàng.

Tiếp đến là cây sườn, cũng giống như cây chống nhưng dài hơn hay được uốn cong một đầu, có 8 lỗ mạng và 1 lỗ cuối để kết nối với cây chống. Ráp cây sườn vào cây chống, ráp cây chống vào gen, ráp gen vào thân lọng, sẽ tạo thành một kết cấu giống hình chiếc dù, bán kính là 1,05m, đủ rộng để phủ lên áo lọng, loại giấy dai bền hay vải the, phết cật hay sơn chống thấm, trang trí bằng các họa tiết rồng, phụng.

Nhấp một ngụm trà, phả làn khói thuốc trắng vào cõi hư vô, ông trầm ngâm: “Bây giờ thời buổi kinh tế thị trường người ta làm lọng không còn như xưa nữa, không đúng một chút gì với văn hóa truyền thống. Tôi phải học từng chút một từ cha ông để lại, phải làm đúng bao nhiêu lỗ, trang trí thế nào, vua quan ra sao, màu chỉ đan sao cho khéo… Giờ theo kinh tế thị trường, truyền thống đan lọng dần mất đi, người ta đan sai, sai hết rồi không còn đúng với truyền thống nữa”.

Kỹ năng của người thợ là ở khâu thêu những hoa văn bao quanh cây chống và cây sườn. Đầu tiên là giăng kiên. Tiếp theo là đan chéo hạt cườm, rồi đan lát chả. Đan mạng nhện ở những giao điểm của cây chống và cây sườn và đan sao cho khít, tránh để lộ những giao điểm, đồng thời làm cho cây lọng khi giăng lên căng cứng và thẳng góc với thân lọng. Phải chọn 7 màu len, phối màu sao cho hài hòa, bắt mắt.

Người Việt xưa truyền lại, nếu ai nằm mơ thấy lọng là điềm lành trong thi cử, phát tài phát lộc và lọng cũng theo chân các tân khoa trong ngày vinh quy về làng.

Giờ lọng chỉ còn xuất hiện trong các nghi lễ đền, chùa hay lễ hội lớn của địa phương… Riêng cứ đến 12-2 âm lịch, ở Duy Xuyên chiếc lọng vàng uy nghiêm sẽ xuất hiện trong lễ hội Bà Thu Bồn. Giờ đây, ở Duy Xuyên chỉ còn mỗi ông Thiện làm lọng. Con cháu ông bây giờ mỗi người một việc, dù không ai theo nghề lọng truyền thống nhưng các cháu nội của ông vẫn yêu mến văn hóa truyền thống của dân tộc, ủng hộ công việc ý nghĩa này của ông.

Ông nói: “Nếu ai có nhã ý muốn học theo nghề truyền thống của gia đình tôi sẵn sàng chia sẻ, bày cho họ cách làm. Giấu làm gì, vì họ tôn trọng văn hóa truyền thống nên mới đến học, tôi rất vui là đằng khác”.

N.Linh-C.Bính