Tatma trông xinh xắn và đáng yêu trong bộ đồng phục.
Tatma chỉ có một cơ thể duy nhất khi chào đời nhưng có tới 8 chi và hai nửa thân dưới “mọc” nối nhau dưới hông. Hình dạng cơ thể kỳ dị của Tatma là do thai sinh đôi không hoàn chỉnh dính liền dưới xương chậu.
Hoàn cảnh đáng thương của Tatma đã khiến cả thế giới xúc động. Còn người dân làng Bihar, Ấn Độ, quê hương của Tatma thì coi em là hiện thân của nữ thần Vishnu, nữ thần nhiều tay theo đạo Hindu.
Hồi cuối năm 2007, các bác sĩ đã thực hiện ca phẫu thuật cho Tatma nhằm cắt bỏ những chiếc chi thừa. Hơn 2 năm sau ca phẫu thuật quan trọng, Tatma nay đã lớn hơn và bắt đầu đi học.
Tatma giờ đây là một cô bé hoạt bát. Bé thích chơi cricket với anh trai và những người bạn mới quen nhưng vẫn là một cô bé “bện” cha.
Cô bé chơi đùa cùng mẹ và em gái.
“Tôi đã nghĩ là cô bé sẽ không bao giờ có thể tới trường và có cuộc sống như ngày hôm nay”, bà mẹ Poonam, 26 tuổi, nói. “Tất cả những gì cô bé có thể làm hôm nay đều không thể cách đây 2 năm”.
“Tôi cố tưởng tượng xem cô bé bây giờ sẽ như thế nào nếu không thực hiện phẫu thuật. Tatma từng không thể ngồi nhưng giờ đây bé có thể chạy khắp đó đây giống những đứa trẻ khác”.
Tatma và người cha Shambu. Dáng đi của cô bé vẫn hình "vòng kiềng".
Tatma hiện đã bình phục hoàn toàn sau cuộc phẫu thuật kéo dài gần 30 giờ. Cô bé thậm chí không còn nhận ra chính mình trước đây.
Tuy nhiên, một loạt các vấn đề sức khoẻ tiềm ẩn có thể đe doạ tương lai của em. Bé sẽ cần phải trải qua các cuộc phẫu thuật khác nữa trong tương lai.
6 tháng sau ca phẫu thuật phức tạp, các bác sĩ đã phát hiện ra cô bé bị bệnh vẹo xương sống. Nếu không phẫu thuật xương sống, các bác sĩ cảnh báo lưng của em sẽ càng bị vẹo khi cô bé lớn dần lên, có thể khiến em bị tàn tật.
Tatma cũng phải trải qua một cuộc phẫu thuật xương sống khác vì cô bé chào đời với một mô bất thường nối tuỷ sống với hệ thần kinh.
Một cuộc phẫu thuật chỉnh hình phải được thực hiện để kéo gần hai bên mông lại, vốn bị cách nhau quá xa khiến cô bé có dáng đi vòng kiềng khác người.
Latma hồi chưa phẫu thuật.
Cuối cùng, các bác sĩ phẫu thuật cần tìm cách tạo mông cho Tatma, vốn không hình thành trong tử cung do em bị dính liền với thai song sinh ở phần xương chậu. Cũng trong cuộc phẫu thuật này, các bác sĩ phẫu thuật sẽ "sửa chữa" các vấn đề liên quan với liên quan tới bàng quang và ruột của em.
Bà mẹ Poonam cho hay tổ chức từ thiện Sucheta Kriplani Shiksha Niketan (SKSN) chuyên chăm sóc những em nhỏ tàn tật tại bang Rajasthan đang hỗ trợ 500 đứa trẻ khác ngoài Tatma. Vì thế tổ chức này không có đủ tiền để tài trợ cho các cuộc phẫu thuật tiếp theo của Tatma. Bản thân gia đình em cũng không có điều kiện.
Ảnh chụp X-quang cơ thể của Tatma trước kia.
“Bệnh viện phẫu thuật cho cô bé trước đó đã hứa giúp đỡ nhưng họ không thể chỉnh lại xương sống cho bé vì đó là một cuộc phẫu thuật chuyên ngành”, bà mẹ Poonam nói.
Ninh Nhi
Theo Dailymail