Gặp gỡ những “Gương sáng giữa đời thường”

(Dân trí) - Trong đêm tổng kết 3 năm chương trình “Tỏa sáng giữa đời thường”, khán giả đã có dịp giao lưu và gặp gỡ 5 gương sáng điển hình trong 150 nhân vật của 3 năm qua. Phần chia sẻ của họ đã để lại nhiều sự xúc động và khâm phục từ khán giả.

Đêm nhạc gặp gỡ những nhân vật “Gương sáng giữa đời thường”

Gặp gỡ những “Gương sáng giữa đời thường” - 1
MC Quỳnh Giang và Thanh Bạch đảm nhận phần dẫn dắt chương trình
MC Quỳnh Giang và Thanh Bạch đảm nhận phần dẫn dắt chương trình

Trong chương trình, phần giao lưu với 5 gương mặt điển hình đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho khán giả.

Gặp gỡ những “Gương sáng giữa đời thường” - 3

Gương sáng điển hình đầu tiên là ông Phạm Văn Tân cư ngụ tại Quận 11, năm nay đã 74 tuổi nhưng trong hơn 36 năm qua, bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, cứ mỗi khi có thời gian rảnh là ông tự động ra con kênh này vớt rác. Do bức xúc trước tình trạng rác thải phủ khắp mặt kênh, khiến cho dòng nước không thể lưu thông, mùi hôi thối bốc lên gây khó chịu, ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe người dân.

Ngoài công việc vớt rác ở dòng kênh, ông Bảy Tân còn thường xuyên đi quét dọn rác tại các con hẻm trong khu phố 2 phường 3. Mặc dù cuộc sống rất khó khăn, nhưng ông còn thường xuyên đi vận động bà con, chăm lo cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Trong buổi giao lưu, ông chia sẻ về việc làm của mình là rất bình thường, ông chỉ mong muốn các cơ quan sẽ có những hình thức xử phạt để hạn chế người dân vô ý thức vứt rác bừa bãi ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan đô thị.

Gặp gỡ những “Gương sáng giữa đời thường” - 4

Chương trình còn giao lưu với Chi cục trưởng Đỗ Ngọc Thanh Phương – người được mệnh danh là “Nữ tướng” diệt xăng gian. Trước thực gian lận của các cây xăng nhằm “móc túi” người tiêu dùng, bà đã áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ đặc thù để đấu tranh chống hiện tượng này, phát hiện nhiều cây xăng gian lận, từ đó trả lại lợi ích hợp pháp cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

Chi cục trưởng Đỗ Ngọc Thanh Phương – người vừa nhận được Bằng khen của Thủ tướng chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu.

Trong buổi gặp gỡ bà cũng chia sẻ những khó khăn, nguy hiểm mà mình đã trải qua trong quá trình đấu tranh mà không phải người nào cũng có thể thực hiện được.

Gặp gỡ những “Gương sáng giữa đời thường” - 5

Để lại nhiều xúc động cho khán giả là phần gặp gỡ với bà Mai Thị Tuyết – người phụ nữ 10 năm thầm lặng dùng tiền bán hột vịt lộn quy tập 10.000 hài cốt liệt sĩ.

Tuổi cao, sức yếu, trong người lại mang thêm nhiều bệnh tật. Nhưng nỗi đau đớn thể xác đó không là gì so với nỗi đau về tinh thần mà bà đang mang nặng trong lòng. Hơn 10 năm cống hiến sức mình cho việc tìm kiếm, hơn 10.000 lá thư được gửi đi, cũng là hơn 10.000 tia hy vọng mà bà nuôi giữ. Để rồi khi, những gia đình lặn lội từ ngoài Bắc vào tìm con em của mình, bà lại tiếp tục nhiệt tình hướng dẫn hoàn tất các thủ tục giấy tờ, chỉ dẫn đường đi. Và cứ như thế, bà cười cùng họ, khóc cùng họ và chia sẻ được với họ phần nào về sự mất mát của gia đình họ.

Gặp gỡ những “Gương sáng giữa đời thường” - 6

Bất ngờ, sự hội ngộ của bà Mai và GS.TS Nguyễn Qúy Khoát – PGĐ Học viện An Ninh (Bộ Công an) đã hơn 40 năm tìm mộ anh trai mà không tìm được, nhờ bà Tuyết hỗ trợ đã tìm được. Buổi gặp gỡ nhiều xúc động đã nói lên được ý nghĩa thiết thực nhất việc mà bà Mai đã âm thầm làm trong suốt thời gian qua.

Gặp gỡ những “Gương sáng giữa đời thường” - 7

Thượng úy Nguyễn Thế Tiến cảnh sát hình sự đặc nhiệm, là một gương sáng điển hình trong công tác phát hiện, đấu tranh phòng chống các băng nhóm tội phạm hình sự hoạt động phạm tội nghiêm trọng.

Gặp gỡ những “Gương sáng giữa đời thường” - 8

Đặng Thị Ba, người nữ Trưởng ban Bảo vệ dân phố (BVDP) duy nhất của TP.HCM. Những năm qua, bà và các thành viên trong ban đảm bảo và giữ gìn tốt tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Chuyển hóa thành công nhiều tụ điểm phức tạp về mua bán ma túy, đá gà, đánh bài. Bà còn mở một lớp học tình thương để xóa mù chữ cho các em thanh thiến niên và chị em phụ nữ ở khu phố không biết chữ, không có điều kiện đến trường.

Hơn 5 năm qua, vào các buổi tối thứ 2, 4, 6 bà bắt đầu đứng lớp, ân cần chỉ dạy từng con chữ, từng phép tính cho những người học trò đặc biệt của mình. Bà còn đứng ra vận động kinh phí của phường để mua sách vở, tập viết cho các thành viên trong lớp học. Đồng thời, bà còn tạo điều kiện cho một số em học nghề và giúp đỡ một số em có công việc làm để phụ giúp gia đình.

Ảnh & Clip: Băng Châu