Gần 10.000 thầy trò vùng cao đón nhận 20 nhà vệ sinh mới đạt chuẩn
(Dân trí) - Vừa qua, dự án Vệ sinh học đường mùa 3 đã bàn giao 20 cụm nhà vệ sinh đạt chuẩn cho 10.000 thầy trò tại Mù Cang Chải, Yên Bái và Tam Đường, Lai Châu.
Lễ khánh thành kết hợp ngày hội vệ sinh học đường được tổ chức song song tại 2 trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái, Trường Tiểu học và THCS Hồ Thầu, huyện Tam Đường, Lai Châu với sự tham gia của hàng nghìn học sinh, giáo viên.
Các công trình khánh thành, bàn giao đợt này gồm 20 cụm nhà vệ sinh từ 4 đến 12 khoang sử dụng. Khởi công xây dựng vào tháng 5, dự án Vệ sinh học đường do quỹ Hy vọng triển khai với nguồn tài trợ từ nhãn hàng Enterogermina thuộc Opella Việt Nam - ngành hàng chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng của Sanofi tại Việt Nam.
Cụm có quy mô thiết kế dựa trên số học sinh của từng trường, có cửa che chắn, chia phân khu nam - nữ với lối đi riêng, trang bị đầy đủ bệ xí, bồn rửa tay, hệ thống nước cấp - xả, hệ thống tự hủy, biển bảng hướng dẫn sử dụng nhà vệ sinh và rửa tay đúng cách.
Tại lễ khánh thành, ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải cho biết, các công trình do dự án Vệ sinh học đường xây dựng là nguồn hỗ trợ thiết thực để giúp học sinh học tập và sinh sống tốt hơn, góp phần vào công tác giáo dục và đào tạo của Mù Cang Chải.
Bà Mai Thị Thanh Hương, Giám đốc Đối ngoại Sanofi tại Việt Nam chia sẻ: "Chứng kiến các em học sinh quay lại trường trong năm học mới và được sử dụng nhà vệ sinh mới, lại được học các thói quen giữ gìn vệ sinh tốt, chúng tôi rất phấn khởi khi góp phần chung tay giúp các em dần xóa bỏ nỗi ám ảnh mang tên nhà vệ sinh".
Nói về lý do chọn hai huyện này, đại diện quỹ Hy vọng cho biết, đây là hai địa phương quỹ từng thực hiện dự án xây trường học. Trong quá trình đó, đại diện quỹ nhận thấy, ngoài nhu cầu về phòng học, nhà vệ sinh là nhu cầu thiết yếu và là vấn đề nhức nhối.
"Ở đây, nhiều công trình vệ sinh xuống cấp nặng, tình trạng quá tải xảy ra phổ biến. Có trường hơn 1.000 học sinh nhưng chỉ có 4 phòng vệ sinh quây tôn, thiếu sáng, thiếu nước, thiếu hệ thống xả thải. Điều này ảnh hưởng lớn đến môi trường học tập của học sinh", đại diện quỹ Hy vọng chia sẻ.
Là một trong 20 trường đón nhận công trình vệ sinh mới, bà Lê Thị Thùy Nhung - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Sơn Bình, huyện Tam Đường cho biết, trường hiện có 1.026 học sinh, trong đó có 254 học sinh nội trú ăn ngủ tại trường, nên nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh, nhà tắm rất lớn.
Trước đây, trường chỉ có một khu nhà vệ sinh nên các con cũng như thầy cô gặp nhiều khó khăn, nhất là những khi quá tải, thường xuyên phải xử lý thông tắc. "Từ khi có nhà vệ sinh mới với 12 khoang cho nam nữ riêng, các con rất phấn khởi vì nhà vệ sinh mới sạch sẽ, lại không phải xếp hàng chờ đợi nhau như trước", bà nói thêm.
Triệu Thùy Linh (học sinh lớp 9, trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Cao Phạ, huyện Mù Căng Chải) chia sẻ, nhà vệ sinh cũ có nhiều bộ phận bị hỏng, đặc biệt là đèn nên khi sử dụng buổi tối, các em gặp rất nhiều khó khăn; nguồn nước không đều; cửa cũng lung lay nên không thoải mái.
"Khi có nhà vệ sinh mới, em cảm thấy an toàn hơn vì mọi người sẽ biết có người bên trong, không gian sử dụng rộng rãi hơn. Đồng thời, em cũng không phải xếp hàng quá lâu để chờ tới lượt, nhất là buổi tối", nữ sinh nói thêm.
Bên cạnh xây dựng các công trình vệ sinh theo đúng chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dự án còn chú trọng các hoạt động nâng cao ý thức giữ gìn, bảo quản vệ sinh chung; hướng dẫn thực hành vệ sinh học đường thông qua các bộ tài liệu dành cho học sinh, giáo viên.
Dự án xây 20 cụm công trình sinh học đường tại huyện Mù Cang Chải, Yên Bái và huyện Tam Đường, Lai Châu do Quỹ Hy vọng phối hợp thực hiện cùng Opella Việt Nam - ngành hàng chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng của Sanofi tại Việt Nam. Đây là năm thứ 3 hai bên cùng thực hiện dự án Vệ sinh học đường với mục tiêu xóa bỏ nhà vệ sinh xuống cấp. Trước đó, 40 cụm công trình vệ sinh đã được xây dựng tại huyện Vân Hồ, Sơn La và huyện Đồng Văn, Hà Giang.