Founder GREENYARN Bảo Lân: "10 năm ở New Zealand đã cho tôi lời giải để theo đuổi thời trang bền vững"
(Dân trí) - Sinh sống và học tập tại New Zealand hơn 10 năm đã giúp anh Quách Kiến Lân (Dave Quách) từ một du học sinh trở về Việt Nam và lập nên công ty vải sợi bền vững Bảo Lân - với định hướng xây dựng ngành thời trang không đánh đổi lợi ích của môi trường.
Thấm nhuần lối sống bền vững trong mười năm nơi xứ Kiwi
Tình yêu thời trang có sẵn cùng với khát vọng về nền công nghiệp may mặc "xanh" dường như chưa bao giờ vơi đi ở Quách Kiến Lân - Nhà sáng lập của công ty vải sợi Bảo Lân với 2 thương hiệu GREENYARN và W.ELLFABRIC. Là con nhà nòi trong gia đình có truyền thống kinh doanh ngành may mặc gần 50 năm, anh đã luôn trăn trở làm sao cân bằng cơ hội phát triển dài hạn cho công ty và giá trị cho xã hội.
Trên thực tế, ngành dệt may thường được "xướng tên" mỗi khi nhắc đến môi trường vì mức độ ảnh hưởng đứng thứ nhì trong số tất cả ngành công nghiệp. Tuy nhiên, thời trang cũng là ngành có nhiều giải pháp phát triển bền vững và đã được ứng dụng vào thực tế sản xuất.
Quay trở về hơn 10 năm trước, cơ hội học tập tại Đại học Massey (New Zealand) đã cho anh cái nhìn thấu đáo hơn về khái niệm phát triển bền vững mà đất nước này luôn theo đuổi. Dave Quách chia sẻ: "Khoảng thời gian tại New Zealand, tôi được trải nghiệm về triết lý bền vững trong những điều thường nhật. Từ việc cây cối phủ xanh, cách họ gìn giữ những giá trị văn hóa Maori, không khai thác khoáng sản quá độ cũng như đánh bắt cá trong kích cỡ và số lượng cho phép, sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật từ cây cỏ thay cho các sản phẩm hóa học,... tất cả đều cho thấy con người và thiên nhiên sống rất dung hòa với nhau."
Rời bỏ những cơ hội làm việc hấp dẫn ở New Zealand, Dave Quách quyết tâm về nước phát triển truyền thống kinh doanh của gia đình và gầy dựng thương hiệu thời trang bền vững của riêng mình.
Khát vọng "xanh hóa" ngành công nghiệp may mặc
Nhận thấy được tiềm năng "xanh hóa" trong ngành công nghiệp may mặc, cùng với những kiến thức và trải nghiệm được trau dồi trong nhiều năm du học, anh đã có những bước đầu tiên để mang đến "làn gió mới" cho truyền thống gia đình: Tạo ra sợi và vải "xanh" từ nguồn nguyên liệu bền vững.
Theo đó, anh bắt đầu nghiên cứu và cho ra đời những chất liệu mới cho ngành may mặc, vận dụng vào thực tiễn ngành may mặc của thị trường Việt. Hai thương hiệu của Bảo Lân là GREENYARN và W.ELLFABRIC được ra đời, lần lượt nghiên cứu, sản xuất sợi và vải xu hướng xanh có nguồn gốc từ thiên nhiên nhằm góp phần giảm tối đa phát thải, bảo vệ môi trường. Đây là giải pháp giải quyết vấn đề từ gốc rễ, vì sau khi sản phẩm không còn được sử dụng có thể phân hủy hoàn toàn và không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và con người.
"Không chạy theo xu hướng thời trang cao cấp, tôi tìm về những giá trị bền vững từ nguồn tài nguyên dồi dào và độc đáo "Made in Việt Nam". Đó là các nguyên liệu sợi và vải "xanh" có nguồn gốc tự nhiên như cà phê, tre,... với đa tính năng giúp cho thị trường Việt Nam có đa dạng lựa chọn an toàn và hữu ích, từ đó nâng cao nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam về thời trang bền vững" - Dave Quách chia sẻ.
Không dừng lại ở nguồn nguyên liệu, các sản phẩm của công ty Bảo Lân còn chú trọng về độ bền, có các tính năng bảo vệ như khả năng chống tia UV, kháng côn trùng,... để đảm bảo tuổi thọ cho áo quần may mặc và an toàn cho người tiêu dùng. Đặc biệt hơn, tư duy phát triển bền vững của anh còn rộng mở đến hệ sinh thái "con người, môi trường và xã hội" được truyền cảm hứng từ xứ Kiwi, anh thường phối hợp cùng các đối tác giáo dục, truyền thông và tổ chức phi chính phủ để tổ chức các hoạt động vì môi trường.
Nhìn lại hành trình học tập ở xứ sở Kiwi đã mang đến anh lối suy nghĩ và giá trị kinh doanh bền vững, anh chia sẻ trên trang cá nhân: "10 năm ở New Zealand giúp tôi nhận ra bền vững là cốt lõi, không phải giá trị cộng thêm. Trong tương lai, tôi hy vọng những ý tưởng của mình sẽ đem đến cảm hứng kinh doanh và tiêu dùng xanh cho ngành thời trang tại Việt Nam."