Founder Gitiho: Đại dịch là phép thử quý báu để chúng tôi chạy nước rút

(Dân trí) - COVID-19 là đại dịch ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống, đặc biệt là các vấn đề kinh tế - xã hội. Nằm giữa tâm bão, startup là các đơn vị dễ lao đao nhất, Gitiho là một trong số đó.

Gitiho.com là trường đào tạo Tin học ứng dụng trực tuyến, chuyên nghiên cứu và xây dựng các chương trình đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu xung quanh lĩnh vực Tin học văn phòng.

Sau 3 năm thử nghiệm, nghiên cứu sản phẩm và thị trường, startup này chính thức ra mắt vào cuối tháng 1/2020.

Nhưng thật không may, sản phẩm vừa ăn mừng "đầy tháng" thì họ lại chịu một cơn dư chấn quá lớn. Dù vậy, đội ngũ cán bộ nhân viên tại đây vẫn tràn đầy lạc quan và tin tưởng sẽ nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Không những thế, đây còn được coi là "phép thử" quý báu giúp họ biết nấc thang nội lực của mình đang ở mức nào.

"Khi đứng trước bài toán "Giữ nhân sự thì cạn tiền mặt - Giữ tiền mặt thì mất nhân sự", tôi lựa chọn yếu tố con người, vì đó là nguồn đầu tư giá trị nhất của chúng tôi"

Những ngày đầu tháng 4, anh Nguyễn Xuân Bách - Founder & CEO của Gitiho.com bộn bề nhiều lo lắng. Ngoài những vấn đề startup nào cũng gặp như phát triển sản phẩm, hoàn thiện chiến lược marketing, giờ đây anh còn phải chịu thêm áp lực nặng nề từ tâm dịch, điển hình như chuyện cân đối ngân sách, thanh toán các khoản phí tăng thêm ngoài kế hoạch, câu chuyện nhân sự... Tính đến nay, doanh nghiệp của anh đã ra mắt được 3 tháng, trong đó chỉ có 1 tháng đầu tiên hoạt động tương đối ổn định, còn 2 tháng gần đây, mọi chuyện bị đảo lộn theo xu thế chung.

Founder Gitiho: Đại dịch là phép thử quý báu để chúng tôi chạy nước rút - 1

Anh Nguyễn Xuân Bách - CEO Gitiho

Trước khi ra mắt vào đầu năm 2020, anh Bách cho biết mình và team đã có hơn 3 năm nghiên cứu, xây dựng và phát triển các chương trình dạy Tin học trực tuyến. Việc dịch bệnh bùng phát là điều nằm ngoài dự đoán nhưng anh vẫn rất tin tưởng vào sản phẩm, kế hoạch đã đề ra, tin tưởng vào đội ngũ, vào thị trường mà mình đã lựa chọn nên hiện giờ cả công ty vẫn giữ thái độ lạc quan, yên tâm làm việc. "Tôi tin công ty sẽ sớm ổn định trở lại vì đây là cơ hội để sản phẩm Edtech như Gitiho phát triển", anh Bách chia sẻ thêm.

Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, Gitiho đứng trước bài toán nan giải: Giữ nhân sự thì cạn tiền mặt - Giữ tiền mặt thì mất nhân sự.

Với anh Bách, nếu sản phẩm của doanh nghiệp tốt thì trả lương cho nhân sự là một khoản đầu tư, và khoản đầu tư này sẽ được thu hồi bằng các khoản doanh thu từ khách hàng do nhân sự mang về sau khi dịch COVID- 19 được kiểm soát. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thì chi phí đầu tư sẽ lớn hơn dự kiến, do đó CEO hoặc CFO phải có các phương án dự phòng cho dòng tiền luôn dương bằng các phương án như vay, cầm cố tài sản, thu tiền trả trước từ khách hàng... Và ngược lại, nếu sản phẩm chưa đủ tốt để có thể tạo ra dòng tiền sau mùa dịch thì các CEO cần cân nhắc việc giữ hoặc cắt giảm nhân sự để bảo toàn cho doanh nghiệp có đủ tiền tồn tại cho tới khi có được dòng tiền dương.

"Tại Gitiho, tôi lựa chọn yếu tố con người, vì đó là nguồn đầu tư giá trị nhất của chúng tôi. Thậm chí chúng tôi đang đăng tuyển nhiều vị trí vì chúng tôi nhìn thấy nhiều cơ hội ở phía trước", anh Bách cho biết.

Founder Gitiho: Đại dịch là phép thử quý báu để chúng tôi chạy nước rút - 2

Văn phòng công ty những ngày này luôn vắng vẻ vì các nhân viên làm việc online tại nhà

Doanh thu sụt giảm 20% nhưng vẫn giành hàng trăm suất học miễn phí cho người ủng hộ Chính phủ dập dịch: "Ở đầu chiến tuyến có hàng nghìn con người mạo hiểm cả tính mạng để giữ bình yên cho chúng ta"

Tháng đầu tiên ra mắt, Gitiho may mắn gặt hái được một số thành công, xây dựng nên cộng đồng người học đạt ngưỡng xấp xỉ 20.000. Vậy nhưng từ giữa tháng 3, doanh thu công ty bắt đầu bị ảnh hưởng, giảm đến 20% so với tháng đầu tiên. Để ổn định tình hình, tận dụng cơ hội xu hướng chuyển dịch sang học online trong thời gian tới, anh Bách và các đồng sự đã lên các phương án dự phòng về tài chính đảm bảo thu nhập ổn định cho nhân sự, đưa ra các chương trình ưu đãi phát triển thị trường. Bên cạnh đó họ tranh thủ hoàn thiện sản phẩm hiện hành, xây dựng sản phẩm mới, hoàn thiện quy trình cùng các kế hoạch phát triển cho tương lai.

Dù doanh thu bị đe doạ, Gitiho vẫn mạo hiểm tung ra chương trình kêu gọi cộng đồng chung tay ủng hộ Chính phủ đẩy lùi dịch bệnh. Theo đó, khi mọi người ủng hộ tối thiểu 200.000 đồng bằng cách chuyển khoản vào tài khoản của UBTWMTTQ Việt Nam sẽ được tặng 01 khoá học tuỳ chọn trên hệ thống Gitiho trị giá 799.000 đồng. Chương trình mang ý nghĩa xã hội nhưng cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của công ty.

"Việc này giúp người quyên góp được trang bị thêm kỹ năng tin học để tìm việc mới sau mùa dịch và cũng giúp chương trình kêu gọi hiệu quả hơn. Tuy nhiên nó đã ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu của công ty, thậm chí đã có nhiều khách hàng yêu cầu hoàn học phí để tham gia chương trình ủng hộ với mức chi phí thấp hơn nhưng tôi và đội ngũ vẫn lựa chọn và duy trì phương án này vì đây là hoạt động ý nghĩa. Ở đầu chiến tuyến đang có hàng nghìn con người mạo hiểm cả tính mạng để giữ bình yên cho đất nước thì việc giảm doanh thu nhưng giúp Chính phủ có thêm tài chính để chống dịch cũng rất xứng đáng", anh Bách nói về chương trình kêu gọi quyên góp.

Nhìn về chặng đường phía trước, những trở ngại vẫn còn rất nhiều nhưng với anh Bách, đây là quãng thời gian quý báu giúp họ lấy đà để chuẩn bị cho cuộc đua nước rút.

"Làm startup sẽ gặp muôn vàn khó khăn dù có dịch bệnh hay không, và chúng tôi cũng vậy. Nhưng tôi luôn có niềm tin với sản phẩm của Gitiho và cho rằng đây là cơ hội để Gitiho "lên đà" trước khi bước vào cuộc đua nước rút khi dịch đi qua. Tôi mong rằng công ty chúng tôi và các startup sẽ vững vàng vượt qua cơn sóng gió này. Thậm chí đây còn là cơ hội hình thành thị trường mới, nền kinh tế mới và các phương pháp làm việc kiểu mới", anh Bách nhìn nhận về những dự định trong tương lai.

Trường Thịnh