Em bé người cá xuất hiện tại Ấn Độ
(Dân trí) - Tất cả mọi người đều hết sức ngỡ ngàng khi thấy em được sinh ra với đôi chân dính liền thành một nhưng hai bàn chân lại tách ra như đuôi cá.
Đôi chân của em đã bị dính vào nhau khi còn trong bụng mẹ vì mắc phải hội chứng sirenomelia hay hội chứng người cá. Em đã chỉ có thể sống được 10 phút sau khi chào đời.
Bác sĩ Vandana Arya, người đã đỡ đẻ cho em kể, "Tôi chưa bao giờ thấy trường hợp nào như vậy cả. Chúng tôi đã thấy nhiều trường hợp trẻ bị dị tật bẩm sinh nhưng đây là trường hợp cực hiếm. Em bé có cơ thể giống cá và càng đặc biệt hơn là hai bàn tay của em trông như vây cá. Thân trên của em vẫn hoạt động bình thường nhưng thân dưới thì kém phát triển."
Bời vì hai chân dính liền thành một nên các bác sĩ cũng không thể đoán được giới tính của em. Hội chứng người cá là hội chứng cực kỳ nguy hiểm và đe doạ đến tính mạng của trẻ.
Mẹ của bé không phát hiện có hiện tượng gì bất thường trong 30 tuần đầu mang thai. Thế nhưng siêu âm trong thai kỳ cuối trước khi sinh lại cho thấy thận của thai nhi không được hình thành.
Đây là em bé người cá thứ tư được phát hiện trên thế giới và là em bé đầu tiên ở Ấn Độ.
"Nguyên nhân gây ra hội chứng có rất nhiều như uống thuốc quá liều, thiếu vitamin, di truyền hay mẹ bị tiểu đường. Phẫu thuật trong trường hợp này không khả thi vì thân dưới không phát triển hoàn toàn. Trong vài trường hợp hiếp hoi thì có thể ghép thận nhưng tỷ lệ sống vẫn rất thấp," bác sĩ Vandana cho biết.
Chuyên gia lịch sử y học Lindsey Fitzharris của Trường Đại học Oxford, Anh, cho biết hội chứng này xảy ra khi dây rốn không thể hình thành hai động mạch và không cung cấp đủ lượng máu cần thiết cho thai. Động mạch duy nhất được hình thành sẽ lấy máu và dưỡng chất vốn dùng để nuôi thân dưới rồi trả ngược lại vào nhau thai. Thiếu dưỡng chất, hai chân sẽ không thể hình thành vẹn toàn.
Đây là hội chứng cực hiếm, chỉ xảy ra 1 trên 100.000 bào thai. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh có thể cao hơn 100 lần ở các thai sinh đôi.
"Hội chứng người cá gây tử vong cao ở thai nhi. Vẫn chưa có ai có thể sống sót khi mắc bệnh này trong quá khứ. Hầu hết các em bé mất chỉ trong vòng vài ngày sau sinh vì suy thận và bàng quang. Kể cả hiện nay, nguy cơ tử vong vẫn rất cao nhưng nhờ y học hiện đại mà đã có vài em sống được qua giai đoạn đầu," Lindsey cho biết.
Năm 1988, Tiffany Yorks, một em bé cũng mắc hội chứng người cá được tách chân nhưng phải dùng nạng và xe lăn vì xương chân quá yếu. Tiffany đã qua đời vào tháng hai vừa qua ở tuổi 27.
Cô bé Milagros Cerron, có biệt danh Nàng Tiên Cá sinh năm 2004, cũng đã sống sót sau sinh nhưng lại mang nhiều dị tật nội tạng như thận trái bị dị tật và thận phải thì quá nhỏ và nằm ở vị trí quá thấp. Đường tiêu hoá, tiết niệu và cả cơ quan sinh dục đều chỉ dùng một ống duy nhất.
Năm 2005, các bác sĩ bắt đầu tách chân cho em đến đầu gối và tiếp tục tách các mô bị dính lại với nhau từ đấu gối đến háng trong năm kế tiếp. Đến năm 2012, em tiếp tục được ghép thận để chỉnh lại đường tiết niệu.
Ngô Vân