"Đột nhập" vườn chanh tứ quý trồng trên gốc bưởi, thu về 5 tỷ đồng/năm
(Dân trí) - Về xã Tân Dân (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), hễ hỏi đến anh Hà "chanh" hay Hà "tứ quý" thì trong làng ngoài xóm chẳng ai không biết. Anh nông dân 40 tuổi Nguyễn Hữu Hà đã được mệnh danh là tỷ phú nhà nông của mảnh đất này.
Năm 2014, anh Hà thử nghiệm trồng chanh trên 7 sào đất nông nghiệp của gia đình. Anh Hà cho biết, mỗi sào chanh tứ quý ghép trên gốc bưởi có thể cho thu từ 1,2- 1,5 tấn quả. Chi phí đầu tư cho chanh cũng thấp hơn các loại cây ăn quả khác rất nhiều.
Anh Hà chia sẻ, anh biết đến loại cây này cũng là cái duyên. "Trước đây, tôi làm ăn bên nước ngoài nhưng thu nhập không ổn định. Hồi đó tôi lăn lộn làm thuê trong các nông trại ở Nga. Nhiều khi cũng nghĩ, nhà mình có đất đai màu mỡ mà không tận dụng được phải sang đây làm thuê làm mướn. Cơ duyên thế nào mình lại quen một chú làm giảng viên Đại học Quốc Gia Hà Nội, đi làm nghiên cứu sinh ở Nga. Chú này đã giới thiệu cho mình về giống chanh Úc và đầu mối nhập giống chanh này. Vậy là mình quyết định về đầu tư làm thử."
Khi anh Hà trở về và đề xuất trồng chanh thì từ vợ đến bố mẹ, anh em… đều ra sức ngăn cản. "Trước đây từng có thời tôi lên Lục Ngạn, Bắc Giang ấp ủ giấc mộng làm ông chủ lớn. Tôi thuê 4ha đất để trồng vải thiều nhưng liên tục mất giá. Cuối cùng trắng tay, thất bại nên ít nhiều gia đình cũng mất niềm tin."
Giống chanh tứ quý nhập khẩu từ Úc có nhiều ưu điểm: vỏ mỏng, quả chín vàng, rất thơm, mọng nước, vị chua thanh mà không gắt. Khi chín, hạt chanh teo nhỏ lại và bảo quản được tới trên 20 ngày trong tủ lạnh. So với giống chanh thường thấy tại Việt Nam thì giống chanh tứ quý này đẹp hơn cả mã lẫn chất lượng.
Nhưng cũng vì là giống chanh ngoại, chưa quen với khí hậu, thổ nhưỡnng của vùng đất nhãn Hưng Yên, nên khi trồng trực tiếp thì cây chanh phát triển kém, nhiều sâu bệnh. Tình cờ trong một lần qua nhà bạn, anh Hà thấy họ ghép chanh đào trên cây bưởi. Nhận thấy phương pháp này sẽ khả thi với chanh tứ quý, nên anh Hà về áp dụng theo và kết quả khả quan thấy rõ.
Đến nay, trang trại của anh Nguyễn Hữu Hà tạo công ăn việc làm cho khoảng 40 công nhân với thu nhập từ 4 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm chanh tứ quý từ trang trại chanh của anh được xuất khẩu đi Lào, Trung Quốc và bán trong các nhà hàng, siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch ở khắp cả nước.
Từ năm 2016, anh Hà bắt đầu liên kết sản xuất với nông dân ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước bằng cách cung cấp cây giống, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc chanh hữu cơ và tìm hướng bao tiêu sản phẩm cho họ. Hiện nay, anh có 60 cơ sở “vệ tinh” sản xuất chanh tứ quý ở 12 tỉnh, thành phố với tổng diện tích lên tới 120ha.
Theo anh Hà, điều quan trọng của người làm nông nghiệp sạch là kết nối được sản phẩm làm ra với những khách hàng có nhu cầu. Do đó, anh mạnh dạn đứng ra thành lập Hợp tác xã Nông sản Phú Quý, liên kết những người trồng chanh tứ quý bằng phương pháp hữu cơ trong cả nước để tạo điều kiện thuận lợi trong việc sản xuất, tiêu thụ nông sản.
"Trồng chanh tứ quý là một hướng đi thoát nghèo vì vốn đầu tư không cao, nhân công thu hoạch cũng không cần nhiều. Với 2 người chăm chỉ là có thể thu hoạch 7 - 8 tạ trong một buổi sáng", anh Hà chia sẻ.
Không những phát triển chanh ăn quả, anh Hà còn táo bạo thử sức trồng chanh tứ quý bonsai, cung ứng cho thị trường mỗi dịp Tết Nguyên Đán. Chanh vàng tứ quý chanh bonsai có giá từ 2 - 60 triệu đồng/cây. Đối với những cây giá trị lên đến 60 triệu thì người uốn cây phải là nghệ nhân chuyên môn cao, vừa khéo léo vừa sáng tạo.
Kỹ thuật chăm sóc chanh của anh Hà sử dụng chế phẩm sinh học từ đậu tương để cung cấp dinh dưỡng cho cây ra quả quanh năm. Khi cây trồng ra vườn lớn được 25-30 ngày, người trồng sẽ rắc vào mỗi gốc cây 1 lạng bột đỗ tương, có tác dụng thay thế một số phân bón hóa học, giúp tăng sức đề kháng sâu bệnh cho cây.
Không chỉ dừng lại ở những thành công đang có, anh Hà còn chia sẻ nhiều dự định trong tương lai: "Tôi đang tiếp tục nghiên cứu để làm nước ép chanh, chanh sấy khô, và mở rộng thị trường đi Hàn Quốc."
Toàn Vũ