Đóng quán thịt mèo giết 300 con/tháng, chủ quán tiết lộ điều giấu kín 5 năm
(Dân trí) - Từ lâu, anh Doanh đã muốn từ bỏ kinh doanh thịt mèo và chuyển nghề khác. Mỗi lần nghĩ đến hàng nghìn con mèo bị giết thịt trong những năm qua, anh nói "vô cùng buồn khổ".
Đóng cửa quán thịt mèo giết 300 con mỗi tháng
Ngày 6/12/2023, anh Phạm Quốc Doanh (37 tuổi, phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên) mạnh tay xé bỏ tấm biển quảng cáo "đặc sản thịt mèo đủ món" bên ngoài quán ăn của mình. Anh quyết định đóng cửa quán ăn, chuyển đổi mô hình kinh doanh sang cửa hàng tạp hóa.
20 con mèo còn lại, gồm cả mèo trưởng thành và mèo con, được giải cứu và đưa đến trạm cứu hộ động vật tại Đại học Nông lâm Thái Nguyên.
Tại đây, chúng được tiêm phòng, chăm sóc y tế và phục hồi trước khi được nhận nuôi bởi các gia đình địa phương.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, anh Doanh cho biết bắt đầu kinh doanh cơ sở giết, mổ mèo vào cuối năm 2018 - đầu năm 2019, thời điểm bùng phát dịch Covid-19.
Đây thực chất là quán bia hơi, chuyên phục vụ các món ăn, đồ uống thông thường, trước khi anh đưa thịt mèo vào thực đơn.
"Trước đó tôi kinh doanh tạp hóa, rồi mở quán ăn, nhưng thu nhập không đủ trang trải chi phí sinh hoạt gia đình. Tôi đã thử bán thịt mèo để cải thiện cuộc sống", anh cho hay quyết định 5 năm trước là do "không còn sự lựa chọn nào khác để mưu sinh".
Mỗi tháng, chủ quán giết, mổ hơn 300 con mèo nặng từ 1,5-6kg để chế biến đủ món phục vụ thực khách ăn tại quán hoặc bán mang về. Anh cũng nhận chế biến thịt cho khách đặt hàng.
"Tôi mua mèo từ những nơi thu mua chó, mèo khắp nơi, kể cả ngoài tỉnh hay buôn bán trên mạng xã hội", anh nói. Trong số đó, có những cá thể không rõ nguồn gốc hoặc chưa được tiêm phòng đầy đủ.
Anh Doanh không nỡ "xuống tay" với những con mèo đang mang thai hoặc quá bé, những con vật quấn người, từng là thú cưng của các gia đình. Nhiều lần cảm thấy thương cảm, anh đem mèo con về nhà nuôi.
"Từ lâu, tôi thực sự mong muốn từ bỏ công việc này và chuyển nghề kinh doanh khác", anh nói.
Từ tháng 11/2023, anh bắt đầu dừng nhận khách đặt thịt mèo. Nhiều người thắc mắc, khuyên anh tiếp tục bởi công việc này "vừa nhàn vừa đem lại nhiều lợi ích kinh tế".
Dù quay lại bán tạp hóa với mức thu nhập không bằng trước, anh Doanh nói "tinh thần thoải mái hơn và giải tỏa áp lực".
Anh không muốn hai con (6 và 13 tuổi) bị ảnh hưởng tâm lý từ công việc của bố. Người đàn ông tin rằng "cho trẻ tình thương thì các con sẽ sống tình cảm".
Một lãnh đạo UBND phường Thịnh Đán xác nhận anh Doanh đã đóng cửa quán ăn, chuyển đổi sang mô hình bán tạp hóa cách đây hai tháng.
Hy vọng nhiều người quay lưng với kinh doanh thịt mèo
Việc đóng cửa cơ sở kinh doanh của anh Doanh và giải cứu đàn mèo là một phần trong chương trình "Mô hình thay đổi - Models for change" của tổ chức Humane Society International (HSI) tại Việt Nam.
Dự án được triển khai lần đầu tiên tại Thái Nguyên năm 2022 sau khi hoạt động thành công tại Hàn Quốc từ năm 2015. Đến nay, chương trình đã giúp đóng cửa hai lò mổ/ nhà hàng thịt chó và một lò mổ/ nhà hàng thịt mèo tại Thái Nguyên.
Theo HSI, ước tính có khoảng một triệu con mèo bị giết thịt mỗi năm tại Việt Nam, bao gồm cả mèo bị bắt trộm và mèo hoang. Những người buôn bán sử dụng thức ăn làm mồi để dụ mèo vào bẫy lò xo tự chế.
Các cuộc thăm dò cho thấy có tới 87% người dân bị mất thú cưng hoặc có người quen có thú cưng bị đánh cắp. Nạn trộm thú cưng đã trở thành một vấn đề xã hội ngày càng gia tăng.
Một cuộc thăm dò ý kiến hồi tháng 9/2023 của Nielsen do HSI thực hiện cho thấy khoảng 21% người dân tiêu thụ thịt mèo, còn lại đa số 71% người dân được hỏi ủng hộ lệnh cấm tiêu thụ và buôn bán thịt mèo.
Tiến sĩ Nguyễn Quang, quản lý chương trình động vật đồng hành của HSI tại Việt Nam bày tỏ vui mừng khi đóng cửa thành công cơ sở kinh doanh thịt mèo đầu tiên tại Việt Nam. Ông hy vọng sẽ có thêm nhiều người tiên phong quay lưng với nghề này.
Trước đó, đầu tháng 12/2023, chính quyền thành phố Hội An và tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu (Four Paws) đã vận động đóng cửa thành công một trong những quán thịt chó lâu đời nhất tại địa phương.
Ông Phạm Văn Quyết (chủ quán) cho biết cơ sở đã hoạt động gần 15 năm, tiêu thụ trung bình 350 con chó/năm. Sau khi tình nguyện đóng cửa nhà hàng, ông chuyển đổi sang mô hình kinh doanh khác.
"Tôi mong rằng những người buôn bán thịt chó, mèo khác trong khu vực sẽ sớm hành động như mình", ông Quyết nói.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, cho biết hai năm qua, với sự hợp tác của Four Paws, thành phố đã triển khai thành công một số hoạt động trên địa bàn nhằm hạn chế tình trạng buôn bán thịt chó, mèo.
"Việc đóng cửa nhà hàng này đánh dấu một bước tiến nữa trong việc loại bỏ dần việc buôn bán thịt chó, mèo ra khỏi thành phố Hội An. Chúng tôi khuyến khích các thành phố khác cũng làm điều tương tự", ông Hùng cho hay.