Phát triển vùng trồng nếp tan - loại gạo tạo ra đặc sản cốm ở Mù Cang Chải

Hiệp Nguyễn

(Dân trí) - Cùng với việc phát huy, khai thác các tiềm năng về du lịch, Cao Phạ còn chú trọng phát triển nông nghiệp, trong đó trồng lúa nếp tan theo hướng hàng hóa đang là hướng đi mới của đồng bào Thái nơi đây.

Những ngày mùa thu, từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, dọc quốc lộ 32 từ Nghĩa Lộ lên Văn Chấn, Mù Cang Chải (Yên Bái), cứ cách một đoạn lại xuất hiện các chòi bán cốm dựng ven đường, ven ruộng. Quầy hàng đơn giản chỉ có một chiếc bàn nhỏ với mẻ cốm xanh non, thơm dịu, đặt trong những chiếc thúng, chiếc mẹt đậy lá dong.

Món cốm lâu nay đã trở thành đặc sản mà du khách đến Mù Cang Chải nhất định phải thưởng thức và mua về làm quà. Theo bà con nơi đây, cốm được làm từ nếp tan - loại nếp quý của vùng đất này.

Phát triển vùng trồng nếp tan - loại gạo tạo ra đặc sản cốm ở Mù Cang Chải - 1

Những chòi cốm ven đường thu hút du khách. (Ảnh: Toàn Vũ)

Những năm gần đây, thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đã xây dựng kế hoạch, thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu của thị trường; chuyển đổi dần tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp với 3 yếu tố chủ đạo là: Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Sau khoảng ba năm thực hiện, các sản phẩm như: Mật ong hoa tự nhiên; Chè Shan tuyết Púng Luông; Gạo nếp tan Cao Phạ; Táo mèo khô Mù Cang Chải đã tìm được chỗ đứng trên thị trường, được phân phối rộng rãi, qua đó giúp kinh tế của huyện vùng cao đặc biệt khó khăn này phát triển.

Phát triển vùng trồng nếp tan - loại gạo tạo ra đặc sản cốm ở Mù Cang Chải - 2

Gạo nếp tan Cao Phạ, Mù Cang Chải đang được thị trường ưa chuộng. (Ảnh: Toàn Vũ)

Riêng về sản xuất lúa nước, huyện Mù Cang Chải đã tập trung phát triển vùng trồng giống nếp tan ở 2 xã Cao Phạ và Nậm Có theo hướng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao. 

Gạo nếp tan màu trắng sữa, hơi bóng, hạt gạo thon tròn, hạt chắc, đều, ít vỡ, gãy. Gạo nếp này khi nấu thành xôi có mùi thơm đậm, vị ngọt đậm, bùi. Xôi rất dẻo, mềm nhưng không dính khi nắm tay. Trong khi đó, món cốm làm từ loại gạo này hạt sẽ to tròn, dẻo thơm, ngọt và có màu xanh đẹp nhất.

Phát triển vùng trồng nếp tan - loại gạo tạo ra đặc sản cốm ở Mù Cang Chải - 3

Cốm làm từ nếp tan hạt sẽ to tròn, dẻo thơm, ngọt và có màu xanh đẹp nhất. (Ảnh: Toàn Vũ)

Xã Cao Phạ có 100% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với 5 bản người Mông và 2 bản người Thái. Cao Phạ là xã có địa hình rộng, đông dân cư, đời sống nhân dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích ruộng nước hiện có là 320 ha.

Trong những năm qua, cùng với việc phát huy, khai thác tiềm năng về du lịch, Cao Phạ còn chú trọng phát triển nông nghiệp, trong đó trồng lúa nếp tan theo hướng hàng hóa đang là hướng đi mới của đồng bào Thái nơi đây.

Phát triển vùng trồng nếp tan - loại gạo tạo ra đặc sản cốm ở Mù Cang Chải - 4

Cao Phạ còn chú trọng phát triển nông nghiệp, trong đó trồng lúa nếp tan theo hướng hàng hóa. (Ảnh: Toàn Vũ)

Mùa vụ năm 2021, toàn xã gieo cấy khoảng 100 ha lúa nếp tan, người dân trồng theo hướng tự phát, sản lượng đạt trên 500 tấn. Năm 2022, xã đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân trồng theo vùng, khu vực  được quy hoạch để thuận lợi trong quản lý với tổng diện tích trên 100 ha. Nhờ đó, năng suất tăng thấy rõ, chất lượng cũng được đảm bảo, tạo tiền đề cho việc xây dựng thương hiệu gạo.

Bên cạnh mở rộng diện tích gieo cấy, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào thâm canh, chăm bón, để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng, huyện Mù Cang Chải cũng chỉ đạo các địa phương quan tâm đến việc tiêu thị giúp bà con, tạo thương hiệu uy tín trên thị trường. Hiện nay, gạo nếp Tan Khau Phạ đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Phát triển vùng trồng nếp tan - loại gạo tạo ra đặc sản cốm ở Mù Cang Chải - 5

Gạo nếp Tan Khau Phạ đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. (Ảnh: Toàn Vũ)

Từ khi sản lượng nếp tan tăng rõ rệt, bà con nơi đây bắt đầu chuyển sang gieo cấy nếp tan làm hàng hóa, bán lúa non cho các thương lái mua về làm cốm. Lúa làm cốm được chọn từng bông, phải là lúa đang trong thời kỳ uốn câu, đầu hạt vẫn còn chút sữa, vỏ hơi lam vàng và hạt thóc chưa chín hết. Cốm làm ra từ loại lúa này hạt sẽ to tròn, dẻo thơm, ngọt và có màu xanh đẹp nhất.

Giá cốm Mù Cang Chải trung bình từ 100.000 - 120.000 đồng mỗi cân, trừ chi phí, người dân vẫn thu về lợi nhuận cao hơn bán thóc nếp thành phẩm. Mùa cốm, nhiều hộ dân thu tới 20 - 30 triệu đồng/tháng; hộ làm ít cũng thu về 5 - 7 triệu đồng/tháng. Cốm ăn luôn thường được bà con gói vào lá dong, nếu khách mang đi xa, người bán sẽ cho vào túi bóng hút chân không để bảo quản được lâu.

Phát triển vùng trồng nếp tan - loại gạo tạo ra đặc sản cốm ở Mù Cang Chải - 6

Cốm được cho vào túi bóng hút chân không để bảo quản được lâu. (Ảnh: Toàn Vũ)

Để tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về Chương trình OCOP gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới, giúp bà con dân tộc xóa đói giảm nghèo bền vững, huyện Mù Cang Chải tăng cường phối hợp quản lý, quảng bá, xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh.