Đời sống công nhân: “Khéo co" vẫn không đủ

Với mức lương còn khá khiêm tốn so với nhu cầu chi tiêu tối thiểu, nhiều người lao động, đặc biệt là công nhân ở các khu công nghiệp/ khu chế xuất đang phải từng ngày "thắt lưng buộc bụng", không còn mấy thời gian nghỉ ngơi và tái tạo sức lao động.

Quá khó khăn

Ông Nguyễn ĐìnhThắng- Phó chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp TP. Hà Nội: Nếu ai đó có dịp quan sát cảnh người lao động đi chợ, mới thấy thương, chia sẻ với cuộc sống quá đỗi khó khăn của họ. Trên tay họ là miếng đậu, mớ rau, quả cà… mỗi thứ chỉ có một chút thôi, khá lắm thì có thêm miếng thịt.

Thống kê chưa đầy đủ của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, hiện cả nước có khoảng hơn 20 triệu lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp/ khu chế xuất, đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, một nghịch lý đang diễn ra là trong khi kinh tế xã hội đang phát triển nhanh, sự đóng góp của công nhân là điều không thể phủ nhận song mức sống của đội ngũ này hiện còn quá khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Oanh (Nguyễn Úy, Kim Bảng, Hà Nam) cho biết: Hai vợ chồng tôi đang làm cho Công ty Sumi tại Khu công nghiệp Đồng Văn, thu nhập bình quân tháng khoảng 3 triệu/người, chưa tính tăng ca. Tháng nào gia đình tôi tằn tiện lắm mới đủ chi tiêu, nhưng nếu phát sinh đám cưới hỏi, đành đi vay bà con hàng xóm. “Mà ở quê chuyện cưới xin, giỗ chạp diễn ra quanh năm nên hầu như tháng nào gia đình tôi cũng lâm vào cảnh túng bẫn. Đó còn chưa kể những lúc con ốm, con đau phải đi viện hay những khi buộc phải sắm sửa cho con manh áo, đồ dùng năm học, khoản thu đầu năm học mới...", chị Oanh ngậm ngùi nói.

Không chỉ có chị Oanh mà hầu hết những công nhân khác đang làm việc tại Khu công nghiệp Đồng Văn - Hà Nam khi được hỏi đều buồn bã cho rằng, mức thu nhập 3- 3,5 triệu đồng/tháng chỉ đủ trang trải nhu cầu tối thiểu của cuộc sống. Họ không bao giờ dám mơ tưởng việc đi chơi hay nghỉ làm thêm.

 

Đời sống công nhân: “Khéo co" vẫn không đủ - 1

Căn nhà chật chội chỉ vài m2 là nơi vợ chồng anh N sinh sống.

Chị Dương Thu Hà (Tượng Lĩnh, Hà Nam) đang làm việc tại Công ty TNHH Mico Tech nói: Nhiều khi trong người không được khỏe song phải cố đi làm vì nghỉ ngày nào công ty trừ lương ngày đó. Với đồng lương ít ỏi, việc mất đi một vài trăm nghìn là điều rất khủng khiếp. Với những trường hợp như chị Hà hay chị Oanh kể trên có lẽ vẫn may mắn khi có mái nhà để che mưa nắng, nhiều mảnh đời công nhân xa nhà bươn chải lo kế sinh nhai tại các thành phố lớn phải đi thuê nhà, bơ vơ lạc lõng nơi đất khách, bám trụ từng m2 nhà trọ chật chội để sinh sống.

Anh Trần Văn N.công nhân Công ty Cổ phần H.N- Hà Nội quê Lương Tài- Bắc Ninh nhiều năm qua, cùng vợ thuê một căn phòng rộng chưa đầy 10 m2 tại khu Định Công làm nơi sinh hoạt.

Anh N. kể: Với thu nhập hai vợ chồng khoảng 8 triệu/tháng, sau khi chi trả sinh hoạt phí, tiền nhà, điện, nước, tiền gửi về để ông bà chăm con, số còn lại chỉ đủ hai vợ chồng chi tiêu tằn tiện. Theo lời anh kể cuộc sống đi thuê trọ tại thành phố gặp rất nhiều cực khổ. "Vào những ngày hè, phòng trọ nóng như một lò nung. Thường xuyên mất nước, tôi và vợ phải đi xin từng xô nước để sinh hoạt cá nhân", anh N. nói.

Còn vợ chồng chị Nguyễn Thị Lan (Kim Bôi, Hòa Bình) đang làm việc tại Công ty TNHH MTV Bao bì 277 Hà Nội nói: Do cả hai vợ chồng là dân tỉnh lẻ, phải làm ca tại nhà máy nên không có ai trông con, đành phải cho con gửi nhà trẻ tư, với học phí là 2,5 triệu đồng/tháng.

“Thu nhập của hai vợ chồng mỗi tháng chỉ khoảng 8 triệu, nhưng tiền học cho con, tiền thuê nhà đã mất khoảng 4 triệu. Đó còn chưa kể tiền sữa, tiền bỉm, tiền đi viện khi con ốm, tiền ăn của gia đình... Nhiều khi muốn về quê thăm bố mẹ gia đình nhưng do tốn kém kinh phí nên đành thôi”, chị Lan kể.

“Ngoài giờ làm việc, tôi chỉ quẩn quanh nhà trọ chứ không dám đi đâu, bởi muốn đi đâu phải có tiền trong khi đó hai vợ chồng tôi chả mấy khi dư dả đồng nào, tiền chưa về đã có sẵn các khoản cần chi tiêu. Tôi sợ nhất là những lời mời đi dự cưới hay tiệc tùng của anh em bạn bè vì từ chối nhiều thì không đành mà đi thì thêm lo”, chị Lan không nén được tiếng thở dài.

Cám cảnh bữa cơm công nhân

Công nhân làm việc với cường độ cao, cho nên bữa ăn trưa đóng vai trò rất quan trọng, giúp họ tái tạo sức lao động. Thế nhưng theo thừa nhận của ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, hiện nay giá một suất ăn trưa của nhiều doanh nghiệp chỉ từ 10 đến 12 nghìn đồng, khá thấp so với mặt bằng giá cả thực phẩm trên thị trường. Với mức tiền này, các cơ sở chế biến thường phải sử dụng những loại nguyên liệu không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, giá trị dinh dưỡng thấp và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Nhiều công nhân khi đang làm việc tại một số doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội cho rằng, thực đơn của họ ở nhà cũng như nhà máy thường là đậu phụ, rau và trứng. Chị Lê Thị Hà, công nhân công ty sản xuất phụ tùng xe máy tại Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội cho biết, suất ăn trưa ở công ty là 10.000 đồng gồm trứng hoặc đậu phụ và canh rau. Hôm nào cải thiện hơn có thêm thịt rang cháy cạnh hoặc thịt kho, nhưng thịt rất nhiều mỡ.

Theo chân về khu trọ công nhân, phóng viên được biết, địa chỉ mua sắm thực phẩm của công nhân các khu công nghiệp thường là các chợ đầu mối giá rẻ hoặc các khu chợ cóc, chợ tạm mọc ra bên cạnh các khu công nghiệp. Thực phẩm ở những khu chợ này thường trà trộn rất nhiều loại không rõ nguồn gốc xuất xứ, độ tươi sống không cao, chất lượng chưa bảo đảm.

Lo ngại về tình trạng bữa ăn thiếu chất của công nhân, bà Lê Bạch Mai- Viện Dinh dưỡng cho biết: Khảo sát của viện cho thấy đa phần chất lượng bữa ăn của công nhân rất mất cân đối, năng lượng trong khẩu phần chỉ có 12% đến từ protein (chất đạm), 16% đến từ chất béo, còn lại đến từ các chất bột đường như gạo, ngô, khoai… Việc cung cấp thiếu năng lượng dẫn đến người lao động bị bào mòn sức lực. Tình trạng này nếu kéo dài lâu sẽ sẽ ảnh hưởng đến nòi giống của thế hế sau vì đứa trẻ được sinh ra từ những ông bố bà mẹ thiếu chất sẽ không thể phát triển tốt”, bà Mai lo ngại.

Mục tiêu cải thiện đời sống của công nhân là vấn đề cấp bách đặt ra cho các ngành, các cấp liên quan, cụ thể việc đảm bảo mức lương tối thiểu đủ để hơn 20 triệu công nhân đang làm việc trên cả nước đủ sống là điều cần làm trước tiên. Tiếp sau đó các giải pháp liên quan tới việc đảm bảo môi trường làm việc, điều kiện sinh hoạt, nghỉ ngơi, chăm lo đời sống tinh thần cũng cần được các nhà quản lý, doanh nghiệp chú tâm

Ông Nguyễn ĐìnhThắng- Phó chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp TP. Hà Nội: Nếu ai đó có dịp quan sát cảnh người lao động đi chợ, mới thấy thương, chia sẻ với cuộc sống quá đỗi khó khăn của họ. Trên tay họ là miếng đậu, mớ rau, quả cà… mỗi thứ chỉ có một chút thôi, khá lắm thì có thêm miếng thịt

Theo Hải Quan online