Đắk Nông:

Đội nắng dầm mưa, liều mình mưu sinh trên... ngọn cây

(Dân trí) - Với những thân cây cao đến chục mét, người thợ phải leo lên những chiếc thang chênh vênh để thu hoạch hồ tiêu. Giữa ánh nắng như thiêu như đốt, họ vẫn phải vất vả mưu sinh, bất chấp những hiểm nguy rình rập.

Cứ đến tháng hai hàng năm, hàng nghìn lao động từ khắp nơi đổ về Đắk Nông để làm nghề hái tiêu thuê. Những trụ hồ tiêu phủ kín, cao chót vót trở thành nơi mưu sinh của người lao động nghèo, không có đất sản xuất. Mùa thu hoạch hồ tiêu trở thành mùa vất vả, hiểm nguy nhất trong năm.


Mỗi ngày bà Linh phải leo trèo khoảng 20 trụ tiêu để có được số tiền 170.000 đồng

Mỗi ngày bà Linh phải leo trèo khoảng 20 trụ tiêu để có được số tiền 170.000 đồng

Y Dem (SN 1977), một người đàn ông Ê Đê, dáng người nhỏ nhắn đen nhẻm nhưng xốc vác. Đều đặn chục năm nay, cứ ăn Tết xong, anh lại từ biệt vợ con ở Đắk Lắk để xuống huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) làm thuê cho một gia đình trồng hồ tiêu. Là lao động chính trong nhà nên phần lớn thời gian trong năm người đàn ông này lang bạt khắp nơi để tìm kế sinh nhai, mong sao có đủ tiền để cho 7 mẹ con, bà cháu ở nhà không chịu cảnh đói khát.

Nước da vốn ngăm ngăm, khuôn mặt càng trở nên đen bóng vì ánh nắng gay gắt, Y Dem quệt ngang mấy giọt mồ hôi trên mặt rồi cho biết, một ngày làm việc của anh khoảng 8 tiếng, bắt đầu từ 7 giờ sáng cho đến 5 giờ chiều, trong suốt thời gian đó anh chỉ việc ngồi vắt vẻo trên những cành cây hoặc đứng trên những chiếc thang cao chót vót để hái tiêu.

“Tôi làm nghề này cũng được gần chục năm nay rồi, lo xong việc nhà là tôi lại chạy xuống đây tìm việc, khoảng 3-4 tháng mới về thăm vợ con một lần. Công việc phải thường xuyên leo trèo, phơi mình giữa trời nắng nóng nhưng không tốn nhiều sức như thu hoạch cà phê. Nếu so với mấy năm trước, trèo trụ tiêu chưa ăn thua gì vì hồi đó tôi còn theo người ta đi trèo dừa thuê, có cây cao đến hai mươi mét”, Y Dem tỏ vẻ dứt khoát.


Hai vợ chồng ông Thiện cũng liều mình ngồi trên chiếc thang để thu hoạch tiêu thuê

Hai vợ chồng ông Thiện cũng liều mình ngồi trên chiếc thang để thu hoạch tiêu thuê

Vì hoàn cảnh khó khăn, lại ít đất sản xuất nên gia đình bà Hoàng Thị Linh (SN 1964) cũng kéo nhau từ huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) sang huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) làm nghề hái tiêu thuê được gần hai tháng nay. Người phụ nữ này gọi nghề hái tiêu là nghề nguy hiểm nhất trong cuộc đời của bà, bởi lúc nào cũng phải ngồi bất động trên mấy chiếc thang cao ngất ngưởng.

Theo bà Linh, vì đi làm thuê, nên cả nhà 4 người vừa làm vừa ăn ở tại nhà chủ vườn. “Nếu người ta khoán năng suất thì mình có thể tranh thủ trời mát mẻ để làm, nhưng người ta khoán công nhật, nên cứ khi nào chủ đi thì mình theo, nắng mưa cũng phải chịu. Mình muốn đi sớm nhưng sợ người ta dị nghị, nghi ngờ hái trộm tiêu nên đành bấm bụng. Mỗi ngày chúng tôi trèo khoảng 20 trụ, được trả công 170.000 đồng/người, tính ra làm đều đặn thì gia đình cũng có nguồn thu kha khá để dành”, bà Linh bộc bạch.

Đối với người lao động nghèo như bà Linh, bên cạnh niềm vui có việc làm, có thu nhập thì trong họ luôn thường trực nỗi bất an vì nghề hái tiêu thuê tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Nhiều hộ gia đình trồng tiêu trên trụ cây sống, tiêu phủ trụ cao, phải bắc thang cao gần chục mét mới có thể hái tới, chưa kể nhiều nơi trồng tiêu trên địa thế đồi dốc, nếu không khéo léo thì cả người và thang đều ngã ngửa.

“Nếu không phải vì miếng cơm manh áo thì chúng tôi cũng không đi làm cái nghề nguy hiểm này, nhiều lần cũng muốn bỏ việc về nhưng bỏ thì lấy gì mà ăn. So với những nghề khác thì hái tiêu được nhiều tiền hơn, nếu làm cẩn thận thì không phải lo gặp tai nạn”, anh con trai đầu của bà Linh bộc bạch.

Mùa tiêu năm nay cũng vừa tròn 10 năm ông Phan Văn Thiện (SN 1968) làm nghề hái thuê. Có lẽ trong nhóm bà Linh, ông là người dày dặn kinh nghiệm nhất nên dù ngồi trên chiếc thang sắt cao gấp 3 lần chiều cao cơ thể, ông Thiện vẫn ung dung, bình thản.


Với những người lao động nghèo trèo càng cao họ càng kiếm được nhiều tiền

Với những người lao động nghèo trèo càng cao họ càng kiếm được nhiều tiền

Người nông dân quê Tây Ninh chia sẻ, tuy thạo việc leo trèo song lần hái tiêu năm ngoái, do nền đất mềm nên thang đổ nghiêng khiến ông ngã sõng soài xuống đất, bất tỉnh ngay lúc đó. “Nhưng so với đứa em họ tôi thì tôi vẫn còn may mắn, vì sau một lần bám hụt vào chiếc cành mục, chú ấy rơi xuống đất, phải nằm liệt giường mấy năm nay”.

Thật ra bấy nhiêu chỉ mới đủ để gọi là bước chân vào nghề, bởi trong lúc làm, người thợ phải cẩn thận, đề phòng với những hiểm nguy bất chợt rình rập trong những trụ hồ tiêu um tùm. “Ong, kiến thường xuyên làm tổ trên trụ tiêu, còn rắn thường bò lên đây lẩn trốn khi bị đe dọa, mà như vậy thì càng nguy hiểm, con rắn sẵn sàng đớp trả khi thấy người. Những giống này người leo cây nào cũng sợ chứ không riêng gì leo trụ tiêu, cho nên thợ có kinh nghiệm, trước khi lên cây, bao giờ cũng cẩn thận quan sát, kiểm tra; vừa leo lên vừa đánh động để xua chúng đi chỗ khác…”, ông Thiện cho hay.

Trên thực tế, ngành chức năng chưa thể thống kê được số tai nạn lao động xảy ra trong quá trình thu hoạch nông sản, bởi hoạt động này chủ yếu theo hộ gia đình, cá thể, nên khó có thể kiểm soát được. Hàng ngày, bất chấp những mối nguy hiểm, hàng ngàn lao động làm nghề hái tiêu thuê vẫn liều mình leo lên ngọn cây mưu sinh. Với họ, trèo càng cao càng mang lại nguồn thu đáng kể để lo cho cuộc sống gia đình.

Dương Phong