Độc lạ: Thư pháp hình Chuột "hút khách" dịp cận Tết Canh Tý

(Dân trí) - Bên cạnh các sản phẩm thư pháp truyền thống, năm nay, thị trường tiêu dùng Việt Nam cận Tết 2020 đang rất chuộng một số dòng thư pháp khắc gỗ hoặc viết trên lụa. Đặc biệt, thư pháp hình chuột (Canh Tý) đang hấp dẫn người mua với giá từ 5 - 10 triệu đồng, tùy loại.

Trong vài năm trở lại đây, xu hướng “mua chữ” và “cho chữ” đang nở rộ mỗi khi Tết đến, xuân về và đem lại thu nhập rất cao cho các “ông đồ”.

Chính vì vậy, để thu hút thị hiếu của khách hàng, nhiều “ông đồ” đã nghiên cứu và đưa các sản phẩm mới lạ hoặc các sản phẩm thư pháp độc bản. Những sản phẩm này mặc dù có giá khá cao, có thể lên tới vài chục triệu đồng, nhưng lại cực kỳ "hút" khách.

Thu nhập “khủng” từ việc bán thư pháp ngày Tết

Anh Xuân Thành, một “ông đồ” trẻ 9x, có thâm niên 15 năm trong nghề thư pháp cho biết: “Trong vài năm trở lại đây, thư pháp đã trở thành một món quà tinh thần không thể thiếu trong dịp Tết. Bởi vì, thư pháp không chỉ là một món quà tặng hay vật phẩm cầu tài lộc, thư pháp còn là một loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam”.

Giống như mọi năm, thị trường "bán chữ” cận Tết Canh Tý 2020 có 2 xu hướng là thư pháp thị trường và thư pháp nghệ thuật.

Đối với dòng sản phẩm thư pháp thị trường có giá bán từ vài chục nghìn cho tới vài trăm nghìn đồng. Đa phần, các sản phẩm thư pháp thị trường được thực hiện khá đơn giản, chữ thường được viết trên mành tre, dùng mực tàu.

Độc lạ: Thư pháp hình Chuột hút khách dịp cận Tết Canh Tý  - 1

Vào những ngày cận Tết, các “ông đồ” sẽ tụ họp lại ở một số tuyến phố để bán, thu nhập trong dịp này có thể lên tới 50 - 60 triệu đồng, tùy từng người.

Trong khi đó, dòng thư pháp nghệ thuật thường có giá rất cao lên tới vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, dòng sản phẩm thư pháp nghệ thuật đòi hỏi chất xám, sự sáng tạo của các “ông đồ”.

Hầu hết, các sản phẩm thư pháp nghệ thuật được họa trên các chất liệu cao cấp như thư pháp lụa, thư pháp gấm, đính đá hoặc thư pháp khắc gỗ hoặc thư pháp 3D.

Độc lạ: Thư pháp hình Chuột hút khách dịp cận Tết Canh Tý  - 2
Một tác phẩm thư pháp nghệ thuật.

Thời gian hoàn thiện của dòng thư pháp nghệ thuật có thể lên tới vài tuần, thậm chí vài tháng, tùy thuộc vào độ tỉ mỉ của từng sản phẩm. Dòng thư pháp nghệ thuật có thể là một chữ đơn, hoặc một câu ca dao, tục ngữ, phức tạp hơn là một bài thơ nổi tiếng nào đó.

“Ông đồ” Xuân Thành tiết lộ: “Dòng thư pháp nghệ thuật có giá đắt vượt trội như vậy là do được họa trên các chất liệu cao cấp. Ví dụ như thư pháp lụa sẽ có độ bền cao hơn, tính thẩm mỹ cũng cao hơn. Đặc biệt, các sản phẩm thư pháp nghệ thuật thường là độc bản, đòi hỏi người thực hiện phải có kỹ năng rất cao”.

Bật mí về thu nhập từ việc làm “ông đồ”, bán chữ ngày Tết, anh Xuân Thành cho biết: “Nếu một “ông đồ” dành toàn tâm, toàn ý cho thư pháp, mỗi tháng có thể kiếm được 10 triệu đồng. Trong khi đó, vào những ngày cận Tết, các “ông đồ” sẽ tụ họp lại ở một số tuyến phố để bán, thu nhập trong dịp này có thể lên tới 50 - 60 triệu đồng, tùy từng người”.

Thư pháp hình chuột Canh Tý 2020

Để đón đầu thị trường dịp cận Tết, các “ông đồ” đã bắt đầu tung ra các sản phẩm chủ lực để thu hút thị hiếu của người yêu nghệ thuật và sẵn sàng bỏ tiền ra mua.

Độc lạ: Thư pháp hình Chuột hút khách dịp cận Tết Canh Tý  - 3
Chú chuột được thể hiện qua thư pháp.

“Mỗi năm tôi đều sáng tạo thư pháp dựa trên 1 con giáp khác nhau để làm đứa con tinh thần và đưa vào bộ sưu tầm của bản thân. Hình thức thư pháp này được gọi là họa tự, tức là vẽ chữ ra hình”, Xuân Thành cho biết.

“Ông đồ” trẻ Xuân Thành cũng tiết lộ, từ khi đưa mẫu thư pháp chuột Canh Tý lên mạng xã hội, tác phẩm đã nhận được phản hồi tích cực từ thị trường. Từ đó, rất nhiều khách hàng đã liên hệ và đề nghị mua lại bức thư pháp này.

Độc lạ: Thư pháp hình Chuột hút khách dịp cận Tết Canh Tý  - 4

Giá bán một bức thư pháp chuột nghệ thuật có thể dao động từ 5-10 triệu đồng/ người

Tuy nhiên, nếu khách hàng thích và có nhu cầu mua, tác giả sẽ bán bản quyền hoặc sao chép lại. Giá bán dao động từ 5 triệu cho đến 10 triệu đồng, tùy thuộc vào chất liệu.

Việt Vũ