Doanh nghiệp Nhật đã "định hình" khẩu vị cho mì Việt như thế nào?

(Dân trí) - Acecook là doanh nghiệp đã sản xuất ra Hảo Hảo – món mì tôm chua cay đầu tiên tại Việt Nam – tạo nên làn sóng yêu thích hương vị mì chua cay qua nhiều thế hệ người tiêu dùng.

Vậy làm sao một thương hiệu Nhật Bản có thể khai phá ra hương vị đặc sắc này?

Hành trình “quốc dân hoá” hương vị tôm chua cay

Kể từ ngày bán gói mì đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1995, Acecook đã được người tiêu dùng tin tưởng bởi chất lượng đến từ công nghệ Nhật Bản. Tuy nhiên, giấc mơ của Acecook không chỉ dừng lại ở việc đem đến một sản phẩm chất lượng, mà còn phải mang hương vị ngon phù hợp với khẩu vị của người Việt. Với niềm tin “không ai hiểu ẩm thực địa phương hơn người bản xứ”, Acecook đã trao toàn quyền sáng tạo hương vị cho đội ngũ nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) người Việt.

Từ đó, hành trình đi tìm khẩu vị “quốc dân” bắt đầu. Ở đâu có món ngon, đội ngũ R&D lại lên đường, đi để ăn và nghiền ngẫm. Dưới sự quan sát của Acecook, mâm cơm dù ở miền Bắc, Trung hay Nam đều gặp nhau ở món canh chua. Cách chế biến, nguyên liệu, nêm nếm gia vị có thể khác nhưng vị chua chua, cay cay vẫn là điểm chung.

Doanh nghiệp Nhật đã định hình khẩu vị cho mì Việt như thế nào? - 1
Tô mì chua cay Hảo Hảo đã định hình khẩu vị mì ăn liền Việt Nam

Nắm bắt được điều đó, suốt nhiều tháng ròng, hàng trăm nồi canh chua đã ra lò tại phòng Nghiên cứu & phát triển sản phẩm (R&D) chỉ để tìm cách chuyển tải đầy đủ nhất hương vị truyền thống sang ăn liền. Thành phẩm đưa ra phải được lấy ý kiến người dùng để xem xét điều chỉnh công thức. Sau khi có hương vị chua cay được lòng số đông, Acecook phải dành thêm 2-3 tháng để sản xuất thử nghiệm trên dây chuyền thực tế... Cứ thế, Acecook đã cho đời sản phẩm mì Hảo Hảo tôm chua cay vào năm 2002 – tạo nên hương vị chua cay “huyền thoại” ở Việt Nam, chinh phục được khẩu vị của người tiêu dùng ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam.

Tiếp tục chặng đường khai phá hương vị Việt

Khi mục tiêu “ăn liền hóa” vị chua cay truyền thống đã trở thành hiện thực, Acecook tiếp tục nghiên cứu những hương vị mới để không ngừng đáp ứng thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng.

Mỗi lần sắp ra mắt một hương vị mới, Acecook lại có nhiều cuộc khảo sát để lấy ý kiến. Từ cảm nhận về độ dai, độ trơn bóng của sợi mì, hoàn nguyên thế nào, vị có ngon không, giá bao nhiêu thì sẽ mua... Nếu đa số mọi người đồng thuận, sản phẩm sẽ bắt đầu được đưa vào sản xuất. Ngược lại, tỷ lệ không đạt sẽ phải tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh.

Doanh nghiệp Nhật đã định hình khẩu vị cho mì Việt như thế nào? - 2
Từng sản phẩm của Acecook đều trải qua nhiều công đoạn kiểm tra nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng và ATVSTP

25 năm qua, cùng với tâm huyết chinh phục khẩu vị Việt, Acecook đã tạo dựng được danh mục hơn 30 sản phẩm từ mì, miến, bún, phở ăn liền, lên tới hàng trăm hương vị khác nhau với những cái tên quen thuộc như mì ly Modern, mì Siukay, Phở Đệ Nhất, Hủ tiếu Nhịp Sống, bún Hằng Nga, miến Phú Hương…

Là một doanh nghiệp Nhật Bản, xuất phát điểm là công ty sản xuất mì ăn liền, nhưng khi đến Việt Nam, bằng tầm nhìn của người Nhật và tâm huyết của người Việt, Acecook đã sử dụng thành công nguồn nguyên liệu nông sản nội địa để tạo ra những sản phẩm ăn liền mang đậm dấu ấn Việt, như sự kết hợp giữa đậu xanh và khoai tây tạo nên sợi miến dai ngon tròn vị, hay hạt gạo được ví như “hạt ngọc trời” làm nên sợi phở, sợi bún,…góp phần nâng cao giá trị cho nguồn nông sản Việt, không chỉ bán hàng trong nước mà còn xuất khẩu đi hơn 35 quốc gia trên toàn thế giới.

2020 đánh dấu chặng đường 25 năm nỗ lực tại Việt Nam, Acecook đưa ra thông điệp “Từ khẩu vị đến trái tim” như một lời khẳng định quyết tâm, cũng như nhấn mạnh thành công trong bước đường 1/4 thế kỷ. Thành công ấy có lẽ gói trọn trong 2 chữ “thấu hiểu”. Từ thấu hiểu văn hóa, con người, đến khẩu vị vùng miền, Acecook đã chinh phục thành công trái tim nhiều thế hệ người Việt.

Trường Thịnh