Đình làng Bắc Ninh nơi hội tụ, kết tinh tỏa sáng tinh hoa vật chất và tinh thần
(Dân trí) - Đình làng giữ vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng người dân đất Bắc Ninh - Kinh Bắc xưa kia. Nay, công trình kiến trúc này vẫn là một thiết chế văn hóa hội tụ, kết tinh và tỏa sáng tinh hoa vật chất và tinh thần của mỗi cộng đồng dân cư, cần được gìn giữ và bảo tồn...
Trong hệ thống di tích phong phú, đồ sộ của tỉnh Bắc Ninh có tới hơn 500 ngôi đình làng. Qua thăng trầm lịch sử, đình làng ở Bắc Ninh vẫn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng, củng cố thiết chế xã hội làng xã và phát huy giá trị, vị trí, vai trò, chức năng trong cuộc sống hiện đại.
Mỗi ngôi đình đều thờ phụng các “nhân vật” Thành hoàng làng, là trung tâm diễn ra các hoạt động tín ngưỡng lễ hội cố kết cộng đồng. Dưới mái đình, những thuần phong mỹ tục của làng cũng hiện diện rõ ràng, chân thực nhất. Gắn liền với đình còn các công trình phụ cận không thể thiếu, làm tôn vinh những giá trị của đình làng như: Sân đình, ao hồ, giếng nước, cây cổ thụ... Đồng hành với những bước đổi thay, phát triển của làng xã, đình làng còn gìn giữ, bảo lưu di sản văn hóa quý giá, mang ý nghĩa giáo dục lịch sử sâu sắc.
Đó là các hiện vật thờ quý như: Hoành phi, câu đối, nhang án, lư hương, bát bảo, chuông, khánh, sắc phong của các triều đại phong kiến… Đáng kể là hệ thống bia đá mà theo thống kê của Bảo tàng tỉnh, hiện có hơn 700 văn bia đang được lưu giữ tại các đình làng trong tỉnh.
Cùng với giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh tín ngưỡng tiêu biểu, trong thế kỷ 20, nhiều ngôi đình của Bắc Ninh còn gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng và các cuộc kháng chiến cứu nước thần thánh của dân tộc, điển hình như: Đình Đình Bảng, đình Đồng Kỵ (Từ Sơn), đình Liễu Khê, Ngọc Tỉnh (Song Liễu, Thuận Thành), đình Dương Húc, đình Long Khám (Tiên Du), đình Chân Lạc, đình Vọng Nguyệt (Yên Phong), đình làng Hương Triện (Gia Bình), đình làng Ngọc Quan (Lương Tài), đình làng Yên Giả (Quế Võ).
Quy mô kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc, trang trí cũng là một trong những giá trị đặc sắc nổi bật của đình làng Bắc Ninh. Qua cơn dâu bể đến nay trên địa bàn vẫn còn một số ngôi đình cổ kính, thâm nghiêm vừa bề thế, có kiến trúc độc đáo với các lớp ngói đao cong uốn lượn duyên dáng vừa được chạm trổ phong phú rồng bay, phượng múa, lân chầu, quy đội thư rất tinh xảo... Tiêu biểu có những đình làng được ca ngợi trong tiềm thức dân gian “Thứ Nhất là đình Đông Khang/Thứ Nhì Đình Bảng, vẻ vang đình Diềm”.
Trong ba ngôi đình được nhắc đến, riêng đình Đông Khang (Yên Phong) bị tiêu thổ trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, còn lại đình Đình Bảng (thị xã Từ Sơn) và đình Diềm (thành phố Bắc Ninh) vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn. Ngoài ra, Bắc Ninh còn một số ngôi đình cổ có kiến trúc nghệ thuật đẹp nổi tiếng là đình Đồng Kỵ, đình Hồi Quan (Từ Sơn), đình Tam Tảo (Tiên Du), đình Cổ Mễ (thành phố Bắc Ninh), đình Ngô Nội, đình Phù Lưu (Yên Phong)...
Nghệ thuật điêu khắc, trang trí kiến trúc đình làng Bắc Ninh là sự tập trung và phát huy cao độ các kỹ thuật chạm nổi, chạm kênh bong, chạm lộng, chạm thủng... từ đó tạo hiệu quả thẩm mỹ về không gian, hình khối của các mảng chạm hết sức phong phú, sinh động. Mỗi tác phẩm chạm khắc ở đình làng đều được tạo tác bởi đôi bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ dân gian thấm đẫm tinh thần, bản sắc văn hóa làng xã Việt Nam, vừa thể hiện sự tự do sáng tạo, khát vọng đổi mới với những thô mộc bay bổng đầy ngẫu hứng mà vẫn chuẩn mực, mô thức, tinh tế nuột nà trong cách phản ánh hiện thực đời sống xã hội. Trong đó, bức cửa võng trứ danh ở đình Diềm là tác phẩm chạm gỗ nổi tiếng hoành tráng, cầu kỳ và tinh xảo bậc nhất minh chứng cho nghệ thuật điêu khắc chạm trổ tài hoa của nghệ nhân xưa.
Hình ảnh con người, rồng mây, cây cỏ, muông thú với đủ hình thái, biểu cảm sinh động, chồng xếp dày đặc như bức tranh cuộc sống, thể hiện công khai khát vọng sống tự do, bình quyền, mong muốn thoát khỏi ràng buộc của giáo lý và pháp luật phong kiến đương thời... Như vậy, mỗi đình làng chẳng khác nào một “bảo tàng lịch sử”, nơi lưu giữ những tác phẩm điêu khắc quý giá, phản ánh đời sống xã hội, tình yêu, ước mơ, mong muốn của người dân. Đình làng vì thế vừa có giá trị vật chất vừa có giá trị văn hóa tinh thần sâu sắc.
Ngày nay, thiết chế đình làng Bắc Ninh vẫn là một di sản vô cùng quý giá, có ý nghĩa to lớn về lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, điêu khắc, đặc biệt là giá trị đời sống tinh thần tín ngưỡng gắn với sinh hoạt cộng đồng, lễ hội, diễn xướng nghệ thuật truyền thống, các trò chơi dân gian... Không gian văn hóa, hồn cốt của đình làng ở Bắc Ninh vẫn được Nhà nước, cộng đồng nối tiếp bảo tồn, trùng tu, phục dựng, giữ thâm nghiêm cổ kính và cũng là minh chứng sống động cho lịch sử, nguồn cội của con người miền đất văn hiến Bắc Ninh - Kinh Bắc.
Bá Đoàn