Điều ít biết về Lê Văn Xuân: Cậu bé trường làng "lọt mắt" chuyên gia
(Dân trí) - Từ nhỏ, Lê Văn Xuân lặng lẽ nuôi dưỡng niềm đam mê với trái bóng tròn. Sau đó, Xuân dần có cơ hội tham gia các giải đấu cấp huyện, cấp tỉnh… rồi lọt vào "mắt xanh" của các nhà đào tạo PVF.
"Thấy Xuân liên tiếp đập tay xuống đất, tôi đã dự cảm có chuyện chẳng lành"
Tối 22/5, sau khi kết thúc lễ trao huy chương môn bóng đá nam SEA Games 31, trên sân vận động Mỹ Đình, nhiều người nhìn thấy một người đàn ông trung niên với khuôn mặt nặng trĩu ưu tư. Nước mắt hòa lẫn trong nước, ông đã khóc khi chứng kiến cảnh con trai tập tễnh chống nạng bước ra sân nhận huy chương. Bên cạnh ông, người vợ cũng không kìm được nước mắt.
Ông là Lê Văn Thắng (sinh năm 1975, xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) - bố của hậu vệ Lê Văn Xuân - cầu thủ phải đau đớn rời sân sau pha vào bóng ác ý của đối thủ Malaysia trong trận bán kết.
Tối 22/5, ông Thắng đến sân cổ vũ cho đội tuyển U23 và rất tự hào, xúc động khi Việt Nam giành huy chương vàng. Tuy nhiên, niềm vui chiến thắng với ông Thắng chưa thật trọn vẹn.
Sáng 25/5, chia sẻ với PV Dân trí, người cha này vẫn chưa hết nghẹn ngào khi nhắc lại khoảnh khắc rơi nước mắt nhìn con chống nạng trên sân.
Ông kể: "Lúc ấy tôi mừng cho toàn đội, đã chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo, mang vinh quang về cho Tổ quốc. Tuy nhiên, thấy con trong hoàn cảnh như thế, tôi thương con vô cùng. Tôi ước mình có thể san sẻ gánh nặng này cho con".
Theo lời ông Thắng, sau khi Xuân bước xuống từ bục nhận huy chương, vợ chồng ông có tranh thủ trò chuyện được với con đôi câu. Họ chỉ kịp căn dặn con giữ gìn sức khỏe rồi lặng lẽ trở lại khán đài.
Kể về buổi tối con trai gặp chấn thương, ông Thắng cho hay, các trận đấu SEA Games mà Lê Văn Xuân tham gia, vợ chồng ông đều thu xếp ra Việt Trì, Phú Thọ xem con cùng đồng đội thi đấu. Duy chỉ có trận bán kết, vì không sắp xếp được công việc, ông đành ở nhà xem qua tivi.
Qua màn hình, ông theo sát hình ảnh của con nên khi góc quay quay cảnh có cầu thủ bị ngã, ông nhận ra ngay đó là con trai mình. Mới đầu, ông Thắng tưởng đó là một pha va chạm bình thường nhưng khi thấy con liên tiếp đập tay xuống sân cỏ, ông đoán rằng sẽ có chuyện chẳng lành xảy ra. "Xuân chịu đau rất giỏi nhưng cú ngã này có lẽ đã khiến con đau đớn vô cùng", ông Thắng nói.
Khi thấy con rời sân trên cáng cứu thương, xung quanh có rất đông người chạy theo, vợ chồng ông Thắng lòng như lửa đốt. Sau đó, ông liên tục gọi điện cho Xuân nhưng không kết nối được. Cả đêm, vợ chồng ông gần như không chợp mắt, ngóng chờ tin tức của con.
Mãi đến sáng hôm sau, ông mới nhận được cuộc gọi của Xuân thông báo mình gặp chấn thương ở chân, có thể liên quan đến dây chằng. "Dẫu vậy, Xuân liên tục nhấn mạnh rằng: Con không sao, con bình thường, bố mẹ cứ yên tâm, không phải lo lắng gì, chấn thương là chuyện thường gặp trong thi đấu", ông Thắng nhớ lại.
Trước đó, gia đình ông Thắng dự định nếu đội bóng vào chung kết, cả gia đình sẽ thuê xe để đông đảo anh em, họ hàng ra cổ vũ cho Lê Văn Xuân. Nhưng vì gặp phải chấn thương bất ngờ, hậu vệ này không thể góp mặt trong trận đấu giành huy chương vàng.
Chiều 22/5, chỉ có vợ chồng ông Thắng, hai người bác họ, con gái và một vài người cháu đang học tập làm việc tại Hà Nội tới sân vận động Mỹ Đình. Họ tới vừa để cổ vũ cho Đội tuyển U23 Việt Nam thi đấu, vừa để tranh thủ cơ hội gặp mặt con.
Khi được hỏi tình hình sức khỏe hiện tại của Lê Văn Xuân, ông Thắng cho hay, hiện con ông đang nghỉ ngơi tại Câu lạc bộ Hà Nội và được đồng đội cùng ban huấn luyện, Liên đoàn bóng đá Việt Nam hỗ trợ, chăm sóc.
"Xuân đang chờ hết dịch để đi chụp lại mới biết kết quả chính xác. Xuân nói, nếu cần thiết phải mổ thì liên đoàn bóng đá và câu lạc bộ sẽ tạo điều kiện tốt nhất điều trị cho con, có thể đưa con sang Singgapore hoặc sang Hàn Quốc phẫu thuật. Hiện giờ, gia đình tôi cũng chỉ biết động viên cháu an tâm điều trị. Chúng tôi đều xác định, trong thi đấu, chấn thương là điều không thể tránh khỏi. Nếu không may gặp phải thì mình phải suy nghĩ tích cực và cố gắng đối mặt", ông Thắng nói.
Đi thi cho vui ai ngờ lại đỗ
Chia sẻ về con trai Lê Văn Xuân, ông Thắng cho hay, ngay từ nhỏ, Xuân đã bộc lộ niềm đam mê thể thao. Ở quê chẳng có sân bãi, chẳng có bóng da, Xuân thường lấy những quả bưởi rụng để đá cùng chúng bạn.
Năm lớp 3, lớp 4, khi bạn bè yêu thích xem các chương trình phim ảnh thì Xuân lại chỉ thích xem bóng đá và các chương trình bình luận thể thao. Tối nào, sau khi ăn cơm, cậu bé Xuân cũng chờ xem bằng được chương trình Điểm tin thể thao 24/7 trên tivi rồi mới học bài.
Vợ chồng ông Thắng biết con thích bóng đá song cũng chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện đầu tư cho con theo học hành bài bản bởi cả hai còn vất vả mưu sinh. Ông Thắng nhiều năm đi xuất khẩu lao động ở Malaysia rồi Hàn Quốc để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Cậu bé Xuân cứ thế lặng lẽ nuôi dưỡng niềm đam mê bóng đá một mình. Khi đi học, Xuân được hoạt động "chuyên nghiệp" hơn một chút khi tham gia các giải đấu bóng của trường, rồi của tỉnh.
Học xong lớp 5, Xuân may mắn được đi thi đấu Giải bóng đá thiếu niên toàn quốc Yamaha. Tại giải bóng đá này, cầu thủ nhí Lê Văn Xuân đã lọt vào "mắt xanh" của các nhà đào tạo PVF (Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF).
Xuân sau đó nhận được thư mời tham dự buổi thi tuyển trong TPHCM. Thời điểm đó, ông Thắng đang đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Thấy vợ ở nhà gọi sang thông báo, ông liền nghĩ, người ta có sân có bãi, huấn luyện bài bản, đằng này con mình tập tành chẳng đâu vào đâu thì chắc gì đã đỗ. Nghĩ là vậy nhưng ông vẫn đồng ý cho con đi thi. Người cha này xác định cho con đi thi cho vui, để con toại nguyện.
Nhưng ông không ngờ, lần ấy Lê Văn Xuân lại thi đậu vào VPF. Cuộc đời cậu bé trường làng từ đó rẽ sang một ngã rẽ hoàn toàn khác. Xuân bắt đầu những ngày tháng xa nhà, học tập, huấn luyện nơi miền Nam xa xôi.
Thấy bố nhiều năm phải mưu sinh xứ người, mẹ làm lụng quanh năm nuôi em ăn học, Xuân luôn tâm niệm sẽ cố gắng luyện tập, thi đấu, mong sớm thành công để có điều kiện đỡ đần bố mẹ. Dẫu vậy, vợ chồng ông Thắng chưa một lần đặt nặng áp lực lên con. Ông chỉ luôn động viên con rèn luyện, phấn đấu và đặc biệt là tuân thủ đạo đức nghề nghiệp cầu thủ.
Lê Văn Xuân là một hậu vệ cần cù và đa năng. Theo chia sẻ của người cha, ngoài đời, Xuân cũng rất chịu khó và chăm chỉ. Mỗi lần về nhà, cứ thấy bố mẹ thức giấc là Xuân cũng rời khỏi giường bắt tay vào dọn dẹp, làm việc nhà. Thấy bố cọ rửa chuồng lợn, Xuân cũng không nề hà bảo bố để đó con làm cho. Xuân sống tình cảm nhưng ít thể hiện bằng lời nói.
Ông Thắng nhớ lần đầu tiên mình có mặt ở sân cỏ cổ vũ con là trận giao hữu của Câu lạc bộ Hà Nội tại Thanh Hóa, còn trận mang tính chất thi đấu thì mãi tới SEA Games vừa rồi, ông mới có cơ hội xem.
Nhìn cách Xuân lăn xả hết mình trên sân, ông hạnh phúc vô cùng vì biết con mình đang được cháy với đam mê. Hiện tại, điều ông mong mỏi nhất là Xuân sớm bình phục để trở lại sân cỏ tập luyện, thi đấu, cùng các cầu thủ lập nên những đỉnh cao mới.