Điều bất ngờ trong mâm cỗ Tết của đại gia tàu Thủy giàu nức tiếng một thời
(Dân trí) - Trái ngược với khối tài sản khổng lồ, vị đại gia Bạch Thái Bưởi (1874-1932) lại có một lối sống giản dị, thích ăn những món ăn dân dã đặc biệt là trong mâm cơm ngày Tết.
Doanh nhân khét tiếng đất Bắc
Doanh nhân Bạch Thái Bưởi (1875 - 1932) tên thật là Đỗ Thái Bửu, quê Yên Phúc, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (cũ), nay là Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội. Ông là một trong 4 doanh nhân giàu có nhất Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ 20.
Bà Bạch Quế Hương (SN 1961, Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) - chắt nội doanh nhân này, cho biết, cụ Bạch Thái Bưởi khởi nghiệp từ rất sớm.
Ngày nhỏ, cụ thường theo mẹ đi vớt củi trên sông Nhuệ mang về bán kiếm tiền. Một lần, cụ vớt được một khúc củi khá lớn, mang về phơi khô ở sân, càng khô, khúc củi đó càng tỏa ra một mùi thơm kỳ lạ.
Câu chuyện lan nhanh, đến tai các thương lái Trung Quốc. Họ tìm gặp cụ để mua bằng được khúc củi khô này với giá cao ngất ngưởng. Hóa ra, đó là gỗ trầm hương - một loại gỗ vô cùng quý giá.
Số vốn từ việc bán khúc củi đó, cộng thêm tiền tích lũy được, doanh nhân Bạch Thái Bưởi bắt đầu lao vào học hỏi kinh doanh. Thậm chí, cụ xin vào làm cho một số hãng buôn lớn của Pháp để làm việc, tích lũy kinh nghiệm...
Năm 1909, doanh nhân Bạch Thái Bưởi thuê lại 3 chiếc tàu (Phi Phụng, Phi Long và Khoái Tử Long) của một hãng tàu Pháp chở thư và hành khách đường sông Bắc kỳ, có tên là A. R. Marty, vừa hết hạn hợp đồng với chính phủ.
Cụ cho tàu chạy hai tuyến đường: Nam Định - Hà Nội và Nam Định - Bến Thủy (Vinh).
Sau bảy năm kinh doanh trên sông nước, cụ Bạch Thái Bưởi đã tạo dựng một cơ ngơi khép kín từ chạy tàu đến đóng tàu, sửa chữa tàu và các chi nhánh ở nhiều nơi.
Năm 1916, một công ty hàng hải mang tên Giang hải luân thuyền Bạch Thái công ty đã ra đời. Tại các trụ sở của ông, ở vị trí cao nhất người ta bắt đầu thấy phấp phới ngọn cờ hiệu màu vàng, có hình mỏ neo và ba ngôi sao đỏ.
Ngày 7/9/1919, công ty của cụ Bạch Thái Bưởi hạ thủy tại Cửa Cấm (Hải Phòng) chiếc tàu Bình Chuẩn hoàn toàn do người Việt thiết kế, thi công.
Tàu Bình Chuẩn chạy chuyến đầu tiên từ Hải Phòng cập bến Sài Gòn ngày 17/9/1920, trong sự đón chào nồng nhiệt của giới công thương Sài Gòn (TP.HCM ngày nay).
Công ty của doanh nhân Bạch Thái Bưởi bắt đầu mở rộng tầm hoạt động khắp Đông Dương, các nước và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore và Philippines.
Đỉnh cao phát triển của công ty là khoảng cuối thập niên 1920 đầu 1930. Khi ấy công ty hàng hải của Bạch Thái Bưởi có trên 40 con tàu cùng sà lan chạy trên tất cả các tuyến đường sông Bắc kỳ và cả các nước cùng vùng lãnh thổ lân cận, với số lượng nhân viên lên tới 2.500 người, làm việc trên các đội tàu, xưởng đóng tàu.
Cụ Bạch Thái Bưởi là người Việt Nam đầu tiên có nhà máy đóng tàu và là cha đẻ của ngành đóng tàu thủy Việt Nam. Chiến lược kinh doanh của cụ là mua nhà máy để chủ động các khâu khép kín từ thiết kế, đóng mới, vận hành và bảo dưỡng tàu bè. Nhà máy đóng tàu này là tiền thân của nhà máy đóng tàu Sông Cấm ngày nay.
Cụ được người ta đặt cho biệt danh "vua tàu thủy đất Bắc".
Món ăn dân dã ngày Tết
Khởi nghiệp từ đồng vốn bán củi, doanh nhân Bạch Thái Bưởi đã tạo nên một cơ ngơi khổng lồ với nhiều lĩnh vực khác nhau như khai thác mỏ quặng, buôn gỗ, mở nhà in, thành lập xưởng đóng tàu.
Nhiều giai thoại về sự giàu có của cụ được truyền tai nhau cho đến ngày nay, như chuyện chiếc xe hơi dát vàng, gia tài đồ sộ cùng bản di chúc 30 trang để lại cho hậu thế...
Thời kỳ làm khai thác quặng và tàu biển, cụ Bưởi chủ yếu sống ở Hải Phòng trong một căn biệt thự lớn gần trung tâm thành phố.
Giàu có, thành công là vậy nhưng doanh nhân Bạch Thái Bưởi vẫn giữ lối sống giản dị như thuở hàn vi.
Bà Quế Hương tâm sự, ngày bé bà hay được bố và người lớn trong nhà kể cho nghe về doanh nhân Bạch Thái Bưởi.
Trong đó, câu chuyện món quà ngày Tết doanh nhân Bạch Thái Bưởi tặng cho khách mỗi khi đến chơi nhà luôn để lại ấn tượng sâu sắc.
Các món ngon trên đời cụ Bưởi đều được nếm qua nhưng cụ vẫn thích ăn xôi dừa và mứt dừa. Những món dân dã này cụ có thể ăn vài ngày không thấy chán.
"Dịp Tết, việc chuẩn bị sắm sửa đều do một tay người vợ cả của cụ Bưởi lo liệu, quán xuyến. Cụ bà thường tự tay vào bếp nấu nướng các món cho chồng ăn, tuyệt nhiên không để gia nhân làm bao giờ", bà Bạch Quế Hương nói.
Ngoài các món ăn truyền thống như gà, nem hải sản, giò đông, giò lụa, bánh chưng, dưa hành… doanh nhân Bạch Thái Bưởi thường dặn vợ chuẩn bị thêm món xôi dừa.
Cụ Bưởi quan niệm rằng, chữ dừa nói chệch từ chữ "Thừa" (dư thừa của cải). Nếu đầu năm ăn dừa, cả năm gia chủ sẽ luôn no đủ, làm ăn tấn tới.
Món xôi dừa do cụ bà nấu, có hương vị rất đặc trưng. Cách chế biến khá cầu kỳ, công phu. Cụ chọn loại gạo nếp ngon, không vo gạo, không đảo gạo mà chỉ ngâm. Ngâm xong, gạo được đổ ra giá cho ráo nước rồi trải ra giấy bản, thấm cho hạt gạo khô thì mang đi đồ. Nước đồ xôi phải là nước dừa chứ không dùng nước lã.
Vừng rang hơi già lửa, mang đi giã nhỏ, dừa nạo nhỏ, xào lên. Khi xôi chín thì trộn vừng và dừa vào xôi cho đều.
Doanh nhân Bạch Thái Bưởi là người quảng giao, nhiều bạn bè. Vì vậy dịp đầu năm, tư gia họ Bạch luôn dập dìu khách viếng thăm.
Khi khách cáo biệt ra về, cụ Bưởi đều dặn gia nhân chuẩn bị một gói xôi dừa tặng cho khách với ý nghĩa chúc họ năm mới may mắn, phát tài.
Bà Quế Hương cho biết thêm, doanh nhân Bạch Thái Bưởi bận rộn quanh năm trên thương trường nhưng cuối năm cụ thường giành những ngày Tết bên gia đình, cùng mọi người đi chúc Tết, thăm hỏi họ hàng.
Với người giúp việc trong nhà, cụ cũng có phong bao đỏ lấy hên đầu năm mới thay cho lời cảm ơn.
Cuộc sống giàu có, sung túc tất nhiên bữa cơm thường thịnh soạn và đủ đầy nhưng cụ đặc biệt thích những món ăn giản đơn như cơm cá kho, cá nấu chua hay cả món tép rang.
Những hành động đó không chỉ thể hiện lối sống chuẩn mực, đạo đức và sự trân trọng quá khứ của cụ mà còn là bài học về sự giản dị, khiêm nhường của vị doanh nhân nức tiếng.
Bên cạnh sự nghiệp kinh doanh, cụ Bạch Thái Bưởi tham gia tích cực các hoạt động xã hội. Cụ được bầu làm Hội phó Hội Khai Trí Tiến Đức, di sản trụ sở hội nay là 79 Hàng Trống, cạnh Hồ Gươm. Cụ còn là người sáng lập ra Hội Hợp Thiện mục đích để hộ sinh, hộ tử, tế bần.