Điểm bất lợi tại ngôi nhà bị cháy ở Hà Nội làm chết 11 người

Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - Ngôi nhà nằm ở mặt đường lớn và xe chữa cháy dễ dàng tiếp cận. Ít phút sau khi đám cháy xảy ra lực lượng cảnh sát PCCC đã có mặt tại hiện trường. Tuy nhiên, khi đến nơi, họ đối mặt nhiều khó khăn.

Những cách chạy thoát rơi vào bế tắc

Khuya 18/12, anh Nguyễn Việt Cường (trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cùng một số người bạn đến quán cà phê ở số 258 Phạm Văn Đồng xem bóng đá.

Đang ngồi trong quán, anh Cường nghe thấy nhiều tiếng hô hoán ngoài cửa nên vội ngó ra ngoài. Chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì anh thấy ngọn lửa bao trùm toàn bộ cửa chính.

Vì từng được tập huấn kiến thức về phòng cháy, chữa cháy nên người đàn ông này biết chắc chạy ra bằng cửa chính sẽ không còn cơ hội sống sót. Trong giây phút quyết định, anh Cường vơ lấy chiếc khẩu trang bịt vào mũi, tìm cách chạy lên tầng 2.

Điểm bất lợi tại ngôi nhà bị cháy ở Hà Nội làm chết 11 người - 1

Ngôi nhà xảy ra hỏa hoạn đêm 18 rạng sáng 19/12 (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Tuy nhiên, lúc này ngôi nhà đã chìm trong bóng tối và khói đen đặc quánh. Không nhìn thấy đường, anh Cường chỉ còn cách nằm xuống sàn nhà mà lần mò ra cửa. May mắn, vừa đến cửa sổ anh được cảnh sát giải cứu.

Anh Cường là một trong số những nạn nhân may mắn sống sót trong vụ hỏa hoạn xảy ra tại ngôi nhà 258 Phạm Văn Đồng đêm 18 rạng sáng 19/12. 11 người khác có mặt cùng anh Cường tại ngôi nhà xảy ra cháy đã bị thiệt mạng.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, ngôi nhà cao 3 tầng, 1 tum, có diện tích mặt sàn khoảng 50m2, với mặt tiền rộng khoảng 5m nằm ngay mặt đường lớn.

Vì vậy, chỉ ít phút sau khi xảy ra hỏa hoạn, lực lượng chức năng đã có mặt triển khai công tác cứu nạn, cứu hộ. Việc tiếp cận hiện trường vụ cháy không quá khó khăn như đám cháy xảy ra ở trong ngõ ngách sâu như ở Trung Kính, Khương Hạ…  

Đến 23h40, Cảnh sát PCCC Công an Hà Nội và Công an các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân,... đã khống chế được ngọn lửa, đưa 7 người ra ngoài và phát hiện 11 người tử vong.

Anh Trần Ngọc Trọng Hiếu (Đội cứu hộ FAS Angel), người tham gia hỗ trợ lực lượng chức năng tại hiện trường vụ cháy cho biết, chỉ khoảng 10 phút sau khi đám cháy xảy ra lực lượng cảnh sát PCCC đã có mặt tại hiện trường vì ngôi nằm ở mặt phố lớn.

Tuy nhiên, khi đến nơi, lực lượng cứu hộ nhận thấy cửa chính - lối thoát của ngôi nhà đã bị lửa bịt kín. Hỏa hoạn từ các vật liệu dễ cháy như xăng dầu, xe máy… khiến lửa bùng lên dữ dội và lan sang ngôi nhà liền kề bên cạnh.

Phía sau của nhà bị cháy không có đường thoát, một bên hông nhà còn lại là bãi đất trống, người ở trên không có cách nào thoát xuống.

"Ở thời điểm ban đầu xảy ra cháy, nếu nạn nhân có đủ bình tĩnh thì việc thoát sang nhà liền kề bên cạnh khi đám cháy chưa quá lớn cũng có thể đem lại hy vọng", anh này nhận định.

"Những người thiệt mạng nằm ở tầng 1, cầu thang tầng 2 và tầng 3. Điều này cho thấy các nạn nhân đã cố chạy dọc cầu thang để lên tầng trên nhằm chạy thoát khi có hỏa hoạn xảy ra nhưng bế tắc", anh Hiếu nói.

Điểm bất lợi tại ngôi nhà bị cháy ở Hà Nội làm chết 11 người - 2

Vụ cháy cướp đi sinh mạng của 11 người (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Thiếu tá Lê Tiến Thành, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Bắc Từ Liêm, chia sẻ, ngay khi anh và đồng đội tới hiện trường, đám cháy đã lan sang ngôi nhà 3 tầng liền kề. Đây là căn nhà kinh doanh máy móc nông nghiệp.

Khói, khí độc từ các vật dụng, máy móc bốc cháy tại căn nhà liền kề với quán cà phê tỏa ra khiến lực lượng gặp nhiều khó khăn để tiếp cận điểm cháy.

Nhiều cấu kiện của căn nhà liền kề với quán cà phê bị thiêu rụi, kết cấu không ổn định, bị rơi, đổ cũng gây nguy hiểm cho các cán bộ chiến sĩ khi chữa cháy, chống cháy lan.

Ngôi nhà bị cháy có nhiều bất lợi

Kiến trúc sư Trần Ngọc Thạch, Công ty Kiến trúc SPNG cho hay, ngôi nhà ở Phạm Văn Đồng có nhiều điểm bất lợi khi xảy ra cháy.

"Ngôi nhà chỉ có một mặt tiền là nơi thoát hiểm nhưng lại bị lửa bao trùm. Công trình có vẻ thiếu hệ thống phòng cháy (gồm hệ thống báo khói và vòi xịt tự động trên trần hay bình chữa cháy). Không gian tập trung đông người, khách đến nhưng không nắm rõ không gian để chủ động thoát ra ngoài khi gặp sự cố", kiến trúc sư này nói.

Ngôi nhà bị cháy là dạng nhà ống. Theo kiến trúc sư Trần Ngọc Thạch, phần lớn nhà ống ở nước ta đều có chung đặc điểm là hẹp và sâu, thường chỉ có một mặt tiền.

Diện tích căn nhà nhỏ, ít mặt thoáng, không gian xung quanh thường là những ngôi nhà cao tầng san sát. Khi xây dựng chủ nhà thường không tính đến lối thoát hiểm khi có cháy.

Những vụ cháy nổ khi bắt nguồn từ khu vực nhà để xe hoặc nhà bếp, tầng 1 sẽ khiến lối thoát của căn nhà bị bịt kín. Điều này sẽ khiến các vụ hỏa hoạn dễ dẫn đến những thiệt hại thương tâm, ám ảnh.

Liên quan đến vụ hỏa hoạn tại các ngôi nhà ống, Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Bộ Công an chia sẻ trên Dân trí, trong các nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh thường có rất nhiều hàng hóa, vật dụng… được sắp xếp ở nhiều nơi trong nhà.

Thậm chí, đồ dùng, hàng hóa này còn bao trùm lên những khu vực có thiết bị điện, đặc biệt là thiết bị điện có khả năng sinh nhiệt...

Điểm bất lợi tại ngôi nhà bị cháy ở Hà Nội làm chết 11 người - 3

Lực lượng chữa cháy có mặt nhanh chóng sau khi hỏa hoạn xảy ra (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Chính vì vậy, khi xảy ra sự cố ngọn lửa sẽ nhanh chóng lan truyền vào các vật liệu, thiết bị dễ cháy. Từ đó đám cháy lan nhanh và phát triển thành đám cháy lớn.

Nhiều trường hợp hàng hóa sắp xếp tràn lan, chặn cửa thoát nạn, cầu thang thoát nạn... dẫn đến khi xảy ra sự cố, người bị nạn rất khó khăn trong việc vượt qua khu vực nguy hiểm để tới nơi an toàn.

Các lối thoát nạn, lối ra khẩn cấp tại tầng của những ngôi nhà dạng ống, nhà có chuồng cọp không đảm bảo…. Khi có cháy xảy ra, cầu thang bộ trở thành một ống khói, nạn nhân khi ra khỏi phòng lập tức sẽ hít phải khói độc, rất khó khăn cho việc thoát nạn.

Điểm bất lợi tại ngôi nhà bị cháy ở Hà Nội làm chết 11 người - 4

Những gì còn sót lại sau vụ cháy (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Các tầng nhà không có lối thoát nạn, không có ban công hay lối ra khẩn cấp. Nếu người bị nạn không có kỹ năng thoát hiểm cơ bản thì sẽ rất khó có thể thoát khỏi đám cháy một cách an toàn.

Từ kinh nghiệm hỗ trợ nhiều vụ cháy ở Hà Nội, anh Trần Ngọc Trọng Hiếu (Đội cứu hộ FAS Angel) đưa ra lời khuyên, mỗi người dân cần trang bị cho mình những kiến thức về phòng chống cháy nổ.

Đặc biệt, khi đến làm việc, sinh hoạt, gặp gỡ… ở các không gian lạ, không gian mới việc đầu tiên cần làm là quan sát các cửa thoát hiểm, nơi đặt các phương tiện chữa cháy.

"Đây là kỹ năng quan sát cần thiết đề phòng trường hợp nơi mình đến xảy ra hỏa hoạn, mất điện thì mình vẫn nắm được lối thoát hiểm, lối di chuyển trong nhà để thoát ra khỏi nơi nguy hiểm", anh Hiếu nói.

Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ Công an), ở đô thị rất phổ biến dạng nhà ống chỉ có một lối ra vào kiêm lối thoát hiểm, khi xảy ra cháy rất nguy hiểm. Chính vì vậy, khi phát hiện cháy người dân cần bình tĩnh suy xét, báo động cho tất cả mọi người mau chóng thoát ra ngoài.

Nếu cửa ra bị lửa khói bao trùm thì người dân cần tìm lối thoát khác như: qua ban công, qua cửa sổ sang nhà bên cạnh, dùng thang thoát xuống mặt đất, tìm lối thoát lên mái (nếu được).

Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, khi cháy, người dân tuyệt đối không được núp trong phòng hoặc nhà vệ sinh.

"Nếu buộc phải băng qua lửa, người dân hãy dùng chăn ướt quấn quanh người để thoát ra ngoài. Nếu phải băng qua khói, người dân hãy dùng khăn ướt che kín miệng mũi và cúi thật thấp để tránh ngạt khói, men theo tường rồi tới lối thoát an toàn. Biết cách thoát nạn, người dân có thể tự cứu được mình và mọi người", Cục Cảnh sát PCCC&CNCH thông tin.