Dịch vụ kỳ lạ ở Ấn Độ: Cho thuê chỗ ngủ vỉa hè
(Dân trí) - Giống như nhiều doanh nghiệp khác trong thành phố, việc cung cấp dịch vụ ngủ vỉa hè cũng có luật ngầm của nó. Khi màn đêm buông xuống, các khách hàng tự sắp xếp chỗ ngủ cho mình. Nhiều người chỉ ngủ ở duy nhất một vị trí trong nhiều năm.
Với ước tính khoảng 100.000 người vô gia cư đang sống trên đường phố Delhi, và 18.000 chỗ tạm trú, cuộc sống về đêm bên vỉa hè là nơi nghỉ ngơi duy nhất cho hơn 10 nghìn người lao động.
Một bộ phim tài liệu mới của Shaunak Sen “Thành phố của giấc ngủ” đã theo chân những người cho thuê chăn và khách hàng của họ trong suốt hai năm, quay về mùa hè nóng nực và mùa đông giá lạnh của Delhi để mang đến cho khán giả một cái nhìn bi thảm về cuộc sống của hơn 3.000 người lao động không nhà phải ngủ lề đường hàng năm trời. Farrukh Khan, một người làm dịch vụ cho thuê chỗ ngủ, hàng đêm nhận 20 rupee để cung cấp một chỗ ngả lưng trên vỉa hè cho những người lao động nghèo khổ. Nếu ai không có tiền, họ sẽ phải tự kiếm vật liệu để nhóm những đống lửa và nép chặt vào nhau chờ trời sáng. Từ nhu cầu này, Delhi đã hình thành ra một thị trường ngầm với tên gọi “mafia vỉa hè”, nơi kiểm soát ai ngủ ở đâu, ngủ trong bao lâu và ngủ như thế nào.
Những người công nhân lao động này hai lần khốn khổ: Không chỉ không có nhà, họ còn không thể tìm được một nơi để gửi đồ. Không có một chỗ nào để cất giữ một tấm chăn, họ bắt buộc phải trả vài rupee mỗi đêm để thuê một hợp đồng trọn gói để nhận được một chỗ ngủ, một cái chăn bẩn thỉu và trong đó có cả tiền để người cho thuê hối lộ cảnh sát và đút cho những kẻ cướp vặt để khách hàng của mình không bị móc túi nốt những đồng xu ít ỏi.
Trình chiếu vào tháng Mười Một tại Liên hoan phim Mumbai, Ấn độ, bộ phim đưa ra các khía cạnh khác nhau trong việc kinh doanh “giấc ngủ”. Ranjit, một người cung cấp dịch vụ tử tế chỉ lấy có 10 rupee một đêm, trong khi một ông chủ cứng rắn khác Jamaal, lại sẵn sàng tăng giá từ 30 lên 50 rupee khi nhiệt độ giảm xuống vào mùa đông. “Giấc ngủ là nhu cầu thiết yếu của mọi người, không ai có thể cưỡng lại nó”, Jamaal nói, “Chúng tôi là những người đầu tiên nhìn thấy lợi ích từ việc kinh doanh giấc ngủ”.
Giống như nhiều doanh nghiệp khác trong thành phố, việc cung cấp dịch vụ ngủ vỉa hè cũng có luật ngầm của nó. Trong khu phố của ông Khan, bốn nhà cung cấp chia nhau các vỉa hè và không gian công cộng. Khi màn đêm buông xuống, các khách hàng tự sắp xếp chỗ ngủ cho mình. Nhiều người chỉ ngủ ở duy nhất một vị trí trong nhiều năm.
Trong số những khách hàng của ông Khan, có Mohammad Sajid một người cụt chân vì bệnh bại liệt phải chia sẻ chăn với một người đàn ông khác cũng bị bại liệt làm nghề rửa bát. Họ đã bị mất việc hai tuần trước và số tiền tiêu hàng ngày của họ vì thế cũng bị giảm đi đến mức tối thiểu: 2 rupee để sử dụng nhà vệ sinh công cộng, 5 rupee để tắm, 5 rupee khác cho nửa tác trà và 10 rupee để trả tiền cho nửa cái chăn. Chính vì những mảnh đời khốn khổ này mà ông Khan nói rằng, ông có cảm giác như mình đang làm từ thiện và nhiều người sẽ chết nếu ông không tiếp tục dịch vụ cho thuê chỗ ngủ như hiện nay.
Tình trạng chết khi ngủ vỉa hè không phải chưa từng có. Ông Khan đã từng phải đối mặt với việc khi cố gắng đánh thức một người đang ngủ bằng cách kéo tấm chăn của anh ta ra, thì bàn chân người đàn ông này đã cứng đơ và lạnh ngắt. Không ai biết người đàn ông này là ai. Khan đắp một tấm chăn lên xác của anh ta và cái xác đó nằm nguyên trên vỉa hè đến tận hoàng hôn, cho đến khi các công nhân nhà xác đến đưa nó đi.
Các trường hợp chết vỉa hè như thế này buộc Tòa án Nhân dân tối cao Ấn độ vào năm 2010, yêu cầu các thành phố lớn phải cung cấp nơi trú ẩn cho 0,1 phần trăm dân số của thành phố. Trong mùa đông này, Delhi đã mở rộng hệ thống tạm trú lên 18 nghìn người, nhưng số người vô gia cư ở đây ước tính là hơn 100 nghìn người, nên tình trạng ngủ vỉa hè chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục còn tồn tại trong thời gian rất dài.
T.H (Tổng hợp)