Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương hoang phế, phải chống đỡ
(Dân trí) - Được xây dựng từ thế kỷ thứ IX, Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương thuộc địa phận huyện Thăng Bình, Quảng Nam từng được xem là lớn nhất Đông Nam Á, hiện xuống cấp nghiêm trọng.
Phế tích Phật viện Đồng Dương
Phật viện Đồng Dương thuộc địa phận làng Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt vào tháng 12/2019.
Theo tài liệu, Phật viện Đồng Dương được vua Indravarman II xây dựng vào năm 875 để thờ vị Bồ tát bảo hộ cho vương triều là Laksmindra - Lokesvara.
Đây là một trong những tu viện Phật giáo của vương quốc Chămpa, thuộc vào hàng tu viện lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ.
Theo bia ký, năm 875 do lòng tin vào Phật giáo, nhà vua đã cho dựng lên một Phật viện (Vihara) và đền thờ Laksmindra Lokesvara Svabhayada. Trên bia ký còn nói đến cõi cực lạc (svargapura) hay "đô thị giải phóng" (moksapura), nơi "trú ngụ" của Phật (Buddhapada).
Năm 1901, nhà nghiên cứu người Pháp L.Finot trong đề tài công bố của mình về vấn đề di tích Đồng Dương đã giới thiệu 229 hiện vật được phát hiện, nổi bật nhất là bức tượng Phật đứng bằng đồng cao hơn 1m, được các nhà khoa học nhận định chung bức tượng này hoàn hảo của khu vực Đông Nam Á.
Đến năm 1902, nhà nghiên cứu H.Parmentier tiến hành khai quật trên một quy mô lớn tại Phật viện Đồng Dương. Cuộc khai quật này đã thu hút các nhà nghiên cứu, đánh giá đây là một trong những di tích quan trọng của khu vực Đông Nam Á.
Theo khảo tả của H.Pramentier, toàn bộ khu đền thờ chính và các tháp nằm lân cận phân bố trên một trục từ tây sang đông, dài khoảng 1.300m; khu đền thờ chính nằm trong một khu vực hình chữ nhật dài 326m, rộng 155m, chung quanh có tường gạch bao bọc; từ khu đền chính có một con đường dài khoảng 760m chạy về phía đông đến một thung lũng hình chữ nhật.
Ngoài phần chánh điện được phát hiện hệ thống nền gạch của một khu tăng xá, giảng đường nối nhau trên một chu vi rộng lớn, những viên ngói dùng lợp cho các khu xây dựng cũng được phát hiện rải rác, chứng minh đây là mô hình Phật viện khép kín rất lý tưởng cho công cuộc đào tạo tăng tài.
Di tích Phật viện Đồng Dương chỉ còn duy nhất tháp Sáng và đang được chống đỡ bằng cách quây sắt chằng chịt. Lối dẫn vào khu di tích và ngay khu vực tháp Sáng, cỏ dại mọc um tùm, trông nhếch nhác.
Lãnh đạo xã Bình Định Bắc cho biết, chính quyền địa phương chỉ có vai trò quản lý về mặt hiện trạng và tuyên truyền người dân không xâm hại di tích quốc gia này.
Thời gian qua, địa phương đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng sớm có biện pháp bảo vệ khẩn cấp phần kiến trúc còn sót lại, đặc biệt là tháp Sáng, với mục đích Phật viện Đồng Dương sẽ là di tích khảo cổ quan trọng trong tương lai.
Cần nhiều kinh phí để bảo tồn, phục dựng
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam - cho biết, Phật viện Đồng Dương mặc dù là Di tích cấp quốc gia đặc biệt nhưng gần như là phế tích, chỉ còn mỗi tháp Sáng cũng đang xuống cấp.
Theo ông Hồng, toàn bộ thông tin về giá trị của Phật viện Đồng Dương chủ yếu căn cứ vào các tư liệu nghiên cứu của Viện Viễn đông Bác cổ, các chuyên gia người Pháp để lại và qua nhiều hội thảo khoa học của các chuyên gia, nhà nghiên cứu...
Cũng theo Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, cần phải có một dự án quy hoạch tổng thể về bảo tồn và phát huy giá trị di tích, tuy nhiên muốn có dự án lớn phải đi từ các dự án thành phần.
Đầu tiên là di dời hơn 120 ngôi mộ đang nằm trong vùng lõi; bồi thường đất sản xuất lâu đời của nhân dân nằm trong vùng lõi để khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thực hiện dự án khảo cổ, khai quật, thám sát..., rồi lập quy hoạch tổng thể.
"Hiện nay, tỉnh đã có kinh phí và đang trình xin Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thẩm định hồ sơ trùng tu cấp thiết tháp Sáng để chống sập đổ, dự kiến năm 2025 sẽ bố trí nguồn thực hiện di dời mộ và bồi thường đất sản xuất cho nhân dân", ông Nguyễn Thanh Hồng nói.