Di tích đặc biệt hoang phế, phải chống đỡ: Trình phương án phục hồi
(Dân trí) - 12 tỷ đồng là số tiền tỉnh Quảng Nam dự kiến chi để tu bổ, gia cố, phục hồi và phát huy giá trị tháp Sáng, thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương.
Ngày 23/10, UBND tỉnh Quảng Nam trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nghiên cứu khả thi dự án tu bổ, gia cố, phục hồi và phát huy giá trị tháp Sáng thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình.
Dự kiến, tỉnh Quảng Nam đầu tư 12 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, để tu bổ, gia cố, phục hồi Phật viện Đồng Dương, giai đoạn 2023-2025.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, mục tiêu là bảo tồn, tu bổ tháp Sáng nhằm phục hồi, ổn định lâu dài cho cấu trúc kiến trúc; góp phần bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương.
Theo tài liệu của nhà nghiên cứu H.Parmentier vào đầu thế kỷ XX, Phật viện Đồng Dương có 3 tổ hợp chính trải rộng trên chiều dài 1.300m, theo trục đông - tây, được phân bố thành 3 khu tường bao vuông vức, gọi là khu I, II và III.
Kiến trúc của Phật viện Đồng Dương bộc lộ sự phát triển hoàn chỉnh của kỹ thuật cấu trúc đền tháp Chămpa với những ảnh hưởng mới tiếp thu từ các nền nghệ thuật láng giềng và có thể của vùng Nam Ấn.
Những xu hướng mới này đã góp phần cách tân kỹ thuật xây dựng, cụ thể là việc kết hợp thành thạo những bộ phận chịu lực bằng sa thạch với tường và mái tháp bằng gạch trong cùng một công trình. Kỹ thuật xây dựng này đã được kế thừa và phát triển toàn mỹ hơn trong các giai đoạn kiến trúc đền tháp kế tiếp từ đầu thế kỷ X trở đi.
Di tích Phật viện Đồng Dương nằm trên địa phận làng Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 65km, cách thành phố Hội An khoảng 38km về phía tây nam.
Phật viện Đồng Dương là một khu di tích đặc biệt quan trọng trong lịch sử mỹ thuật, văn hóa và tôn giáo Chămpa, là khu di tích có quy mô và giá trị to lớn nhưng trải qua thời gian, biến động thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá nặng nề của thiên nhiên, chiến tranh và con người nên khu di tích này đã trở thành phế tích.
Hiện nay rất khó nhận diện được khu vực đã từng tồn tại một quần thể di tích kiến trúc rộng lớn, đồ sộ với dày đặc phế tích của các công trình kiến trúc đền tháp gạch, cùng với các hiện vật khảo cổ như đã từng được biết qua các tấm hình được các nhà nghiên cứu người Pháp ghi lại tại Đồng Dương vào đầu thế kỷ XX.
Như Dân trí phản ánh, Phật viện Đồng Dương là di tích khảo cổ học. Năm 2019, Phật viện Đồng Dương nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt. Qua thời gian và chiến tranh, Phật viện Đồng Dương đã bị tàn phá nặng nề.
Hình ảnh giúp nhận dạng khu vực Di tích Phật viện Đồng Dương hiện nay chỉ còn lại một mảng tường thuộc về phế tích kiến trúc được gọi tên là tháp Sáng; nằm giữa vùng đất mấp mô, chính là các đống vật liệu đổ nát đang bị vùi lấp dưới cỏ cây, thực vật dày đặc.