Đem chuyện nhà “cầu cứu” mạng xã hội

Làm gì để đối phó với mẹ chồng “quái tính”, có nên ly hôn khi vợ không thích làm dâu… những vấn đề được không ít người nhờ “chuyên gia” mạng xã hội tư vấn.

Mẹ chồng-nàng dâu đại chiến vì “chuyên gia ảo”

“Mọi người ơi, mẹ chồng em rất “quái tính”, cuộc sống của em ngạt thở từng ngày. Hàng ngày em không dám nói, cười theo cảm xúc của mình, làm gì cũng phải nhìn thái độ của bà. Xin hãy chỉ cho em cách đối phó với mẹ chồng với ạ…”, “Con do em sinh ra mà không được quyền chăm sóc theo ý mình. Mẹ chồng luôn bắt em phải nuôi con theo kiểu của bà. Nhiều lần con ốm, em muốn đưa đi viện khám nhưng mẹ chồng cứ bắt ở nhà chữa theo thuốc dân gian. Em có nên xin ra ngoài sống riêng để được tự do nuôi dạy con không…”. “Chồng là của em nhưng em lại không có quyền nhờ vả, “chỉnh đốn”. Cứ mỗi lần em la rầy chồng là mẹ chồng quát mắng em thậm tệ, bảo chỉ có bà mới có quyền “dạy dỗ”, sai khiến anh ấy chứ chưa đến lượt em. Em phải làm thế nào bây giờ????”… Đây là rất nhiều tâm sự của các nàng dâu trẻ đăng lên mạng xã hội nhờ mọi người tư vấn để tìm ra lối thoát cho những vấn đề vướng mắc trong mối quan hệ mẹ chồng-nàng dâu.

 

Đem chuyện nhà “cầu cứu” mạng xã hội - 1

Ảnh minh họa

Mẹ chồng của một trong số nàng dâu trẻ là “tín đồ” của mạng xã hội tìm đến Văn phòng Tâm Giao bức xúc: Tôi vốn là cô nuôi dạy trẻ có nhiều kinh nghiệm, nhưng con dâu không tin tưởng lại luôn nghe theo mạng, bảo thời hiện đại phải nuôi con theo khoa học chứ không theo dân gian như thời của tôi. Tôi muốn con dâu cho cháu bú trực tiếp thì cũng “nghe người ta nói trên mạng” nên vắt sữa vào bình cho con bú vì sợ… hỏng ngực. Gần đây nhất, thằng bé nóng sốt, bụng trướng lên, tôi giục hai vợ chồng nó đưa cháu đi viện khám thì nó vạch bụng con ra chụp rồi đưa lên mạng hỏi mọi người giờ nên làm thế nào. Sau đó nó ngồi “canh phây” xem người ta tư vấn thế nào chứ không đưa con đi viện ngay. Tôi phải lớn tiếng, nó mới chịu đưa con đi khám.

Đừng “đẽo cày giữa đường” hạnh phúc

Anh chồng làm nghề hướng dẫn viên du lịch, cô vợ làm kế toán, cả hai đang trong thời kỳ “vàng son” của hôn nhân. Đùng một hôm, anh chồng tuyên bố về nhà bố mẹ đẻ ly thân với vợ rồi viết đơn ly hôn. Nội ngoại hai bên tá hỏa điều tra mới biết nguyên nhân xuất phát từ việc cô vợ tin tưởng mạng xã hội hơn cả chồng.

Trong cuộc họp gia đình, cô vợ khóc thút thít bảo mọi chuyện bắt nguồn từ một vật kỷ niệm là chiếc khăn của người Mông Cổ do một hàng khách tặng chồng. Thấy chồng rất nâng niu chiếc khăn đó nên cô đã chụp ảnh rồi đăng thắc mắc lên mạng xã hội: “Chồng em giữ kỷ niệm của một khách nữ cẩn thận thế này có phải đã “có gì” với người ta?”.

Không ngờ, rất nhiều người vào bình luận, trong đó không ít người khẳng định việc làm đó của anh chồng là đã có vấn đề. Các “chuyên gia ảo” còn mách cô cách thử chồng. Cô áp dụng, thấy chồng có những biểu hiện “na ná”. Bấy giờ lòng ghen tuông của cô nổi lên khiến vợ chồng bất hòa, mâu thuẫn ngày càng căng thẳng. Kết quả, anh chồng không chịu được bèn đòi ly hôn.

Chuyên gia tâm lý Thanh Tùng (Trung tâm tư vấn HNGĐ) cho rằng tình trạng mang chuyện nhà lên mạng xin tư vấn của các vợ chồng trẻ hiện nay rất phổ biến, đặc biệt là các chị em. Bởi họ là thế hệ được sinh ra và lớn lên trong thời đại công nghệ nên mạng xã hội gắn liền với cuộc sống của họ.

Trong khi đó, đa số giới trẻ hiện nay bước vào cuộc sống hôn nhân chủ động về tình yêu nhưng bị động về các kỹ năng làm vợ/chồng, làm dâu/rể, làm bố/mẹ. Do đó khi gặp phải khó khăn không biết cách tháo gỡ, họ lên mạng chia sẻ, tâm sự. Ưu điểm của mạng xã hội là ngay trong chốc lát có thể tạo hiệu ứng đám đông đồng cảm, động viên khiến khổ chủ cảm thấy được an ủi. Nhưng nó cũng mang lại sự bất cập khi khổ chủ xem sự chia sẻ đó giống như những “ý kiến tư vấn của chuyên gia”, liền vận dụng cho vấn đề của mình.

Số đông chỉ dựa vào lời bức xúc của chủ nhân về sự tệ bạc mẹ chồng, vợ/chồng, người thân mà không hiểu được hoàn cảnh cụ thể của sự bức xúc đó như thế nào nhưng vẫn đưa ra lời khuyên. Điều này vô hình trung dẫn khổ chủ vào tình cảnh mang hạnh phúc, chuyện nhà của mình lên cho đám đông mổ xẻ, tư vấn, rồi giải quyết kiểu “đẽo cày giữa đường”, dẫn đến việc càng gỡ càng rối. Tất nhiên chúng ta không phủ định lợi ích của mạng xã hội, nhưng trước những tư vấn được nhận, người trong cuộc cần bình tĩnh, suy xét đúng, sai. Nếu bản thân gặp vấn đề, hạnh phúc bế tắc, mâu thuẫn gia đình không thể tháo gỡ, tìm đến các chuyên gia có uy tín để được tư vấn tháo gỡ thay vì cầu cứu bạn ảo, đám đông trên mạng xã hội – chuyên gia Thanh Tùng nói.

Theo Hạ Thi

Phụ nữ Thủ đô