Đề xuất nam giới được nghỉ làm để chăm con dưới 6 tháng tuổi
(Dân trí) - Nam giới được nghỉ làm để chăm con dưới 6 tháng tuổi, khuyến khích doanh nghiệp tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo với sự hỗ trợ của Nhà nước là hai trong số những giải pháp được đề xuất đưa vào Bộ Luật Lao động (sửa đổi).
Đề xuất nam giới được nghỉ làm để chăm con dưới 6 tháng tuổi
Trong báo cáo đánh giá tác động của chính sách bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới của người lao động để tham vấn thúc đẩy bình đẳng giới trong Sửa đổi Bộ luật Lao động của Việt Nam, nhóm chuyên gia của Investing in Women đến từ Úc đã chỉ ra một số vấn đề trong Bộ luật Lao động cũng như những thách thức trong quá trình thực thi làm giảm quyền của phụ nữ và giảm hiệu quả của việc thúc đẩy bình đẳng giới.
Cụ thể, theo các chuyên gia trong Bộ luật Lao động năm 2012, chỉ quy định Lao động nữ được nghỉ hưởng trợ cấp Bảo hiểm xã hội khi thực hiện các biện pháp tránh thai, nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi, chăm sóc con dưới 07 tuổi ốm đau.
Trong khi đó, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã quy định các chế độ thai sản (khi thực hiện các biện pháp tránh thai, khi sinh con, nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi) và chế độ ốm đau (chăm sóc con dưới 7 tuổi ốm đau) áp dụng cho người lao động cả nam và nữ.
Sự thiếu đồng bộ trên dẫn đến việc, nhiều lao động nam và người sử dụng lao động không biết quyền của lao động nam được nghỉ hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội về thai sản hoặc ốm đau trong các trường hợp trên. Trong thực tế đã có những trường hợp người sử dụng lao động từ chối giải quyết cho người lao động nam nghỉ việc để chăm sóc con nhỏ ốm đau.
Nhóm chuyên gia này đề xuất giải pháp: "Người lao động có quyền nghỉ hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội khi thực hiện biện pháp tránh thai, sinh con, nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi, chăm sóc con dưới 7 tuổi ốm đau phù hợp với pháp luật Bảo hiểm Xã hội".
Giải pháp này được đề xuất xét từ mục tiêu bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới giữa lao động nam và nữ trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ sinh sản và chăm sóc con nhỏ đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam, tổng hợp và so sánh tác động kinh tế, xã hội, giới, thủ tục hành chính và hệ thống pháp luật của các phương án.
Đồng thời, các chuyên gia này cũng cho rằng cần bổ sung nội dung khẳng định quyền được nghỉ và hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam: "Lao động nam khi vợ sinh con được nghỉ thai sản, hưởng trợ cấp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội".
Mặc dù lao động nam có thể còn ngần ngại khi thực hiện quyền của mình nhưng việc khẳng định quyền của họ có một ý nghĩa quan trọng trong bảo đảm bình đẳng giới, xóa bỏ các định kiến xã hội trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nam giới cũng như chia sẻ các gánh nặng trong chăm sóc con cái.
Khuyến khích doanh nghiệp tổ chức nhà trẻ
Một đề xuất đáng chú ý của nhóm chuyên gia Investing in Women cần đưa vào Bộ Luật lao động là: "Người sử dụng lao động được khuyến khích tham gia tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo và hỗ trợ một phần kinh phí gửi trẻ, mẫu giáo của người lao động. Chi phí của người sử dụng lao động khi thực hiện các biện pháp này và các biện pháp bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới khác được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước theo pháp luật về thuế".
Các chuyên gia cho rằng, trước nhu cầu bức thiết của người dân lao động, nhiều nhóm trẻ gia đình không phép đã ra đời trong điều kiện không đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, bảo vệ cho sự an toàn tính mạng, vệ sinh an toàn thực phẩm và các yêu cầu chuyên môn tối thiểu, gây tác hại đến phát triển thể chất, tinh thần của trẻ em. Ngoài ra, mức phí trông giữ trẻ thường rất cao, vượt quá sức chịu đựng của đội ngũ công nhân lao động vốn đã có mức sống thấp… Thực trạng này đặt ra một vấn đề về việc nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong việc tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động, đặc biệt là các lao động nữ.
Theo các chuyên gia, người sử dụng lao động có nghĩa vụ giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động. Đồng thời bổ sung quy định rõ, khi thực hiện các biện pháp bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới, người sử dụng lao động được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định.
Những chi phí của doanh nghiệp hỗ trợ cho xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động được tính là chi phí hợp lý trong sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, trong bối cảnh sửa đổi Bô luật Lao động , cần hoàn thiện khái niệm quấy rối tình dục tại nơi làm việc và các quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động, cơ quan quản lý nhà nước về lao động trong phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; xác định phạm vi các nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết (về hành vi, hình thức quấy rối tình dục tại nơi làm việc, quy trình, thủ tục và trách nhiệm phát hiện, xử lý các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc) tạo khung pháp luật về phòng chống quấy rối tình dục tại nới làm việc.
Trước đó, nhằm phần thúc đẩy các nguyên tắc và chính sách bình đẳng giới trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động 2012, Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) đã thông qua Dự án Investing in Women tài trợ cho Nhóm chuyên gia của tổ chức này để thực hiện Báo cáo đánh giá tác động của chính sách bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới của người lao động để tham vấn về thúc đẩy bình đẳng giới trong Sửa đổi Bộ luật Lao động của Việt Nam.
Ngày 19/10 tới, Hội thảo tham vấn về thúc đẩy bình đẳng giới trong Sửa đổi Bộ luật Lao động của Việt Nam sẽ được Bộ Lao động Thương binh xã hội Việt Nam, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam, Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT), Tổ chức UN Women, Tổ chức Investing in Women đồng tổ chức tại Hà Nội.
Hiệp Nguyễn