Bến Tre:

Dè xẻn từng giọt "nước vàng" qua mùa hạn, mặn khốc liệt

(Dân trí) - Mùa hạn hán, xâm nhập mặn năm nay trên địa bàn tỉnh Bến Tre có gần 1 triệu người phải sống chung với nước mặn. Trong đó, thiếu nước gay gắt nhất là các hộ dân ở vùng ven biển nên phải xài dè xẻn từng giọt nước ngọt.

Hơn 1 tháng nay, gia đình bà Nguyễn Thị Hạnh (ngụ ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) chấp nhận lấy nước dưới kênh có độ mặn 2 phần ngàn để dùng cho việc tắm giặt, sinh hoạt. Hơn chục lu chứa nước của gia đình chỉ còn phân nửa để dành cho việc nấu ăn và uống. Bà Hạnh cho biết: “Vùng này đã ngọt hóa nhưng năm nay xâm nhập mặn khủng khiếp làm cho lúa chết khô, con người thì thiếu nước ngọt để sử dụng. Hiện tại chỉ còn mấy lu nước mưa để nấu ăn nên xài rất tiết kiệm để cho qua mùa khô”.

Dè sẻn từng giọt nước ngọt cho qua mùa hạn, mặn

Theo bà Hạnh, nước mưa sau khi vo gạo để nấu cơm thì được tận dụng lại để cho bò uống còn rửa rau thì buộc phải rửa nước mặn sau đó để cho ráo mới sử dụng nhằm làm giảm độ mặn. Tắm với nước mặn nên người lúc nào cũng ngứa rất khó chịu.

Người dân xài nước rất dè xẻn
Người dân xài nước rất dè xẻn
Tiết kiệm từng giọt nước
Tiết kiệm từng giọt nước

Ở vùng nước mặn huyện Bình Đại (Bến Tre) người dân cũng rất quý nước mưa, hầu như chỉ dùng cho việc uống, nấu cơm, nấu canh. Bên hông nhà của ông Nguyễn Văn Dơn (ngụ ấp 4, xã Bình Thới, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) là một hàng 8 chiếc lu nằm kế bên nhau để chứa nước. Đặc biệt kế bên là túp lều lợp lá giống như chuồng vịt bên trong dùng tấm nhựa bao xung quanh để làm bồn chứa nước. Tuy đã làm hết cách nhưng giờ gia đình ông chỉ còn lượng nước mưa rất ít ỏi. Ông Dơn cho biết: “Bây giờ nước mưa đã cạn gần hết chỉ ưu tiên đứa cháu nội mới 6 tháng tuổi mới được tắm 1 ca mỗi ngày còn lại thì phải sử dụng nước sông nhiễm mặn”.

Bồn chứa nước như chuồng vịt của gia đình bà Lan
Bồn chứa nước như chuồng vịt của gia đình bà Lan

Do ở giáp ranh giữa nước mặn và vùng ngọt hóa nên mỗi ngày bà Nguyễn Thị Lan (vợ ông Dơn – PV) phải chạy xe chở từng can nhựa về để sử dụng. Bà Lan cho biết: “Mùa nước mặn này tôi mua 2 can nhựa mỗi can 30 lít để dành chở nước ngọt về nhà sử dụng. Ở ngay tại nhà nước mặn tới 10 phần ngàn nhưng qua bên kia con lộ là vùng ngọt hóa của sông Ba Lai độ mặn chỉ 1 đến 2 phần ngàn nên chở về dùng tạm”.

Dè xẻn từng giọt "nước vàng" qua mùa hạn, mặn khốc liệt - 4
Dè xẻn từng giọt "nước vàng" qua mùa hạn, mặn khốc liệt - 5
Những bình nhựa được người dân sử dụng để vận chuyển nước ngọt
Những bình nhựa được người dân sử dụng để vận chuyển nước ngọt

Ông Hồ Văn Út, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa (Ba Tri, Bến Tre) cho biết: “Năm nay hạn hán, xâm nhập mặn rất gay gắt không chỉ gây thiệt hại cho cây trồng mà rất nhiều hộ dân thiếu nước sinh hoạt nên phải sử dụng nước sông có độ mặn cao. Một số ít hộ khá giả sắm nhiều lu hay xây hồ chứa bằng xi măng thì có thể trữ nước mưa để sử dụng còn hộ nghèo đành mua nước giếng với giá cao nên sử dụng rất tiết kiệm”.

Mỗi xe nước người dân phải mua với giá 150.000 đồng nên xài rất tiết kiệm
Mỗi xe nước người dân phải mua với giá 150.000 đồng nên xài rất tiết kiệm
Nguồn nước ngọt rất quý đối với dân vùng hạn, mặn
Nguồn nước ngọt rất quý đối với dân vùng hạn, mặn

Những ngày này, ở vùng ven biển tỉnh Bến Tre, đi đến đâu người dân cũng bàn tán chuyện nước ngọt, chuyện giá nước đang đắt như “cắt cổ”. Bây giờ hộ dân nào cũng ráng tiết kiệm từng chút một những giọt nước mưa cuối cùng cho việc uống, nấu ăn còn việc sinh hoạt thì đành phải sử dụng nước mặn để cho qua mùa hạn hán, xâm nhập mặn được xem là khốc liệt nhất trong vòng 100 năm qua.

Minh Giang