Dễ ở tù vì chơi Flycam nhưng vẫn nhiều người ham
Mốt chơi Flycam (thiết bị bay không người lái) để chụp ảnh, quay phim giải trí đang nở rộ trong giới trẻ và giới nhiếp ảnh tại nhiều thành phố lớn ở nước ta. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, khi sử dụng trái phép món đồ chơi công nghệ cao này, chủ nhân của chúng dễ bị phạt, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự đến mức phải đi “bóc lịch”.
Giật mình sau những phút giây khoái chí
Vài năm trở lại đây, Flycam đã không còn xa lạ với không ít người dân Việt Nam nhất là giới chụp ảnh và dân mê công nghệ. Đặc biệt là sau khi những thước phim đẹp đến mê hồn về hang Sơn Đoòng ở Quảng Bình được các nhà quay phim quốc tế quay, phát trên truyền hình Mỹ bằng thiết bị bay không người lái đã khiến Flycam càng trở nên được săn lùng nhiều hơn. Trên các trang báo điện tử, diễn đàn, mạng xã hội… những bức ảnh, thước phim đẹp đến ngỡ ngàng về cảnh vật ở Việt Nam được quay, chụp bằng Flycam đã khiến nhiều độc giả phải ngỡ ngàng. Khác biệt với những góc ảnh, góc quay truyền thống, Flycam mang lại sự mới mẻ với những thước phim, bức ảnh được ghi hình từ trên cao.
Chính những hình ảnh hút hồn nêu trên đã tạo ra một cơn sốt mới về việc nhập, mua bán, sử dụng thiết bị bay hiện đại có chức năng quay phim, chụp ảnh này. Giá Flycam khá đa dạng và phù hợp với nhiều đối tượng người chơi tùy vào túi tiền. Theo quảng cáo của các chủ hàng, Flycam có giá giao động từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu đồng/bộ. Thời điểm mới manh nha cách đây vài năm, số tiền để người mê công nghệ bỏ ra sở hữu một bộ thiết bị bay này phải trên 40 - 50 triệu đồng. Đến nay, giá đã giảm khá nhiều. Giá giảm, kéo theo lượng người mua, sử dụng ngày càng tăng. Và ít ai biết rằng, cả người bán lẫn người mua sử dụng đang lao vào một cuộc chơi phạm luật. Nhiều người chơi đã phải giật mình sau những phút giây khoái chí.
Theo luật sư Vũ Thái Hà, Cty TNHH luật YouMe (Kim Mã, Hà Nội), chế tài quản lý thiết bị bay này chính là Nghị định số 36/2008/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 28/3/2008. Đối tượng nằm trong diện điều chỉnh là các tổ chức, cá nhân người Việt và nước ngoài ở Việt Nam có hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất, kinh doanh tàu bay không người lái và các loại phương tiện bay siêu nhẹ; các tổ chức, cá nhân sử dụng tàu bay không người lái, khí cầu bay không người điều khiển, mô hình bay, khí cầu có người điều khiển để thực hiện các chuyến bay trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá, thể thao, nghiên cứu khoa học. Nghị đình này quy định rõ, các tổ chức, cá nhân vi phạm tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Muốn bay không phạm luật phải làm gì?
Luật sư Phạm Ngọc Minh, Cty TNHH luật Everest (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, theo quy định của Nghị định 36, tổ chức, cá nhân khi tổ chức hoạt động bay phải có trách nhiệm làm thủ tục xin phép bay trước khi tổ chức các hoạt động bay, dự báo, thông báo bay trước ngày bay theo quy định. Nắm vững các quy định, nội dung của việc tổ chức, thực hiện hoạt động bay trong vùng trời Việt Nam. Tuân thủ các quy định, điều kiện, giới hạn được nêu trong phép bay. Chấp hành nghiêm hiệu lệnh đình chỉ bay và báo cáo kết quả về của cơ quan quản lý điều hành bay và giám sát các hoạt động bay. Phải bồi thường theo nếu để xảy ra mất an toàn hàng không, gây thiệt hại cho người, tài sản dưới mặt đất.
Cá nhân, tổ chức muốn bay phải có đầy đủ hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp phép bay. Theo đó, phải có đơn đề nghị cấp phép bay theo mẫu; Tài liệu kỹ thuật về phương tiện bay, bao gồm ảnh chụp kiểu loại tàu bay hoặc phương tiện bay và bản thuyết minh tính năng kỹ thuật hàng không của loại tàu bay hoặc phương tiện bay đó; Giấy phép hoặc giấy uỷ quyền hợp pháp cho phép tàu bay, phương tiện bay thực hiện cất cánh, hạ cánh tại sân bay, khu vực trên mặt đất, mặt nước; Các giấy tờ, tài liệu khác liên quan đến tàu bay, phương tiện bay. 14 ngày trước ngày dự kiến tổ chức thực hiện các chuyến bay, các tổ chức, cá nhân nộp đơn đề nghị cấp phép bay đến Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu. Đơn vị được quy định có quyền cấp phép, từ chối, đình chỉ hoạt động bay là Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng - số 1 Nguyễn Tri Phương (Ba Đình, Hà Nội).
Cùng đó, người chơi muốn tránh các lỗi vi phạm khiến bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải nắm rõ các quy định cấm bay sau: Bay khi chưa có phép bay; Bay không đúng khu vực, điều kiện, giới hạn quy định. Vi phạm các quy định về quản lý lãnh thổ, biên giới quốc gia; Mang chở các chất phóng xạ, chất cháy, chất nổ trên tàu bay hoặc phương tiện bay; Phóng, bắn, thả từ trên không các loại vật, chất gây hại hoặc chứa đựng nguy cơ gây hại; Lắp các thiết bị và thực hiện việc quay phim, chụp ảnh từ trên không khi không được phép; Treo cờ, biểu ngữ, thả truyền đơn phát loa tuyên truyền ngoài quy định của cấp phép bay; Không chấp hành các lệnh, hiệu lệnh của cơ quan quản lý điều hành và giám sát hoạt động bay.
Hai Bộ Quốc phòng và Công an chấp thuận thì mới được cấp phép kinh doanh
Quy định về nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất, kinh doanh tàu bay không người lái và các loại phương tiện bay siêu nhẹ cho thấy, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép cho các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, thực hiện thiết kế, sản xuất, thử nghiệm, kinh doanh các loại tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ chỉ được cấp phép sau khi đã có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, thực hiện thiết kế, sản xuất, thử nghiệm, kinh doanh các loại tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ phải có công văn đề nghị Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chấp thuận trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Theo Gia đình & Xã hội