Đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt, tăng tốc phát triển thương mại điện tử

Trường Thịnh

(Dân trí) - Đa dạng các hình thức thanh toán, tăng cường tính bảo mật là giải pháp hữu hiệu để phổ cập thanh toán không tiền mặt, tăng tốc phát triển thị trường thương mại điện tử trong bối cảnh hiện nay.

Giải pháp thanh toán hướng tới "mục tiêu kép" trong bối cảnh đại dịch

Sáng 5/11, UBND TP Hà Nội giao Sở Công Thương tổ chức sự kiện "Ngày không dùng tiền mặt năm 2021" với sự phối hợp thực hiện của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương.

Tại sự kiện, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, năm 2021 trước những khó khăn do dịch Covid-19, việc mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những giải pháp hữu hiệu để đạt "mục tiêu kép", vừa phòng chống dịch vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt, tăng tốc phát triển thương mại điện tử - 1

Sự kiện năm nay với chủ đề "Một chạm thông minh - kích cầu mua sắm" nhằm tuyên truyền về lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt và đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử. Từ đó thay đổi thói quen thanh toán của người dân, kích cầu tiêu dùng, tạo động lực để các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử. 

Tỷ lệ thanh toán không tiền mặt trong thương mại điện tử chưa cao

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đánh giá, hiện nay tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử vẫn còn thấp, điều này có thể khiến người tiêu dùng gặp nhiều rủi ro khi giải quyết các khiếu nại. Nguyên nhân chính là do niềm tin của người tiêu dùng đối với các giao dịch thương mại điện tử còn hạn chế, chính sách bảo vệ người tiêu dùng chưa đồng bộ.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP Hà Nội cũng thừa nhận, thay đổi thói quen trong thanh toán từ tiền mặt sang không dùng tiền mặt là một quá trình khó khăn, khi tiền mặt vẫn phổ biến trong các giao dịch mua bán hiện nay. Để thay đổi những thói quen này cần có những phương thức thanh toán mới, tích hợp thuận tiện hơn để người dân, doanh nghiệp lựa chọn. 

Hiện nay, mạng lưới các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP Hà Nội bao gồm: 112 chi nhánh ngân hàng thương mại Nhà nước, 175 chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần, 5 chi nhánh ngân hàng liên doanh, 16 chi nhánh ngân hàng có 100% vốn nước ngoài, 7 chi nhánh công ty tài chính/cho thuê tài chính. Các ngân hàng thương mại cũng triển khai thêm hệ thống thanh toán qua internet, ứng dụng công nghệ mới như nhận diện khuôn mặt, vân tay, sử dụng mã phản hồi nhanh… nhằm tăng tốc độ thanh toán, tăng tính bảo mật cho khách hàng.

Đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt, tăng tốc phát triển thương mại điện tử - 2

Đa dạng các hình thức thanh toán, tăng cường tính bảo mật

Nhà nước đang đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt trong khu vực công, cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, phát triển hợp lý mạng lưới ATM; tăng cường các quy định đảm bảo an ninh, an toàn trong lĩnh vực thanh toán thẻ…

Dưới góc độ của doanh nghiệp thương mại điện tử, Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam Vũ Thị Minh Tú thông tin thêm, hiện hình thức thanh toán phổ biến nhất trong thương mại điện tử vẫn là tiền mặt khi nhận hàng tại nhà, con số này trong năm 2020 vẫn chiếm đến 78%. 

Tuy nhiên, kết quả khảo sát về thói quen mua sắm sau đại dịch ở Việt Nam cũng cho thấy có đến 78% người tiêu dùng cho biết sẵn sàng sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, xu hướng này được thể hiện đặc biệt mạnh mẽ ở giới trẻ, khi có đến 50% người trẻ dưới 30 tuổi cho biết họ đã, đang sử dụng các phương thức thanh toán điện tử.

Còn theo báo cáo của Visa vào năm 2020, tỷ lệ người tiêu dùng mang ít tiền mặt hơn trong túi đã tăng 26% so với trước dịch, tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán qua thẻ cũng nhiều hơn, tăng đến 68%. Câu hỏi đặt ra là các sàn thương mại điện tử đóng vai trò như thế nào trong thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. 

Với riêng Lazada, bà Tú cho biết, đơn vị này đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ phục vụ cho 300 triệu khách hàng. Hiện Lazada đang phối hợp với các đối tác tổ chức tập huấn kỹ năng và kinh doanh thương mại điện tử, ưu tiên cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp nông nghiệp ở các địa phương, doanh nghiệp yếu thế và dễ tổn thương trong thời điểm đại dịch.

Theo đó, doanh nghiệp tham gia sẽ được các gói hỗ trợ dành riêng cho nhà bán hàng mới, miễn phí 90 ngày đầu lên sàn để doanh nghiệp làm quen cách quản lý và kinh doanh thương mại điện….

Nhờ những nỗ lực đó, trong thời gian gần đây Lazada ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể, khi tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt giảm từ 91% vào tháng 4/2020 xuống còn 84% vào tháng 10/2021; tỷ lệ thanh toán không tiền mặt tăng trưởng 30% mỗi tháng.