Dâu rể toát mồ hôi vì chọn cưới đúng ngày bão, bán tháo đồ nấu 80 mâm cỗ
(Dân trí) - Phải hoãn cưới sát ngày đã định vì bão Yagi, Xuân Trường tất tả xử lý hàng tạ rau, củ đã mua về nấu cỗ. Vợ chồng Phương Thảo cũng tức tốc báo tin cho hơn 150 khách mời về việc lùi lại hôn lễ.
Bán tháo đồ nấu cỗ
4h sáng 5/9, khi thức trắng đêm nghe ngóng thông tin về cơn bão Yagi mạnh nhất trong 30 năm qua, Xuân Trường (SN 1997, quê Thái Bình) lòng như lửa đốt. Chỉ còn một hôm nữa, đám cưới của anh và vị hôn thê Nguyễn Ngân (SN 2001) sẽ diễn ra sau 2 năm hẹn hò.
Đến trưa 6/9, sau một hồi bàn bạc, hai bên gia đình thống nhất lùi lại hôn lễ một tuần để tránh sức tàn phá của cơn bão và đảm bảo an toàn cho toàn bộ khách mời.
Rạp cưới đã dựng xong, loa đài đã thuê, thực phẩm để nấu 80 mâm cỗ cũng đã chất đầy trong bếp… nhưng Trường không có tâm trí để buồn rầu. Nhà chỉ còn mẹ già, anh phải xoay xở để nhanh chóng sắp xếp mọi việc ổn thỏa.
Với Trường, đau đầu nhất là số đồ tươi để nấu cỗ. Lợn, gà chưa thịt còn nhốt lại được; tôm, mực đã thuê phát điện chạy tủ đông để trữ qua bão đem bán bớt; còn hàng tạ rau, củ, quả phải lập tức xử lý.
"Mình phải nhờ bà con lối xóm mỗi người mua giúp một ít, số còn lại thì gọi lái buôn đến bán đỡ chút nào hay chút đó. Hơn 20 người vật vã suốt cả buổi chiều vẫn không xong", chú rể nhớ lại.
Chưa kể, việc thông báo hoãn cưới đến cả trăm khách mời cũng rất vất vả. Những người ở gần, Trường trực tiếp đến nhà báo tin, ai ở xa thì gọi điện hoặc nhờ họ hàng nhắn giúp. Với bạn bè, chàng trai đăng dòng trạng thái cáo lỗi lên mạng xã hội.
Tuy nhiên, vì ở xa chưa kịp hay tin, một số họ hàng của Trường ở Bắc Kạn và miền Nam đã tới nơi vào sáng 7/9. Tất cả đành tập trung nghỉ lại ở nhà anh rồi tính tiếp.
Phía gia đình vị hôn thê của Trường cũng đã chuẩn bị xong xuôi mọi thứ chỉ đợi đám cưới. Vì thiên tai không ai mong muốn, hai nhà động viên nhau chờ bão qua đi để ngày vui được trọn vẹn.
Cùng xã với Trường, 4-5 người cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Không ít cặp đôi ở các tỉnh phía Bắc như Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nội... cũng phải dời lại ngày trọng đại để đảm bảo an toàn.
Kỷ niệm đáng nhớ
Chọn cưới đúng đợt bão về, Phương Thảo (SN 2002, quê Ninh Bình) cũng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khi ngày vui cận kề. Từ 2 tháng trước, cô đã hào hứng lên danh sách khách mời, chọn váy cưới, sắm đồ trang trí cho hôn lễ.
Mấy ngày qua nghe tin bão sắp đổ bộ, cảm giác háo hức của Thảo dần chuyển sang thấp thỏm, lo lắng. Cả nhà cô không ai ngủ được.
"Nếu vẫn làm lễ, mình lo gió bão to mọi người đi đường không an toàn. Nếu hoãn và tổ chức lại vào ngày thường, mình lại sợ bạn bè, đồng nghiệp khó sắp xếp công việc về chung vui", cô kể.
Cuối cùng, hôm 5/9, hai gia đình tức tốc bàn bạc và thống nhất lùi ngày cưới lại 3 ngày. Một tuần trước đó, nhà Thảo đã đặt 80 mâm cỗ đãi khách. Ngay khi quyết định hoãn cưới, cô báo gấp cho nhà hàng.
Dù đã chuẩn bị nguyên liệu, phía nhà hàng thông cảm vì hoàn cảnh không ai mong muốn. Họ không bắt đền và vui vẻ phục vụ trong ngày cưới sắp tới. Nếu chậm chút nữa và không kịp hủy cỗ, hôn lễ vẫn sẽ phải diễn ra.
Với hơn 150 khách mời của hai bên, vợ chồng Thảo vừa gọi điện, vừa nhắn tin để thông báo cho từng người. Sợ bỏ sót ai, hai người còn đăng bài trên trang cá nhân hy vọng mọi người đọc được. Cũng may không ai trách móc và nhắn tin động viên đôi vợ chồng trẻ cố gắng chờ bão qua tổ chức cho trọn vẹn.
Phía nhà chú rể Trần Thọ (SN 1992) - cách nhà Thảo chỉ 500m, gia đình anh dự định tự nấu hơn 80 mâm cỗ. May mắn, cả nhà mới lấy nước ngọt, bánh kẹo về, còn rau, củ và thịt báo kịp thời nên vẫn xử lý được.
"Đây cũng coi như một kỷ niệm đáng nhớ của vợ chồng mình", Thảo chia sẻ.
Không kịp hoãn cưới ở nhà trai tại Nam Định vì rạp đã dựng và cỗ cưới xong xuôi, Thùy Dung (SN 2000, quê Phú Thọ) khá vất vả vì tổ chức hôn lễ trong bão.
Ngày 7/9, vợ chồng Dung làm lễ ăn hỏi và chuẩn bị 30 mâm cơm mời người thân trong gia đình. Vì trời mưa bão, dù mời 17h, khách nào đến sớm ăn trước, đến muộn ngồi sau. Thậm chí, có người đến nhưng… một mình ngồi vài mâm.
Mọi người hầu hết ăn vội vàng đề phòng gió bão lớn còn chạy về nhà tránh, không ai kịp chụp ảnh kỷ niệm. Sáng 8/9, đám cưới của Dung diễn ra ngay khi cơn bão quét qua.
"Mọi người trêu mình là "vạn sự khởi đầu nan", đám cưới có một không hai như này sau này có chuyện kể cho con cháu nghe. Quả thật là một kỷ niệm nhớ đời với vợ chồng mình", Dung nói.