Quảng Nam:

Đầu năm ngư dân trúng đậm ốc gạo

(Dân trí) - Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, người dân xã Tam Tiến (huyện Núi Thành) mang dụng cụ ra biển cào ốc gạo (ốc ruốc, ốc lể). Cái nghề “đi thụt lùi” này mang lại cho người dân nguồn thu nhập đáng kể.

Theo nhiều người dân tại xã Tam Tiến, năm nay ốc gạo được mùa, được giá nên mọi người rất phấn khởi. Ốc được thu mua theo thùng (khoảng hơn 25kg/thùng), mỗi thùng ốc lớn có giá từ 300-400 ngàn/thùng, ốc nhỏ giá từ 200-250 ngàn/thùng.

Đầu năm ngư dân trúng đậm ốc gạo - 1

Năm nay ốc gạo được mùa, được giá nên người dân rất phấn khởi

Mỗi năm sau đợt Tết Nguyên đán, hàng chục người dân địa phương lại xuống biển cào ốc. Những ngày này, từ mờ sáng người dân đã có mặt ở bãi biển, từng nhóm cào ốc vui như hội.

Đầu năm ngư dân trúng đậm ốc gạo - 2

Sóng liên tục vỗ bờ, nhưng người dân vẫn cố gắng bám trụ để cào, họ thường đi theo nhóm để dễ trợ giúp nhau khi gặp nạn

Bà Trần Thị Nương (50 tuổi, xã Tam Tiến), mang theo trên vai chiếc cào được làm bằng khúc tre dài khoảng 2m, phía dưới gắn lưỡi cào bằng sắt và một tấm lưới ra biển để khai thác ốc gạo.

Bà Nương cho biết, sống ở vùng biển nên người dân đều biết được đặc tính của ốc gạo, một năm ốc chỉ có từ tháng 12 Âm lịch, kéo dài đến hết tháng 2 Âm lịch năm sau là kết thúc.

Đầu năm ngư dân trúng đậm ốc gạo - 3

Chiếc cào tre dài 2m, với một đầu buộc lưới, thanh sắt bẻ cong cố định để có thể găm sâu dưới cát cào ốc

Từng đợt sóng xô bờ liên hồi nhưng bà Nương vẫn tiến ra biển nước ngập đến ngang người, rồi bà buộc dây vào người và bắt đầu… đi thụt lùi để cào ốc. Đầu trên chiếc cào đặt vào vai, một tay giữ, tay còn lại ấn xuống để thanh sắt gặm sâu xuống cát.

Sau hơn 15 phút cào, tấm lưới đựng khoảng hơn 5kg ốc nằm gọn phía trong. Bà Nương cho lên khỏi mặt nước và giũ sạch cát, đưa ốc lên bờ. Cũng theo bà Nương, phụ nữ sức yếu cào gần bờ không đi ra xa được như những đàn ông nên bắt được ít ốc hơn. Cứ như vậy, bà Nương miệt mài cào ốc gạo đến 8 giờ sáng.

Đầu năm ngư dân trúng đậm ốc gạo - 4

Ốc sau khi cào xong thì được giũ sạch cát rồi cho hết vào thùng bán thương lái

“Tùy ngày, tôi với một người hàng xóm nữa cào được khoảng 3-4 thùng, vì ốc nhỏ nên thương lái thu mua 250 ngàn/thùng. Sau khi chia nhau, mỗi buổi cào tôi có hơn 500 ngàn. Năm nay, ốc được mùa được giá nên chúng tôi rất phấn khởi”, bà Nương chia sẻ.

Đầu năm ngư dân trúng đậm ốc gạo - 5

Giá mỗi thùng ốc lớn 25kg giá từ 300-400 ngàn, ốc nhỏ 200-250 ngàn/thùng

Theo người dân tại đây, những ngày tháng giêng họ phải đi từ 1 giờ đến 5 giờ sáng thì về vì nước lên sớm. Nhưng những ngày này, họ đi trễ hơn, từ khoảng 4 giờ đến 8 giờ sáng thì về vì nước triều đợt này lên muộn hơn.

Sau tết, nhiều người dân hành nghề đánh bắt hải sản cũng tranh thủ cào ốc gạo kiếm thêm thu nhập. Ông Nguyễn Văn Năm (40 tuổi, xã Tam Tiến) cho biết, ngày thường, ông làm nghề đánh bắt hải sản trên biển bằng lưới chụp. Từ sau tết đến nay, biển có nhiều ốc gạo nên ông gác lại việc đi biển để cào ốc với vợ.

Đầu năm ngư dân trúng đậm ốc gạo - 6

Mỗi ngày người dân có thể thu về hơn 1 triệu đồng tùy buổi

Mỗi ngày ông Năm đều ra biển hành nghề, những ngày biển động thì nghỉ ở nhà. Ngày ít thì hai vợ chồng kiếm được khoảng 700 ngàn đồng, lúc cào nhiều thì thu về gần 1,3 triệu đồng.

Với người dân nơi đây, khi cào gặp vùng có nhiều ốc thì chia sẻ với nhau cùng khai thác. Từ đó hình thành từng nhóm hàng chục người, vừa giúp nhau khai thác vừa hỗ trợ lúc gặp nạn.

Vào mùa ốc gạo

Ngoài người dân địa phương, một số người ở xã lân cận cũng đến đây cào để kiếm thêm thu nhập. Ông Trần Văn Tiến đến từ xã Tam Hòa, huyện Núi Thành cho biết: “Tôi làm phụ hồ, sau Tết cũng ít việc nên tranh thủ đi cào ốc gạo. Những ngày này, tôi đi sang Tam Tiến khoảng 3 giờ sáng, tranh thủ cào đến hơn 8 giờ thì về. Mỗi ngày tôi kiếm được từ 500-700 ngàn đồng, thu nhập khá nên tôi rất phấn khởi”.

Đối với thương lái cũng phấn khởi vì năm nay ốc gạo tiêu thụ tốt, giá được nên họ cũng phấn khởi. Ông Trần Văn Thuận - một thương lái thu mua ốc ruốc cho biết, mỗi ngày ông thu mua 20 thùng ốc mang đi tiêu thụ tại địa phương và xuất bán các tỉnh lận cận, thu nhập cũng tạm được.

Công Bính-Ngô Linh