Sóc Trăng:

Đầu năm gặp những người "giữ lửa hạnh phúc gia đình... hàng xóm"

(Dân trí) - Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) là một đơn vị được đánh giá cao trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Với các thành viên là chị em phụ nữ năng động, có kinh nghiệm trong công tác hòa giải và đã thành công khi giúp nhiều cặp vợ chồng “gương vỡ lại lành”, cuộc sống trở lại ổn định, chí thú làm ăn. Trong số đó có tấm gương chị Lê Thị Kim Thủy (43 tuổi, ở ấp Đắc Thắng) và chị Lê Thị Ngọc Tím (39 tuổi, ở ấp Đắc Thời).

Đến ấp Đắc Thắng, hỏi chị Lê Thị Kim Thủy thì rất nhiều người biết. Có chị ngoài 50 tuổi nói vui: “Anh kiếm chị Thủy hòa giải phải không, cả ấp, cả xã này ai mà không biết chị. Chúng tôi gọi chị là người giữ lửa hạnh phúc gia đình đấy”.

Chị Lê Thị Kim Thủy.
Chị Lê Thị Kim Thủy.

Khi được hỏi về công tác hòa giải của mình, chị Lê Thị Kim Thủy (43 tuổi) vui vẻ cho biết: “Từ khi tham gia công tác hòa giải đến nay cũng khoảng chục năm. Tôi đã tham gia hòa giải thành công nhiều vụ mâu thuẫn gia đình, giúp nhiều cặp vợ chồng đứng trước nguy cơ đổ vỡ hàn gắn lại, sống hạnh phúc bên nhau, chí thú làm ăn, cuộc sống khấm khá, con cái học hành thành đạt”.

Can đảm, quyết liệt cũng là một phần bản tính của chị Thủy. Chị kể, có lần chứng kiến người chồng cầm dao đòi chém vợ, nhiều người không dám vào thì chị Thủy đã mạnh dạn chạy vào ngăn cản. Sau một hồi khuyên giải, phân tích hành động sai trái cho người chồng hiểu, chị đã thu phục được con dao trên tay người chồng. Lúc đó chị mới giật mình vì thấy mình quá liều. Sau lần đó, người chồng đã hiểu, yêu thương, chăm sóc gia đình nhiều hơn.

Nói về chị Thủy, chị Trần Thị Thu Sương- Chủ tịch Hội LHPN xã Hồ Đắc Kiện, cho biết: “Ở đây mọi người ai cũng tin tưởng chị Thủy vì chị rất nhiệt tình, có kinh nghiệm trong công tác hòa giải. Dù sáng sớm, giữa trưa hay nửa đêm, hễ gia đình nào xảy ra mâu thuẫn là chị đến ngay, giúp những chị em không may bị chồng đánh đập, hành hạ, tìm mọi biện pháp để bảo vệ, bênh vực chị em, khuyên can các ông chồng, giúp gia đình họ đoàn viên, xóm làng yên vui, an ninh trật tự ổn định”.

Chị Thủy chia sẻ với tôi về công việc được không ít người xem là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” của những người làm công tác hòa giải: “Làm công việc này hay bị mắng vốn, có không ít ông chồng tỏ thái độ cau có, thậm chí hăm dọa khi mình xen vào chuyện nhà họ, nhưng riết rồi cũng quen. Vả lại mình nghĩ chị em bị bạo hành mà mình không giúp thì thấy áy náy lắm, nhất là khi chị em tin tưởng, mình giúp được gì thì ráng giúp, miễn sao chị em thoát cảnh bị chồng rượt đánh chạy trối chết sang nhà hàng xóm”.

Khi tôi hỏi chị đã có lúc nào chị thấy sợ, thấy nản lòng trong việc tham gia hòa giải hay không, thì chị Thủy cười rồi nói: “Thú thật, đôi lúc cũng thấy nản vì thời gian kéo dài có khi vài ba tháng, cũng có khi cả nửa năm mới thành. Hơn nữa, thời gian xảy ra bạo lực gia đình không theo… quy luật nào. Mới sáng ra đã có chuyện, bữa ăn trưa hay chiều tối, có lúc nửa đêm… cũng xảy ra cự cãi nên mình phải chạy như quân cờ. Có trường hợp ông chồng xách dao rượt đòi chém vợ, mình chạy tới thấy con dao trên tay anh ta, nói thật run thì có chứ dứt khoát không sợ. Mình mà sợ thì ông ta làm tới. Thấy mình vào, người đàn ông họ cũng chùn tay nên cuối cùng mình thuyết phục được”.

Chia tay tôi, chị Lê Thị Kim Thủy nói thêm: “Tham gia công tác hòa giải, tôi cũng như các hòa giải viên khác xác định hòa giải là để mọi người xích lại gần nhau, biết sẻ chia và quan tâm đến nhau nhiều hơn trong cuộc sống, giữ bình yên cho xóm ấp, vì lợi ích của tập thể và niềm vui của mọi người chứ không phải vì những tấm Bằng khen, Giấy khen”.

Chị Lê Thị Ngọc Tím.
Chị Lê Thị Ngọc Tím.

Chúng tôi gặp chị Lê Thị Ngọc Tím tại nhà của một hội viên hội phụ nữ xã khi chị Tím đang đến thăm hỏi gia đình hội viên này. Thì ra, đó là một trong số những cặp vợ chồng từng trải qua “sóng gió” tưởng chừng như không thể hàn gắn được, nhưng với tài “thương thuyết” của mình, chị Tím đã giúp cho họ trở lại cảnh “tay trong tay”, sống vui vầy hạnh phúc bên nhau.

Chị Tím chia sẻ: “Khi tham gia hòa giải, tôi luôn nỗ lực hết mình, bất kể nửa đêm hay rạng sáng hoặc giữa trưa, hễ gia đình nào có chuyện là tôi đi ngay. Tôi luôn đặt chữ tình, chữ tâm lên hàng đầu khi tham gia công tác hòa giải. Tôi xem việc hòa giải giúp cho các gia đình hạnh phúc là việc của mình chứ không phải là của người khác. Bên cạnh đó, tôi cảm ơn ông xã mình khi anh hiểu được công việc của tôi, chia sẻ, cảm thông, hỗ trợ cho tôi thực hiện công tác này”.

Khi tôi hỏi tham gia công tác hòa giải chị có gặp khó khăn gì thì chị Tím chia sẻ: “Khó khăn thì nhiều lắm. Làm công tác hòa giải những mâu thuẫn trong nội bộ gia đình thường gặp khó khăn vì tâm lý chuyện trong nhà thì nên “đóng cửa dạy nhau” khiến mâu thuẫn tiềm tàng có điều kiện phát triển. Thậm chí có người tỏ có thái độ bất hợp tác, cho rằng chuyện gia đình họ đừng ai xía vào.

Đôi lúc cũng thấy buồn nhưng cứ nghĩ đến hình ảnh người phụ nữ bị chồng đánh bầm tím mặt mày, ôm con chạy trốn giữa trưa trời nắng hay giữa đêm tối thì tôi không đành lòng. Thấy chị em bị bạo hành mà mình không giúp thì không an lòng, trật tự an ninh trong xóm ấp bị ảnh hưởng. Thôi thì mình cứ chịu khó để những cặp vợ chồng đó họ hiểu và sống hạnh phúc với nhau. Sau hòa giải thành, thấy vợ chồng họ hạnh phúc, tôi mừng rơi nước mắt, nhiều đêm ngủ không được vì vui”.

Với thông điệp “chung tay phòng, chống bạo lực gia đình”, chị Lê Thị Ngọc Tím mong muốn: “Các chị em phụ nữ cần mạnh dạn tố cáo hành vi bạo lực gia đình, không nên im lặng chịu đựng khi bị bạo lực. Làm được như vậy là góp phần xây dựng cuộc sống gia đình không bạo lực, hướng tới gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.

Chị Trần Thị Thu Sương- Chủ tịch Hội phụ nữ xã Hồ Đắc Kiện, chia sẻ: “Chị Lê Thị Kim Thủy và chị Lê Thị Ngọc Tím được mọi người ở địa phương quý mến, kính trọng bởi các chị là người có năng lực, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Nhờ các chị mà nhiều gia đình đã tìm lại được hạnh phúc của mình. Các chị xứng đáng là điển hình trong công tác hòa giải ở địa phương chúng tôi. Có các chị, xóm làng yên vui, hạnh phúc hơn nhiều”.

Cao Xuân Lương