Đầu bếp Mỹ lấy vợ Việt: "Việt Nam đã thay đổi tôi"

Minh Nhân

(Dân trí) - Lần đầu đặt chân đến Việt Nam, chàng đầu bếp Mỹ không nghĩ sẽ nên duyên nợ với mảnh đất này đến thế. "Phải lòng" ẩm thực quê hương vợ, mỗi ngày anh miệt mài tận hưởng và sáng tạo món ăn đậm chất Việt.

"Tôi phải đến Việt Nam"

Trên tài khoản mạng xã hội hơn 26 triệu lượt yêu thích, Chad Kubanoff (36 tuổi) chia sẻ hàng loạt video nấu các món ăn Việt Nam như: thịt kho, miến xào cua, bánh mì pa tê, bún bò Huế… trong căn bếp nhỏ của gia đình ở TPHCM. 

Hơn một năm qua, người đàn ông Mỹ rong ruổi khắp TPHCM và một số tỉnh thành, khám phá những quán ăn đường phố. Anh nói hoàn toàn bị ám ảnh bởi việc nếm thử mọi nguyên liệu và khám phá các kỹ thuật mới. 

"Tôi vẫn tiếp tục hành trình khám phá ẩm thực đa dạng của Việt Nam", Chad chia sẻ.

Đầu bếp Mỹ lấy vợ Việt: Việt Nam đã thay đổi tôi - 1

Chad xuất hiện trong căn bếp nhỏ, đôi tay thuần thục chế biến món ăn Việt Nam (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Khi còn là một đầu bếp trẻ, Chad luôn biết rằng nấu ăn sẽ là sự nghiệp của đời mình. Quá trình đào tạo của anh bắt đầu từ chương trình nghệ thuật ẩm thực tại một trường địa phương ở Mỹ. 

Để mở rộng vốn hiểu biết, Chad từ bang Pennsylvania đến thành phố New York, được đầu bếp Daniel Boulud của nhà hàng Daniel hướng dẫn. Từ nền tảng kiến thức nấu ăn kiểu Pháp cổ điển, anh mở rộng các kỹ thuật, thay đổi tư duy về ẩm thực, dưới sự đào tạo của đầu bếp Achatz tại nhà hàng Alinea.

Chad biết đến và tò mò về ẩm thực Việt Nam, từ một tập phim trong chương trình A Cook's Tour năm 2002 của siêu đầu bếp Anthony Bourdain. 

"Ngay lập tức, tôi nghĩ mình phải đến Việt Nam", Chad nhớ lại.

Năm 2008, chàng trai Mỹ mới 21 tuổi, lần đầu đặt chân đến TPHCM - "một thành phố lạ lẫm, hoang dại và nhịp sống sôi động", theo cảm nhận của anh. 

Ngày thứ 2 tại đây, anh nhận được lời mời phỏng vấn làm bếp trưởng cho một nhà hàng Việt chuyên phục vụ khách nước ngoài. Từ đó, ban ngày anh làm việc tại nhà hàng, ban đêm khám phá những con đường ngoằn ngòeo và những con hẻm khuất của TPHCM, nếm thử tất cả hương vị mà thành phố mang đến. 

"Bún bò là món ăn đầu tiên gây ấn tượng và khiến tôi nhớ mãi", Chad nói đó là một món ăn "tuyệt vời", nước dùng đậm đà, kết hợp rau thơm dậy mùi, khác hẳn phong cách ẩm thực quê hương, khiến anh vừa ăn vừa xuýt xoa. 

Nhờ làm việc tại nhà hàng Việt, Chad quen chị Thủy - cô gái Việt để lại ấn tượng ban đầu ngọt ngào và dễ thương. Chị chở anh bằng xe máy, đến nhiều quán ăn ngon ở TPHCM. Cặp đôi chìm đắm trong những chuyến đi khám phá ẩm thực, từ những món ăn chay, vỉa hè, đường phố, đến những nhà hàng sang trọng. 

Vận dụng kỹ năng quan sát, khả năng nêm nếm, Chad nấu món ăn Việt đầu tiên - bánh cuốn cá. Anh thừa nhận gặp nhiều khó khăn, phải bỏ đi làm lại nhiều lần, nhưng không bỏ cuộc. 

"Thật khó để làm ra một chiếc bánh cuốn đẹp", anh nói. Nhưng với Chad, "khó nhất trong tất cả các món khó", là cách nấu bún bò Huế. 

Video: Chàng rể Mỹ Chad Kubanoff hướng dẫn nấu món bún bò Huế (Nguồn: Nhân vật cung cấp).

Sau một năm rưỡi, Chad xin nghỉ việc, cùng người yêu đi xe máy xuyên Việt để trải nghiệm sự khác biệt ẩm thực giữa các vùng miền. Cảm giác phóng xe băng qua đồi núi, chàng trai Mỹ thấy tự do và thoải mái. 

Một đêm ở chốn không người, không biết đang ở đâu, Chad tìm thấy một nhà hàng duy nhất còn mở cửa. Món mì Quảng tại đây khiến anh ngẩn ngơ, khát khao muốn nếm thử hết các món ăn ở Việt Nam. 

Trong chuyến đi, anh tận hưởng ẩm thực mọi nơi, lưu trú tại Đà Nẵng và Hội An lâu hơn dự kiến. Trở về Sài Gòn, anh mở một công ty du lịch chuyên tổ chức tour bằng xe máy, đưa khách nước ngoài thưởng thức món ăn đường phố mà anh cho là ngon nhất. 

Đầu bếp Mỹ lấy vợ Việt: Việt Nam đã thay đổi tôi - 2

Chàng trai Mỹ thích đi xe máy rong ruổi khắp TPHCM, khám phá ẩm thực Việt Nam (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Cuộc sống ở Việt Nam đã thay đổi cách tôi nấu ăn"

Năm 2011, Chad kết hôn với chị Thủy. Hai năm sau, anh đưa vợ về Mỹ, mở nhà hàng đầu tiên chuyên bán món ăn đường phố Việt Nam như: bánh mì, cơm tấm, bánh cuốn, gỏi cuốn, bún thịt nướng…

Để có đủ nguyên liệu làm những món ăn Việt tại Mỹ, Chad phải đi rất xa tìm mua các loại rau thơm. Rất hiếm nơi bán những loại rau này, mà nếu có thì giá đắt đỏ. Anh cũng khó để tìm mua đúng loại nước mắm ngon, hay sợi mì, sợi bún đúng ý mình. 

"Bù lại, sự hưởng ứng của thực khách Việt và sự ngỡ ngàng của khách Tây, nói rằng một trải nghiệm chưa từng có trước đây, là động lực để tôi duy trì nhà hàng", Chad cho hay. 

Sau 8 tháng quay về Mỹ, Chad bắt đầu nhớ Việt Nam và muốn quay về quê vợ. Hai năm Covid-19 khiến anh nghĩ rằng sẽ xây dựng hẳn cuộc sống tại Mỹ. Nhưng thương vợ và 3 con, anh quyết định đưa gia đình về quê ngoại vào năm 2022 khi dịch bệnh vừa lắng xuống. 

Đầu bếp Mỹ lấy vợ Việt: Việt Nam đã thay đổi tôi - 3

Chad bên vợ và 3 con trong một chuyến du lịch (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Sang Việt Nam lần này, người đàn ông Mỹ nhận ra làm sáng tạo nội dung là phương tiện học hỏi và trau dồi kỹ năng. Anh duy trì sản xuất video nội dung ẩm thực trên các nền tảng mạng xã hội, lượng tiếp cận người xem phủ rộng và đa dạng. 

Anh nhận được sự yêu mến của cộng đồng mạng, trong đó có cả người nước ngoài và Việt kiều. Họ chia sẻ xem video của anh rất nhớ nhà, nhớ Việt Nam, và hơn hết là cảm thấy tự tin về bản sắc dân tộc.

Duyên nợ với Việt Nam đủ lâu, Chad tự tin có thể nấu tất cả món ăn Việt. Chỉ cần nếm và biết nguyên liệu, anh sẵn sàng chế biến lại món ăn đó, sau một hoặc hai lần thử nấu. 

Từ những món ăn Việt Nam truyền thống, chàng đầu bếp Mỹ sáng tạo theo cách riêng của mình, để thấy sự thú vị trong trải nghiệm món ăn mới. Anh cũng không ngại thử các món "nặng mùi" gây ám ảnh với du khách quốc tế, như cháo lòng, tiết canh, mắm tôm…

"Tôi hứng thú và nghiên cứu cách làm mắm tôm, bởi đó là món ăn đầy hương vị", Chad nói, đặt mục tiêu học thêm các món ăn truyền thống của Việt Nam, từ bánh mì, bánh tét, bánh chưng, bánh trung thu đến chả cá, chả lụa, bò viên…

Ngoài Việt Nam, anh cũng yêu thích và tìm hiểu ẩm thực các quốc gia khác. Anh muốn biết cùng một nguyên liệu, thì các nền ẩm thực khác nhau sẽ sử dụng và chế biến nó ra sao.  

"Chất Việt Nam" ngấm sâu vào con người Chad đến nỗi nấu bất cứ món ăn của nền ẩm thực nào, anh cũng phải cho qua "bộ lọc Việt Nam". Khi nấu món Ý, anh sẽ ăn kèm ớt ngâm hoặc chanh, nhất định phải có nước mắm. 

"Cuộc sống ở Việt Nam đã thay đổi cách tôi nấu ăn mãi mãi", Chad tâm sự.

Trong tương lai, anh dự định mở một nhà hàng Việt tại TPHCM, học thêm tiếng Việt để hiểu hơn về nguồn gốc món ăn, cuộc sống và cách nấu nướng của người bản địa. 

"Tôi hiểu ẩm thực Việt Nam như hơi thở cuộc sống hàng ngày", chàng rể Mỹ cười, nói. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm