Dấu ấn COP26 và thách thức đặt ra đối với cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm Việt Nam
(Dân trí) - Sáng ngày 28/12/2021, Tạp chí năng lượng sạch Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chương trình Hội thảo "Dấu ấn COP26 và thách thức đặt ra đối với cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm Việt Nam".
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, TS. Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường Quốc hội nhận định, tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) tại Việt Nam lại là vấn đề hiện hữu, tác động toàn diện, rộng khắp ở các vùng, miền, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, TS. Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường Quốc hội nhận định, tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) tại Việt Nam lại là vấn đề hiện hữu, tác động toàn diện, rộng khắp ở các vùng, miền, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Mặc dù, Việt Nam là nước đang phát triển, mới chỉ bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa hơn ba thập kỷ, chúng ta còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển sản xuất và tiêu thụ các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống với mức độ phát thải cao.
Từ đó, TS. Tạ Đình Thi cho rằng, để thực hiện được những mục tiêu và cam kết tại COP26 trong ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), Việt Nam cần có những bước đi mạnh mẽ, quyết liệt, với một lộ trình chuyển đổi thông minh về năng lượng từ cấp độ chính sách đến việc thực thi cụ thể của các doanh nghiệp, cộng đồng.
Đặc biệt là sự tham gia tích cực của các bên liên quan, trong đó có các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm để dịch chuyển mức độ tăng trưởng từ tăng trưởng nâu sang xanh trong giai đoạn tới.
Cũng tại hội thảo, TS. Nguyễn Thị Diệu Trinh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường - Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ về thách thức trong triển khai COP26. TS. Nguyễn Thị Diệu Trinh cho rằng triển khai COP26 còn thiếu cơ chế minh bạch cung cấp tài chính từ các nước phát triển.
Về kết quả COP26 và triển khai thực hiện kết quả tại Việt Nam, Hội nghị COP26 đánh dấu sự chuyển đổi mang tính đột phá trong mô hình phát triển trên thế giới, từ dựa trên năng lượng hóa thạch, sang phát triển ít phát thải, hướng tới phát thải ròng bằng "0".
Có thể khẳng định, Việt Nam đi đúng dòng chính của xu thế phát triển toàn cầu cùng với các nước phát triển có tiềm năng về kinh tế, công nghệ cao. Việc cam kết đưa phát thải ròng về "0" và tham gia cam kết mê-tan đã gửi đi tín hiệu mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế, khai thông nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải, đây là cơ hội cho Việt Nam phát triển.
Vấn đề chuyển đổi sang năng lượng sạch và nhanh chóng chấm dứt sử dụng than được thúc đẩy mạnh mẽ. Các nguồn tài chính quốc tế cho phát triển điện than sẽ sớm chấm dứt và chuyển sang tập trung hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, duy trì, phát triển rừng và bảo vệ các hệ sinh thái.
"Còn thiếu Cơ chế minh bạch cung cấp tài chính từ các nước phát triển (để không tính trùng dòng về tài chính song phương, dòng về tài chính đa phương, dòng về huy động tài chính từ khu vực tư nhân, từ thị trường. Cùng với đó là vai trò của các Ngân hàng phát triển và các Ngân hàng thương mại tăng lên tuy nhiên đến nay điều kiện chưa rõ ràng";, TS. Nguyễn Thị Diệu Trinh chia sẻ thêm.
Hội thảo lần này sẽ là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế cùng nhau trao đổi đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các dự án năng lượng có quy mô lớn để thực thi triển khai cam kết tại COP26. Chương trình có sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO); Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP); Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng điện 2 (PECC2).