Dắt tay em đi về phía mặt trời

(Dân trí) - Nếu như mỗi trẻ nhỏ được ví như là một bông hoa, luôn cần quan tâm, chăm sóc thì với trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS (OVC) - những đóa hoa mong manh, yếu đuối còn cần được yêu thương hơn gấp bội. Thế nhưng, hiện nay nhiều trẻ OVC phải sống trong cảnh nghèo khó về vật chất và thiếu thốn về tình cảm. Trẻ ít được quan tâm, chăm sóc nên luôn cảm thấy trống vắng và mặc cảm về bản thân.

Hơn 3 năm nay, các tình nguyện viên của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển cộng đồng (SCDI) với nhiều hoạt động như dạy kỹ năng sống, thực hiện mô hình quản lý ca, trại hè… đã có những giải pháp hỗ trợ kịp thời cho trẻ OVC, thắp lên niềm tin và hi vọng, hướng các em tới những điều tươi sáng nhất.

Lớp học kỹ năng sống dành cho những trẻ nhỏ phải đổi mặt với rất nhiều rào cản tâm lý xã hội.
Lớp học kỹ năng sống dành cho những trẻ nhỏ phải đổi mặt với rất nhiều rào cản tâm lý xã hội.

Nỗ lực đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho trẻ OVC

Ở Việt Nam hiện nay, nhiều trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS vừa có hoàn cảnh đặc biệt, lại khó được nhận diện và dễ bị tổn thương trước những biến động của xã hội. Nhiều em thiếu các giấy tờ tùy thân, giấy khai sinh, gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như chăm sóc sức khỏe và giáo dục…

Bị lây nhiễm HIV từ mẹ, H.N bị bỏ rơi ngay từ khi sinh ra. May mắn cô bé được đưa lên Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 (Ba Vì, Hà Nội). 6 năm sau, lại một sự may mắn khác khi mẹ bé, sau thời gian bỏ con đã ân hận đi tìm. H.N được mẹ đưa về ở cùng, nhưng cuộc sống gặp vô vàn khó khăn. Hai mẹ con sống trong một gian phòng nhỏ, tồi tàn, trống hoác.

Đủ tuổi đến trường, mẹ phải rất khó khăn mới có thể xin học cho con, nhưng bé không theo kịp các bạn cùng lứa. Thêm vào đó là tính tự do, không có kỷ luật, không theo tổ chức. Với các bạn, bé cũng không biết cách giao tiếp, làm quen mà cứ lăn xả vào “giành” nếu muốn một thứ đồ chơi của bạn. Mẹ đi làm về khuya, đêm nào H.N cũng phải chờ mẹ về mới ngủ nên ngày nào cũng đi học muộn, ngủ gật trong giờ, bị các bạn bắt nạt, trên chọc. Cố gắng được hai tháng, mẹ phải cho bé nghỉ học. Không được đến trường, không bạn bè, ban ngày ở nhà, bé loanh quanh lủi thủi trong căn phòng chật hẹp, lại càng thu mình hơn…

Dựa trên mô hình hỗ trợ trẻ em "Chị - em hoặc Anh – em" ở Ấn Độ, SCDI đang phát triển mô hình “Quản lý ca” dựa trên Tình nguyện viên (TNV) và trẻ, trong đó mỗi ca sẽ có 2 TNV sẽ cùng hỗ trợ 1 trẻ. Công việc của 2 TNV là làm thân với trẻ giống như anh, chị, em trong cùng một gia đình để cùng chia sẻ những cảm xúc, trải nghiệm hàng ngày ở trường hay những mối quan tâm của trẻ. Mục đích của hoạt động này là để trẻ tin tưởng người hỗ trợ mình và sẵn sàng chia sẻ mọi vui, buồn mà trẻ gặp phải trong cuộc sống hàng ngày và chấp nhận sự trợ giúp từ người hỗ trợ để hoàn thiện bản thân hơn.


Hoạt động hoà đồng tại một trại hè.

Hoạt động hoà đồng tại một trại hè.

Thông qua những nguồn thông tin khác nhau như gia đình, hàng xóm, bạn bè, UBND phường xã hoặc các nhóm cộng đồng chính của SCDI,cán bộ của SCDI và TNV đi xác nhận thông tin và có những đánh giá ban đầu về tình trạng thể chất, tinh thần và xã hội để từ đó có thảo luận và đánh giá chung nhất về trẻ để lập ra kế hoạch hỗ trợ cho từng trẻ. Các kế hoạch hoạt động hỗ trợ bao gồm: hỗ trợ tâm lý, giúp trẻ hòa nhập, kèm dạy học, hỗ trợ tài chính, hỗ trợ pháp lý và chuyển gửi tới các tổ chức, cơ quan hỗ trợ trẻ em khác. Trong quá trình hỗ trợ, cán bộ của SCDI sẽ là người giám sát các ca.

Cần lắm những việc làm thiết thực 

Với bé H.N, cán bộ của SCDI liên hệ cho bé đi học ở một ngôi trường phù hợp, xin tài trợ tiền học và tuần hai buổi đưa bé đến Trung tâm,để được gặp gỡ các bạn có cùng hoàn cảnh (trẻ OVC), và được cung cấp kiến thức và kỹ năng giao tiếp, ứng phó với các tình huống trong cuộc sống. Sau một năm học tại trường, H.N có tiến bộ trông thấy, gặp người lạ biết chào hỏi, không chạy lung tung và đã được chuyển lên lớp cao hơn. Hiện tại SCDI đang có 10 ca quản lý ở Hà Nội và Hồ Chí Minh. Mỗi ca thường kéo dài từ 3 đến 6 tháng.

Chị Ly, TNV tham gia quản lý ca, chia sẻ: “Lúc làm việc với trẻ, mình gặp rất nhiều vấn đề khó khăn, nhiều khi trẻ không nghe lời, trẻ không hợp tác, đôi lúc mình cũng cảm thấy nản, nhưng có hôm trẻ dùng điện thoại của mẹ để gọi điện cho mình hỏi “Cô ơi, tuần này cô có đến dạy con không?”. Nghe giọng trẻ đáng yêu quá nên cảm thấy có động lực để tiếp tục theo ca.”

Chị Phạm Hằng, TNV nhóm truyền thông kể: “khi làm việc với các em, ngoài những nụ cười, những niềm vui nhận được, thì tôi đã phần nào thấu hiểu hơn về hoàn cảnh của các em nhỏ OVC, những khao khát được vui chơi, được hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa”.

Tình nguyện viên dạy học cho trẻ.
Tình nguyện viên dạy học cho trẻ.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Bùi Thị Kim Phương cho biết, làm việc trực tiếp với trẻ OVC, những TNV với nhiệt huyết của tuổi trẻ, sự say mê và niềm tin mạnh mẽ “hạnh phúc là sự sẻ chia”, luôn hi vọng có thể tạo ra môi trường giúp trẻ có cơ hội phát triển, giao lưu và nhận được nhiều sự đồng cảm của cộng đồng, xã hội.Điều mong mỏi nhất của các TNV là trẻ có kỹ năng ứng phó với các vấn đề trong cuộc sống tốt hơn, ứng phó được với nỗi thất vọng hàng ngày, những khó khăn, như vậy trẻ có thể trở nên hạnh phúc hơn - để dù vẫn phải sống trong môi trường khó khăn(với nguy cơđối mặt với rượu, thuốc lá, ma túy…) sẽ biết từ chối cái xấu chứ không buông xuôi theo hoàn cảnh.

Vẫn biết đây mới chỉ là những hoạt động quy mô nhỏ, và đang trong thời gian thử nghiệm, nhưng tấm lòng với trẻ OVCcủa các TNV (là sinh viên các trường Đại học Y, Đại học KHXH&NV, ĐH LĐ&XH…), của cán bộ SCDI đã giúp các em cố gắng sống vui vẻ và luôn hướng về phía mặt trời. Cũng như những đứa trẻ khác, các em cũng có nhiều ước mơ, hoài bão. Sự đóng góp thầm lặng của các TNV đã góp phần không nhỏ vào công tácchăm sóc và bảo vệ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Dù mai đây, khi không làm việc với các em nữa, mỗi tình nguyện viên cũng sẽ không bao giờ quên những ngày tháng gắn bó, chăm sóc các em không may trở thành những con người trưởng thành, độc lập trong cuộc sống sau này.

Được biết, trong thời gian tới Chương trình trẻ em của SCDI sẽ hoàn thiện thủ tục, mẫu văn bản cũng như rút ra các khó khăn, thuận lợi, và khuyến nghị để hoạt động này thực hiện hiệu quả hơn.Cần lắm trong xã hội chúng ta những hành động thiết thực, những chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp như trên, để những trẻ em thiệt thòi được sống và phát triển công bằng như những trẻ em khác.

Thảo Vân