Đào Trung Quốc “đội lốt” đào Sapa ồ ạt xuống phố Hà Nội
(Dân trí) - Trong khi đào giòn Việt Nam đã hết mùa từ cuối tháng 5 thì hiện ở Hà Nội loại đào này vẫn được bày bán khá nhiều, với giá dao động từ 20 – 35 nghìn đồng/kg…
Thời gian gần đây, trên nhiều tuyến đường, khu chợ ở Hà Nội bày bán khá nhiều loại đào trơn, vỏ bóng mịn được quảng cáo có xuất xứ từ Sapa (Lào Cai). Tại các phố như Xã Đàn, Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Xuân La… đào được người bán đựng trên các xe đẩy hoặc sạp hàng, xen lẫn với các loại quả khác. Loại đào này được chào bán với giá dao động từ 20 – 35 nghìn đồng/ kg.
Anh V., một tiểu thương tại chợ Xuân La (Tây Hồ) khẳng định, hiện đang vào chính vụ đào Sapa nên giá bán khá rẻ mà chất lượng cũng rất ngon. “Đào giòn, ăn có vị ngọt sắc nên rất được ưa chuộng. Trung bình mỗi ngày tôi bán được khoảng 25 – 30kg đào”, anh V. nói.
Tương tự, chị Linh, một người bán rong ở khu vực Nghĩa Tân (Cầu Giấy) cũng cho biết, trước đây chị chủ yếu bán mận và ổi, gần một tháng nay mới chuyển qua bán đào giòn. “Thời gian này, đào giòn về các chợ khá nhiều, giá cũng hấp dẫn nên tôi nhập về bán. Loại quả này bán rất chạy, khách hỏi liên tục nên hàng về đến đâu, hết đến đó”, chị Linh cho biết.
Tuy nhiên, trái ngược với quảng cáo, nhiều tiểu thương ở chợ đầu mối Long Biên khẳng định, hầu như tất cả các loại đào giòn, không lông bày bán trong các chợ hiện nay ở Hà Nội đều là hàng Trung Quốc.
“Đào giòn Sapa được trồng với số lượng rất ít. Thêm vào đó, quả thường bé ăn không có vị ngọt đậm như đào Trung Quốc. Đào Sapa bán ở vườn đã có giá khá cao từ 15 – 20 nghìn/ kg, khi xuống các chợ Hà Nội cũng phải “đội” giá lên 40 – 60 nghìn đồng chứ không rẻ như hiện tại. Mỗi ngày tại chợ Long Biên, thương lái đổ buôn hàng chục xe đào.
Tuy là hàng Trung Quốc nhưng tất cả đều có hóa đơn, chứng từ đầy đủ. Khi về các chợ nhỏ, họ thường quảng cáo là hàng Sapa để dễ bán và đẩy giá cao hơn”, một tiểu thương cho hay. Hiện giá bán buôn đào giòn ở chợ Long Biên chỉ dao động từ 12 – 14 nghìn đồng/kg và thường được đổ bán theo thùng.
Liên hệ với một chủ vườn đào ở Sapa (Lào Cai), người này cho biết hiện đào giòn đã hết mùa. Ngay cả loại đào xanh có lông cũng có số lượng rất khiêm tốn. “Loại đào ta có mẫu mã không bắt mắt, đều đẹp như hàng Trung Quốc. Vị ăn cũng không ngọt sắc mà thường dôn dốt. Hiện ở Lào Cai nếu không tinh ý, cũng có thể mua phải đào Trung Quốc được người bán trà trộn, bán cho khách du lịch”, người này nói.
Trao đổi với PV Dân Trí, ông Nguyễn Hồng Sơn (Cục trưởng cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, loại đào giòn hay còn gọi là đào không lông có tên khoa học là Nectarine.
Giống đào này hiện có trồng ở Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai); Mộc Châu và một số vùng khác của Sơn La. Đào giòn thuộc nhóm chín sớm, cho thu hoạch vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 trong khi giống đào lông địa phương cho thu hoạch vào cuối tháng 7 và 8. Hiện ở Việt Nam, diện tích loại đào này khá khiêm tốn.
Tại Lào Cai, năm 2016 tổng diện tích đào các loại khoảng 500 ha, sản lượng khoảng 700 tấn; trong đó đào không lông chỉ khoảng 30% diện tích, đào lông khoảng 70%. Riêng năm 2017, hầu hết các diện tích đào đều cho quả rất kém do ảnh hưởng của thời tiết ấm kéo dài trong mùa đông 2016, do đó năng suất và sản lượng các giống đào đều giảm.
“Giống đào giòn thường trồng rải rác với quy mô nhỏ, sản lượng ít nên nhìn chung ngay sản phẩm chính vụ cũng không đủ bán cho khách du lịch. Thêm vào đó, thời điểm hiện tại, đào giòn Việt Nam đã hết vụ. Chính vì thế, có thể khẳng định sản phẩm đang bán trên thị trường không phải là đào Sapa mà là đào nhập từ Trung Quốc (mùa vụ muộn hơn)”, ông Sơn nói.
Chuyên gia này cũng cho rằng, nếu có sản phẩm này cùng thời điểm thì vẫn có thể phân biệt được đào Sapa và Trung Quốc dựa vào hình dáng bên ngoài. Kích thước quả đào Sapa bao gồm cả đào nhẵn và đào lông đều nhỏ hơn, hơi chua, không đẹp và bóng như đào Trung Quốc và thường hay bị ruồi đục quả. Đối với những quả đào bóng bẩy, màu sắc đẹp mắt, người tiêu dùng cần cảnh giác bởi rất dễ mua phải hàng Trung Quốc.
Hà Trang