Đắk Lắk:
Đào Nhật Tân rực rỡ thủ phủ Tây Nguyên
(Dân trí) - Dọc đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) những ngày cận Tết, hình ảnh những cây đào hồng thắm, đua nhau khoe sắc khiến bao người xao xuyến.
Hoa đào vốn dĩ là loại hoa tượng trưng cho ngày Tết ở miền Bắc. Những tưởng loài hoa chỉ phù hợp xứ lạnh, khí hậu rét buốt nhưng đã được trồng thành công tại vùng đất nắng gió của tỉnh Đắk Lắk.
Hộ gia đình chị Vũ Thị Hằng (phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ) được biết đến là một trong những hộ đầu tiên đưa hoa đào về trồng tại xứ sở cà phê. Cách đây 12 năm, trong một lần về quê hương Ninh Bình chơi, chị thấy người dân nơi đây trồng đào Nhật Tân mang lại mức thu nhập cao lại không quá vất vả. Vốn là người yêu hoa nên khi chiêm ngưỡng cả một khu vườn hoa đẹp rực rỡ khiến chị mê tít.
Ngẫm đến vườn cà phê không đạt năng suất cao, diện tích lại quá ít, giá cả bấp bênh nên chị đã mày mò học hỏi kinh nghiệm và quyết tâm đưa bằng được hoa đào về trồng tại nơi gia đình mình sinh sống.
Chị Hằng chia sẻ, tại Đắk Lắk, khí hậu ở thị xã Buôn Hồ mát mẻ, thời tiết lạnh hơn một số địa phương khác nên chị có phần an tâm vì hoa đào thích hợp với môi trường này. Sau khi trồng thử nghiệm thành công, chị bắt đầu mở rộng diện tích để phát triển vườn đào kinh doanh cho thị trường Tết.
Khi những bông hoa đào đầu tiên nở tại Tây Nguyên, khu vườn của chị Hằng đã khiến nhiều người dân ngỡ ngàng vì ít ai tin được rằng loài hoa này có thể sinh trưởng, phát triển và khoe sắc ở vùng đất xa miền Bắc đến thế.
Với 7 sào đất chuyên trồng đào, năm nay, gia đình chị trồng khoảng 7.000 gốc đào để cung ứng cho thị trường Đắk Lắk và các tỉnh, thành phía Nam. Chị Hằng cho biết, trồng đào không quá khó nhưng cần sự chăm sóc tỉ mỉ và phải biết đôi chút kỹ thuật thì hoa mới nở đúng dịp Tết cũng như bông không bị rụng sớm.
"Vườn đào của gia đình tôi năm nay hầu hết đều có khách đặt chơi Tết, tôi cũng bất ngờ vì cứ lo dịch Covid-19 sẽ ít người mua hoa nên không dám trồng nhiều quá. Tại các tỉnh phía Nam họ đều rất thích hoa đào của Tây Nguyên và đều đặt hàng từ sớm khiến bà con rất phấn khởi", chị Hằng vui mừng nói.
Theo tìm hiểu, cây đào được bán với giá từ 200.000 đồng đến 15 triệu đồng tùy từng gốc. Trồng đào Nhật Tân đã giúp gia đình chị Hằng cải thiện đáng kể về kinh tế, mỗi năm mang lại hàng trăm triệu đồng. So với các loại cây trồng khác cùng diện tích gieo trồng, chị Hằng nhận thấy hoa đào mang lại lợi nhuận gấp nhiều lần.
Đối với vườn đào của bà Đỗ Thị Khánh (phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ) cùng cận kề vườn của chị Hằng. Năm nay, gia đình bà trồng khoảng 1.500 gốc đào và cận Tết số đào đã được đặt gần hết.
Do là năm dịch bệnh nên bà Khánh đã bán đào với giá thấp hơn với mọi năm, tạo điều kiện cho nhiều người có cành đào chơi Tết. Bà cho biết, ở tuổi của bà, vừa chăm sóc đào để phát triển kinh tế gia đình vừa là cái thú vui tao nhã hiếm có nghề nông nào có được nên khi làm việc bà đều cảm thấy rất vui, phấn khởi.
Những năm trước đây, gia đình nào ở Tây Nguyên muốn có cành đào chơi Tết thường phải đặt mua ở các tỉnh, thành phía Bắc gửi xe vào nên chi phí rất đắt đỏ, vận chuyển lại khó khăn để giữ được cành đào đẹp. Đến nay, hoa đào được trồng thành công tại vùng đất đỏ bazan phục vụ rộng rãi cho bà con có nhu cầu.
Ông Đinh Quốc Hùng - Chủ tịch UBND phường Thống Nhất - cho biết, tại địa phương có khoảng 14 vườn đào Nhật Tân với hơn 20.000 gốc phục vụ người dân trong dịp Tết.
"Ngoài phục vụ thị trường trong tỉnh, những gốc đào còn cung ứng cho thị trường phía Nam phục vụ thị trường dịp Tết. Nhờ trồng đào, nhiều gia đình tại đây có nguồn thu nhập ổn định và nhiều hộ đang mở rộng quy mô, diện tích phát triển trồng đào", ông Hùng cho hay.