Đánh đòn hay không đánh đòn? Câu hỏi đau đầu với các bậc cha mẹ
(Dân trí) - Phụ huynh Trung Quốc nói riêng và rất nhiều nước châu Á, như Việt Nam vẫn luôn đau đầu về câu hỏi: Liệu có nên sử dụng roi vọt trong việc dạy dỗ con cái?
Ở một số nơi trên thế giới, ngày 30 tháng Tư được gọi là Ngày Không Đòn Roi. Ngày này được một nhóm người Mỹ đấu tranh vì quyền trẻ em khởi xướng vào năm 1998 nhằm chống lại hình phạt về thể xác lên con trẻ.
Mặc dù đánh đòn trẻ em là bất hợp pháp ở nước Mỹ, việc này lại không bị kì thị nặng nề trong xã hội Trung Quốc và một số quốc gia khác như Việt Nam, nhất là khi đó là con của bạn. Đó cũng là lý do vì sao các cuộc tranh luận về việc sử dụng roi vọt trong giáo dục con cái là tốt hay xấu luôn là một chủ đề nóng trên các trang mạng xã hội của Trung Quốc. Chủ đề này có tên “Ngày Quốc tế không đánh đập trẻ em” đã nhận được hơn 200 triệu lượt người xem.
Hàng triệu người tham gia trên Weibo đã kể lại những cơn ác mộng thời thơ ấu của mình khi bị đánh bằng các loại vật dụng như móc treo quần áo, thắt lưng, thước kẻ, chổi, và rất nhiều các dụng cụ khác.
“Tôi nhớ lại cuộc sống tăm tối của mình khi bị bố mẹ và thầy cô giáo đánh”, một người dùng Weibo nói. Thế nhưng ngay lập tức, một người dùng khác lên tiếng “Nhưng khi bạn có con, bạn sẽ nhận ra rằng roi vọt là cách dạy dỗ tốt nhất.”
Mặc dù Trung Quốc đã có lệnh cấm trừng phạt lên thể xác học sinh trong trường học từ năm 1986, nhưng hình thức phạt bằng đánh đòn vẫn tồn tại cho đến hiện nay, đặc biệt là tại các trường học ở vùng nông thôn. Các nhà nghiên cứu cho rằng, truyền thống nuôi dạy con cái của người Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi thuyết giáo Khổng Tử, nhấn mạnh vào hình thức kỷ luật và sự vâng lời. Việc thiếu vắng các biện pháp chống lại bạo lực trẻ em ở Trung Quốc cũng góp phần dẫn đến sự phổ biến của hành vi này.
Năm 2014, một nghiên cứu của tạp chí nghiên cứu về bạo hành trẻ em đã tiến hành khảo sát trên 2.500 gia đình Trung Quốc đại lục. Kết quả cho thấy 54% người mẹ và 48% người bố đã sử dụng đòn roi trong việc dạy dỗ con cái. Họ trích dẫn những câu tục ngữ xưa như “Yêu cho roi cho vọt” để bảo về cách giáo dục của mình. Nhiều người dù lớn lên trong roi vọt, cũng tự hào cho rằng nhờ sự nghiêm khắc của bố mẹ họ mới lên người. Và họ tiếp tục áp dụng cách nuôi dạy tương tự vào những đứa con của mình.
Yang Zhou, 32 tuổi, người Hàng Châu, nói với Inkstone rằng anh vẫn đánh cô con gái 3 tuổi của mình bằng dây xạc iPhone. “Bạn cần dùng đến các hình phạt mạnh để ngăn chặn các hành vi xấu của trẻ như chơi với lửa, nghịch điện, hay nói dối,” Yang Zhou nói. Anh cho rằng khi bọn trẻ trưởng thành hơn và hiểu biết hơn thì sẽ không cần phải đánh chúng nữa.
Tuy nhiên, rất nhiều bậc phụ huynh đã bắt đầu nhận ra những tác hại lâu dài mà các hành vi bạo lực tác động lên tâm lý trẻ em. Họ kêu gọi những người làm cha mẹ kiên nhẫn và khoan dung hơn, từ bỏ việc dùng roi vọt trong giáo dục con với mong muốn mang đến cho con cái một tuổi thơ êm đềm và vui vẻ hơn.
Thảo Nguyên
Theo Inkstone