Dâng sao giải hạn: Không thể chi tiền “hối lộ” thần linh!
(Dân trí) - Đã thành thông lệ, vào dịp đầu năm mới nhiều người lại chi hàng chục thậm chí hàng trăm triệu đồng sắm sửa lễ vật, dâng sao giải hạn. Tuy nhiên theo các chuyên gia văn hóa, đây là việc làm tốn kém, lãng phí và hiện nay đang bị sa đà vào mê tín, dị đoan
Theo Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Thanh Tuấn, Ủy viên Hội đồng trị sự, Phó Chánh văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thực tế tục cúng dâng sao giải hạn có nguồn gốc từ đạo Khổng và đạo Lão của Trung Quốc, không phải bắt nguồn từ đạo Phật.
Hiện nay tập tục này đang bị làm “quá”, dẫn đến biến tướng và sa đà vào mê tín dị đoan. Ở nhiều nơi, người ta sẵn sàng chi hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu sắm sửa lễ vật với hi vọng giải được hạn xấu, tránh được những rủi ro có thể gặp phải. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm và không có cơ sở. Thực tế, hạnh phúc hay đau khổ, thành công hay thất bại đều là do luật nhân quả chi phối và quyết định, chẳng có ngôi sao nào làm được điều đó. Tương lai của con người ra sao có thay đổi được hay không là do chính những hành động của người đó quyết định.
“Trong đạo Phật không hề có lễ dâng sao giải hạn, giáo lý nhà Phật chỉ hướng con người ta đến những điều thiện, tu tâm tích đức để hoàn thiện mình và tránh được nghiệp chướng. Nhà Phật đã dạy là con người có nhân – quả. Mình làm điều tốt sẽ gặt lấy điều tốt, làm điều xấu sẽ gặt điều xấu”, Thượng tọa Thích Thanh Tuấn giải thích.
Cũng theo Thượng tọa Thích Thanh Tuấn, trong chùa chỉ có lễ cầu an, tức là cầu cho “quốc thái dân an”, giúp con người gạt bỏ những sai lầm của mình và hướng đến những điều thiện nguyện trong cuộc sống. Đến lễ cầu an, người dân chỉ cần mang thanh hương hoa quả và lòng thành tâm để tự cải thiện mình theo lời dạy của Phật, không cần phải “mâm cao cỗ đầy”, bày vẽ tốn kém.
“Trong nghi lễ, Đức Phật quan trọng nhất là cái tâm. Thậm chí, nhiều người làm lễ to nhưng Phật cũng không chứng ngược lại có người chỉ có hương hoa đơn giản thôi nhưng Đức Phật cũng chứng cho lòng thành. Hãy hiểu rằng đến lễ chùa cần có cái tâm thanh tịnh, hướng mình theo lời dạy của Phật là làm điều tốt, tránh điều xấu”, Thượng tọa Thích Thanh Tuấn nói.
Trong khi đó, theo GS. Trần Lâm Biền việc dâng sao giải hạn chỉ mang tính hình thức để con người trốn tránh những tai họa do chính mình gây nên chứ không thể giúp giải thoát được những cái xấu, chỉ hưởng cái tốt.
“Tục dâng sao giải hạn là do con người nghĩ ra chứ không nằm trong hệ thống trời đất, quy luật nhân quả. Không thể có chuyện, một người làm các điều xấu để rồi dâng sao giải hạn sẽ tránh thoát được chuyện nhân quả đã làm. Người nào quan niệm càng chi nhiều tiền càng giải thoát được nhiều hạn là sai lầm.
Nếu như thế, người giàu sẽ sống lâu, có nhiều sức khỏe còn người nghèo thì ngược lại hay sao? Bởi vậy không có gì tốt hơn là tự tu thân, dùng trí tuệ để nhìn nhận mọi sự, mọi việc, tránh những hành động sai trái, rồi đi “hối lộ” thần linh, như vậy thì tội lỗi về mặt tâm linh sẽ lớn hơn rất nhiều.”, GS. Trần Lâm Biền nói.
Chuyên gia này cũng cho rằng, thực tế việc dâng sao giải hạn không nằm trong thế giới nhà Phật mà thường phổ biến ở các đền, phủ. Tập tục này đang bị làm quá và sa đà vào việc kinh doanh tín ngưỡng và không hiểu sao hiện nay cũng đang được tổ chức phổ biến ở nhiều chùa.
“Khi nghi thức dâng sao giải hạn được du nhập vào Việt Nam cho thấy có sự suy lạc của nhận thức, lòng tin đối với đạo Phật- những người tu hành Phật giáo nên hiểu để gạn những tục lệ biến tướng ra khỏi cảnh chùa, để giữ được sự thanh tịnh, tinh khiết, đề cao được đạo lý của Đức Phật”, GS. Trần Lâm Biền khẳng định.
Hà Trang