Đàn ông đi chợ
Tôi quen khá nhiều đàn ông thích đi chợ. Nhưng họ không biết nấu ăn, thậm chí còn không phân biệt nổi mớ cải xoong với cải cúc, không biết trứng vịt to hơn trứng gà. Bởi họ đi những cái chợ không bán cải xoong và trứng vịt, mà bán cải mèo và mắc khén, bán thắng cố và rượu ngô, nằm cách nhà họ hơn một ngày đường xe máy.
Tôi vốn “dị ứng” với những người đàn ông đi chợ từ ngày còn bé. Với tôi, đi chợ là nâng lên đặt xuống, mặc cả thêm bớt. Đàn ông “vai năm tấc rộng thân mười thước cao” mà hai tay lủng lẳng túi rau, lại thêm con cá chép buộc lạt tươi rói còn quẫy đuôi, tung tăng giữa chợ thì nhất định là tôi không chơi. Sau này có siêu thị, đẩy cái xe bon bon giữa những quầy hàng, trông sang trọng hơn, nhưng vẫn là đi chợ. Các chị thấy thế thì lớn tiếng khuyên nhủ tôi, rằng “thế mới được nhờ”. Nhưng tôi vẫn về phe với mấy ông đàn ông cùng cơ quan, rằng “đấy là những tấm gương xấu”. Với tôi, đàn ông bản lĩnh, manly thì không đi chợ.
Rồi đến một ngày, ngột ngạt với phố phường chật chội, lũ chúng tôi - những người đàn ông không đi chợ và đám con gái không thích đàn ông đi chợ - trèo lên yên những chiếc xe máy, nhằm hướng núi rừng Tây Bắc mà đi. Cuộc đi ban đầu chỉ là tò mò, đổi gió, sau này đã thành một cuộc chơi, đam mê không dứt. Nhưng tôi không thể ngờ rằng, cuộc chơi hào sảng, phóng khoáng nơi núi rừng hùng vĩ, đèo dốc hiểm trở kia lại biến những người đàn ông cũng phóng khoáng, hào sảng như gió núi mây ngàn thành những kẻ thích… đi chợ.
Cuộc đi nào cũng thế, sau những ngày lang thang leo đèo vượt dốc, qua những khi lội suối băng rừng, thế nào trong hành trình cũng có điểm dừng là một cái chợ, có khi là vài ba cái.
Chẳng phải chợ tình mỗi cuối tuần như Sa Pa, hay cả năm mới họp một lần như Khau Vai. Đằng này là những cái chợ đúng nghĩa, và đủ kiểu. Khi là chợ phiên cả tuần mới họp một lần ở Bắc Hà, Si Ma Cai, khi là khu chợ huyện chia lô, căng bạt mà bất cứ thị trấn vùng cao nào cũng có, lúc lại chỉ là cái chợ tạm ven đường với vài ba người phụ nữ bên dăm can rượu ngả nghiêng hoặc chục bắp ngô, cân táo mèo lăn lóc. Những cái chợ mua bán từ mớ rau cải, củ khoai đến cái máy tuốt lúa hay là cả con trâu, con ngựa, dường như chả liên quan đến những người đàn ông hầm hố, bặm trợn vừa vượt núi băng rừng cả trăm cây số. Ấy thế mà họ nhất loạt dừng xe, vào chợ.
Những kẻ có tí máu lãng mạn, mê chụp ảnh thì xoắn xuýt bên những vuông khăn xanh đỏ, những nếp váy Mông sặc sỡ đường thêu thổ cẩm dập dìu cả ngày không chán. Những kẻ “xôi thịt”, phàm phu tục tử hơn thì ngồi phệt xuống bàn thắng cố, ngất ngư rượu ngô đến khi tan chợ. Những gã trẻ bắng nhắng, ham vui thì lê la quà vặt từ hàng bánh rán sang hàng bánh gạo.
Vào đến chợ vùng cao thì họ sành hơn cả đám đàn bà con gái. Những người ngày thường chả phân biệt nổi mớ cải xoong với cải cúc giờ biết cải mèo ngày nắng đậm vị hơn ngày mưa. Gã trai lộc ngộc ở phố chẳng biết đâu là trứng gà, đâu trứng vịt, giờ nói vanh vách hạt dổi ăn ra sao, mắc khén dùng thế nào.
Có kẻ ngày thường nói thế nào cũng không chịu phóng xe ra ngõ chợ mua nghìn hành mẹ lỡ quên cậy nhờ, hay nhất quyết bắt cô bạn gái bẻ đôi cái bánh mỳ que dài ngoằng nhét gọn trong miệng túi mới chịu chở về, chỉ vì để bảo vệ cái sĩ diện đàn ông không đi chợ giữa phố phường của họ. Thế mà giữa miền sơn cước, cũng kẻ ấy, trông còn đàn ông nam tính hơn nhiều với giày lính dưới chân, khăn rằn quấn trên đầu, lại chở cả bó rau cải mèo to ngất ngưởng sau yên con xe cào cào oai vệ, rong ruổi cả trăm cây số với vẻ mặt hân hoan.
Giữa đường dừng quán nước nghỉ chân, được bà lão bán hàng móm mém khen ai khéo chọn mớ rau ngon, sẽ có vài ba kẻ tranh nhau vỗ ngực tự nhận: “Con chọn đấy mế ạ”, mặt vênh váo hơn cái bánh đa nướng. Cái mặt vênh váo của những người đàn ông tự hào mình giỏi đi chợ lúc ấy nhìn kể cũng đáng yêu.
Không chỉ thế, vào chợ là lúc họ giống với phụ nữ đi siêu thị ngày giảm giá nhất. Họ sẽ trở nên hồ đồ, dễ dãi bất thường, sẽ mua những thứ chả dùng đến, mà còn tệ hơn, bởi chợ ngày ấy vẫn bán giá thường, chả giảm đồng nào. Ngồi quán xì xụp ăn thắng cố bằng cái muôi gỗ, kẻ khéo mồm sau đấy mua luôn được cái muôi gỗ cũ kỹ đã lên màu bóng loáng.
Tiếng khèn văng vẳng chợ phiên.
Kẻ vụng nói hơn thì ra góc chợ, mua dăm cái thìa mới toanh. Có kẻ ăn xong bát thắng cố, cụng vài chén rượu ngô, hỉ hả nói cười với cặp vợ chồng trẻ người Mông xuống chợ, đứng dậy đã thấy giắt thắt lưng con dao đi rừng, còn đôi vợ chồng trẻ thì hý hoáy thử con dao inox mười mấy chức năng bóng loáng. Có kẻ vào quán, xong bữa trở ra đã thấy hân hoan mang theo một cái nỏ be bé mua được của ông chủ hàng, cẩn thận buộc lên sau xe, đi chục phút lại ngoái nhìn sợ rơi mất món đồ hiểm.
Mà về thành phố, chả có rừng để dùng dao chặt cây phạt lá, nhà thì không nuôi gà để bắn nỏ, tất cả chỉ để treo góc nhà, cạnh cái tivi LCD bóng loáng. Thành phố cũng không có thắng cố, thìa gỗ chỉ để ăn mỳ tôm, ba bữa chán lại vứt trong xó tủ bếp. Ấy thế nhưng họ vẫn mua, thậm chí lần trước mua rồi, lần sau thấy con dao đẹp hơn, cái nỏ khủng hơn, lại mua tiếp, về treo góc tường đối diện. Vậy mà đến cơ quan, thấy mấy chị em ríu rít rủ nhau mua hàng giảm giá cuối tuần, thể nào họ cũng phải gièm pha vài tiếng, rằng đàn bà toàn mua đồ vô bổ, phí tiền.
Thế nhưng lũ con gái chúng tôi chẳng bực, cũng chẳng cằn nhằn họ lấy một câu. Chẳng phải vì độ lượng hơn, mà bởi nhè lúc họ đang hỉ hả với con dao rừng vừa đổi chác được, chỉ cần thẽ thọt bảo mua cho cái váy thổ cẩm, họ sẽ rút ví ngay. Đó cũng là lúc duy nhất có thể rủ họ lê la quà vặt – điều bị cấm ngặt ở thành phố. Những kẻ áo quần túi hộp rằn ri vui vẻ ngồi bên những vai áo thổ cẩm cạnh chảo bánh rán sôi mỡ hay bếp ngô nướng đỏ rực than hồng.
Câu chuyện tiếng Kinh – tiếng Mông câu được câu mất nổ như ngô rang giữa ồn ào náo nhiệt. Hết ngô nướng, chán bánh rán, những mái đầu húi cua quấn khăn rằn kéo về góc chợ, gật gù kề bên những chiếc mũ thổ cẩm nhuộm xanh màu chàm quanh nồi thắng cố lục bục sôi. Những bát rượu ngô chảy tràn, những tràng cười cũng chảy tràn.
Tất cả những điều ấy diễn ra dưới mái chợ phiên vùng cao lợp lá xiêu vẹo, cứ hồn nhiên và đáng yêu như thế. Đến cơn say cũng trở nên đáng yêu. Cơn say của ông chồng người Mông ngật ngưỡng trên lưng ngựa vốn là hình ảnh đặc trưng của các phiên chợ vùng cao đáng yêu đã đành. Ngay cả cơn say của mấy anh con trai thành phố quá đà với bát rượu ngô nằm ngồi ngổn ngang nơi cuối chợ cũng chẳng có vẻ bê tha, mà trở nên dễ tha thứ hơn.
Chẳng hiểu vì sao, có thể vì những nếp váy thổ cẩm sặc sỡ sắc màu, vì nồi thắng cố rực hồng trên bếp lửa, vì đôi má đỏ hồng của đám trẻ lấm lem nấp sau mép cửa ngó đám khách lạ, vì nụ cười lúng liếng của cô vợ trẻ theo chồng xuống chơi chợ phiên, mà chúng tôi nhìn người, nhìn đời trìu mến hơn. Chỉ biết chắc rằng, điều ấy không xảy ra ở đâu khác ngoài những phiên chợ vùng cao.
Và cũng từ những phiên chợ ấy, tôi đã bắt đầu yêu những người đàn ông đi chợ như thế, dù anh ta có thể chẳng chịu đi mua giùm nghìn hành tôi lỡ quên, hay vẫn chẳng biết đâu là cải xoong, đâu là cải cúc.
Theo Thiên Hương
Công an Nhân dân