Dân mạng "mạt sát" người mẹ cán chết con 4 tuổi: Xin đừng tàn nhẫn!
(Dân trí) - Liên quan đến vụ việc mẹ vô tình cán xe gây tử vong thương tâm cho con trai 4 tuổi, nhiều người đã đưa ra những chỉ trích, mạt sát nặng nề dành cho người mẹ.
Bất kỳ người làm cha làm mẹ nào cũng mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con, mong con khỏe mạnh, khôn lớn trưởng thành từng ngày.
Nhiều khi không kìm nổi nóng giận, cha rút roi đánh con một cái rồi lòng lại quặn thắt; mẹ vô tình làm con ngã, con đau thì tự trách mình là "kẻ vô dụng, trông con cũng không xong".
Vậy nên sẽ đau xót thế nào nếu trong một phút bất cẩn mẹ lại chính là người gây ra cái chết của con?
Xin đừng mạt sát người mẹ tội nghiệp!
Vụ việc mẹ vô tình lái xe cán chết con trai 4 tuổi Thái Nguyên vừa qua không khỏi ám ảnh nhiều người. Khi dừng xe mua đồ, người mẹ này không biết con đã xuống khỏi xe. Khi chị lái ô tô di chuyển, cháu bé đuổi theo, chạy ra phía đầu xe để mong mẹ nhìn thấy dẫn tới vụ việc đau lòng.
Sau khi xảy ra sự việc, trên mạng xã hội, nhiều người đã đưa ra những chỉ trích nặng nề, lên án người mẹ bằng những lời lẽ cay nghiệt, mạt sát cho rằng chị quá vô tâm, mắc sai lầm ngớ ngẩn.
Trao đổi với PV Dân trí, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm - Công ty Ứng dụng Khoa học Tâm lý Hồn Việt cho rằng, đây là một tai nạn đáng tiếc và chắc chắn hơn ai hết người mẹ trong vụ việc - chị D. là người đau khổ và hối hận nhất.
Theo vị chuyên gia này, nhiều người khi đưa ra phán xét, bình luận không hề biết rằng những lời lẽ đó sẽ liên quan đến cảm xúc, nỗi đau của người khác.
Những câu chửi bới, công kích tiêu cực đôi khi đẩy con người ta đến cái chết, rất xót xa. "Hãy cứ tưởng tượng mình là người mẹ có con như vậy thì mình có chịu đựng nổi không? Người mẹ vô tình gây ra cái chết của con họ đã đau đớn lắm rồi, giờ nếu ai đó lại xoáy sâu vào nỗi đau của họ bằng những lời lẽ chê trách, châm chọc thì người mẹ làm sao sống nổi?", Thạc sĩ Tâm nhấn mạnh.
Bà cũng cho rằng, việc lên án, chê bai người khác trong hoàn cảnh này thể hiện trình độ nhận thức thấp kém, sự vô cảm, không có lòng nhân hậu với người khác.
Bản thân những "anh hùng bàn phím này" thường không lo chuyện nhà mình mà lại săm soi chuyện không hay của người khác để rao giảng đạo đức, trong khi bản thân họ sống có thể cũng chẳng ra sao.
"Người mẹ nào cũng có những lúc 'não cá vàng'"
Từ vụ việc của người mẹ Thái Nguyên kể trên và một số vụ việc tương tự khác, thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm cho rằng, một bộ phận người Việt cần nâng cao nhận thức khi phán xét, bình luận một vấn đề nào đó trên mạng xã hội, để khi đưa ra một quan điểm phải thể hiện được cái "chất", cái tâm và trách nhiệm của một người có lòng nhân hậu.
Thay vì đưa ra những lời lẽ làm tổn thương người khác hãy dành thời gian phát triển bản thân, làm những việc có ý nghĩa hơn cho cuộc sống của mình.
Trong khi đó, bình luận về vụ việc, nhiều độc giả, đặc biệt là những chị em đã có con cũng cho rằng, có thể người mẹ không may mắc phải chứng "não cá vàng" sau sinh, cứ nhớ trước quên sau, bỏ đâu quên đó.
Không ít bà mẹ đã kể lại chính trải nghiệm của bản thân.
Có chị em đội mũ rồi mà vẫn đi quẩn quanh để tìm cái mũ, chạy ra đến chợ lại không nhớ mình phải mua gì, bế con trên tay nhưng tay còn lại vẫn đu đưa chiếc nôi...
Chị Mai Hiên (Lai Châu) vẫn hú hồn khi nhớ lại những lần "rơi mất não" sau khi sinh bé thứ hai": "Tôi từng quên con ngoài siêu thị, mua đồ xong quay ra cứ thế lên xe phóng về nhà. Về nhà dọn dẹp một lúc mới ngớ người ra không thấy con đâu. Định thần lại một lúc tôi mới tá hỏa chạy ra siêu thị.
Trên quãng đường đi tôi nghĩ ra đủ chuyện tệ hại. Lúc ra, thấy con đang đứng cùng chú bảo vệ, ôm con vào lòng, tôi mới dám khóc. Lần đó may mà con tôi gặp được người tốt chứ không tôi lại ân hận cả đời. Vậy nên, trong chuyện này, mọi người hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người ta rồi hãy phán xét".
"Con cái ốm đau, bệnh tật đã lo đến thắt cả ruột. Đằng này, chị ấy vô tình lại là người làm tổn hại đến cả tính mạng của con. Chuyện quả thực quá đau lòng mà người mẹ sẽ là người đau khổ nhất. Vì vậy, những anh hùng bàn phím đừng dồn người ta đến đường cùng", độc giả Mai Trâm chia sẻ.
Trong khi đó, độc giả Hương Nguyễn cũng cho rằng, người mẹ trong câu chuyện sẽ phải đối mặt với bản án pháp luật và cả bản án lương tâm đeo đẳng. Điều này đã là cái giá phải trả quá đắt, vậy nên dư luận đừng mạt sát và dồn người mẹ đáng thương vào đường cùng.
Liên quan đến vụ việc, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cũng nhận định, trong trường hợp này người mẹ vẫn có thể bị xử lý hình sự do vi phạm an toàn giao thông theo Điều 260 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, đây là lỗi đáng thương hơn đáng trách. Có thể, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ nhìn nhận vụ việc theo hướng nhân văn để đưa ra một bản án hợp tình hợp lý.