Dân Hà thành rủ nhau “săn” thực phẩm sạch trước Tết

(Dân trí) - Còn gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2016, thời điểm này nhiều hộ gia đình ở Hà Nội đã bắt đầu lùng mua thực phẩm sạch ở các vùng quê. Thậm chí nhiều người còn rủ nhau “đụng lợn” với giá 10 triệu đồng/con.

Tình trạng thực phẩm bẩn, hóa chất tràn lan hiện nay đang là nỗi lo của mọi nhà, đặc biệt trong dịp Tết khi nhu cầu thực phẩm tăng cao và ồ ạt thì việc kiểm soát nguồn thực phẩm trên thị trường lại càng trở nên khó khăn.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi cả nước có 1.500 người đến khám vì ngộ độc thức ăn, 5 người tử vong. Những con số “biết nói” như trên về thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết đã khiến nhiều người lo sợ. Vì vậy, để tận hưởng cái Tết “sạch” kéo dài trong nhiều ngày nhiều người dân thành thị đã về các vùng quê để “săn” thực phẩm tươi ngon, an toàn.

Về quê săn thực phẩm sạch

Dịp Tết Nguyên đán năm 2015, gia đình anh Lê Văn Tuyên, Ba Đình, Hà Nội đặt mua 2 cân giò lụa ngoài chợ. Tuy nhiên, giò mua về dù đã bảo quản cẩn thận trong tủ lạnh nhưng khi đưa ra sử dụng giò vẫn bở và có mùi chua.

Vì vậy, năm nay anh Tuyên quyết định trước Tết sẽ về quê mua hết thực phẩm mang lên dự trữ ăn dần. Sau khi chia sẻ với một vài người bạn cùng cơ quan có chung ý định, anh Tuyên đã trực tiếp liên hệ với người quen ở Lào Cai để dặn mua măng khô, nấm hương, rượu cần, cùng con lợn cắp nách của người dân bản địa.

Anh Tuyên cho biết: “Ngày Tết việc ăn uống chẳng đáng là bao nhưng quan trọng là tôi muốn được sử dụng những thực phẩm tươi ngon và sạch. Vì vậy, tôi và vài người bạn đã đặt mua hết thực phẩm sạch ở trên Lào Cai, gần Tết chỉ việc đánh xe lên chở về. Ở Hà Nội đúng là không thiếu thứ gì nhưng thi thoảng lại thấy thông tin chỗ này ngộ độc thực phẩm, chỗ kia bắt được thực phẩm không nguồn gốc nên tôi thấy không yên tâm”.

Trước những thực phẩm ô nhiễm bán tràn lan ở thành phố, nhiều người dân đã tìm về các miền quê để mua thực phẩm sạch ăn Tết (Ảnh: Nhữ Trang)
Trước những thực phẩm ô nhiễm bán tràn lan ở thành phố, nhiều người dân đã tìm về các miền quê để mua thực phẩm sạch ăn Tết (Ảnh: Nhữ Trang)

Chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, quê Sơn La, là nhân viên văn phòng hiện đang làm việc tại Hà Nội. Không yên tâm về thực phẩm bày bán ngoài chợ, chị Nguyệt thường mang thực phẩm “của nhà trồng được” xuống Hà Nội. Thấy vậy, nhiều bạn bè đã nhờ chị Nguyệt đặt mua những món hàng như thịt lợn, gà, rau củ  “made in Sơn La” cho dịp Tết.

“Gia đình tôi ở quê làm nông nghiệp nên nuôi rất nhiều gà và trồng cả vườn rau rộng. Trước Tết khoảng 2-3 tháng, nhiều bạn bè đồng nghiệp dặn tôi mua gà và các tực phẩm thiết yếu nên gia đình ở quê có chăn nuôi nhiều hơn mọi năm. Để kịp có các loại rau củ cho dịp Tết, bố mẹ tôi đã sớm gieo trồng và chăm sóc đều đặn”, chị Nguyệt chia sẻ.

Chung nhau mua lợn giun quế

Gần một năm trở lại đây gia đình anh Nguyễn Tiến Đạt (Hoàng Mai, Hà Nội) không sử dụng thịt bày bán ngoài chợ mà chỉ mua thịt lợn được nuôi bằng giun quế ở một vài cơ sở bày bán quen thuộc. Vì vậy, dù cuối năm rất bận rộn nhưng cách đây 2 tuần, anh Đạt đã rủ 5 hộ gia đình khác trong khu phố đến một trang trại ngoại thành Hà Nội để chung nhau đặt mua một con lợn nuôi bằng giun quế.

Anh Đạt cho biết “Chúng tôi đã trực tiếp đến một trang trại nuôi lợn giun quế ở ngoại thành để đặt mua lợn ăn trong dịp Tết. Lợn nuôi tới Tết chắc sẽ được gần 1 tạ, tính ra tiền khoảng 10 triệu đồng. Dù giá cả hơi đắt nhưng do gần một năm ăn loại thịt lợn này rồi nên tôi thấy rất yên tâm bởi thịt lợn nuôi bằng giun quế cầm rất chắc tay, khi nấu thì không bị ngót và không có bọt như thịt mua ở ngoài chợ”.

Nhiều hộ gia đình ở Hà Nội rủ nhau đụng lợn giun quế để ăn Tết (Ảnh: Internet)
Nhiều hộ gia đình ở Hà Nội rủ nhau đụng lợn giun quế để ăn Tết (Ảnh: Internet)

Trao đổi với PV Dân trí, cô Nguyễn Thị Liên, chủ một trang trại nuôi lợn bằng giun quế nổi tiếng ở Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết. “Người đến mua lợn giun quế đa phần là các hộ gia đình rủ nhau đặt chung một con và nhờ người nuôi từ 2 đến 3 tháng trước Tết. Còn đến thời điểm này gia đình nào mới đặt thì chúng tôi không nhận bởi ngoài số lượng lẻ khách đã đặt mua hết thì phần lớn số lợn cố định chúng tôi đã ký hợp đồng giao cho 3 đại lý thực phẩm sạch trong nội thành Hà Nội”.

Được biết, năm nay số lượng người dân đặt lợn ăn Tết tại trang trại của cô Liên đã tăng hơn nhiều so với năm ngoái. Vì vậy, cô Liên đã nuôi tăng gia thêm 40 con lợn nhằm phục vụ đủ lượng khách hàng. Lợn giun quế thực chất là giống lợn bình thường nhưng chúng được nuôi bằng cám ngô, bã bia, rau và giun quế. Vì vậy lợn có sức đề kháng rất tốt, ít bị bệnh tật. Mỗi tháng lợn chỉ tăng trưởng từ 10-12/kg và để có thể xuất chuồng thì mỗi con lợn phải được nuôi từ 6 đến 7 tháng.

Nhữ Trang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm