Đàn cá hàng nghìn con tìm về nhà lão nông An Giang "ăn nhờ, ở đậu"

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Chiều 30 Tết năm Canh Tý, một đàn cá tra không biết từ đâu đến lại rủ nhau về nhà ông Mười Phúc xin "ăn nhờ, ở đậu". Đến nay, gần 3 năm ông coi đàn cá như con ruột, ra sức yêu thương, bảo vệ.

Bầy cá sông "chọn mặt gửi vàng"

Chỉ cần đến khu vực xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, An Giang hỏi nhà ông Đinh Vũ Tâm (tên thường gọi Mười Phúc) người dân địa phương đều biết đây là du khách đến xem đàn cá thiên nhiên.

Hàng nghìn con cá kéo đến nhà lão nông "ăn nhờ, ở đậu" (Clip: Bảo Kỳ).

Nhà ông Phúc nằm cạnh bờ sông, phía trên là nhà tường cấp bốn, dài ra sau là sàn gỗ, bên dưới có mấy chiếc tàu chở vịt màu xanh, đỏ đậu.

Qua lời kể của hàng xóm, ông Phúc vốn là nông dân có cuộc sống bình thường, làm nghề chở vịt mướn kiếm sống qua ngày. Cuộc sống của ông có sự thay đổi vào 30 Tết năm 2020. 

Đàn cá hàng nghìn con tìm về nhà lão nông An Giang ăn nhờ, ở đậu - 1

Đàn cá lấy bến sông nhà ông Phúc làm tổ ấm thứ hai (Ảnh: Bảo Kỳ).

Nghe có khách đến thăm đàn cá, ông Phúc tranh thủ chở đống trái cây hư về nhà để tiếp chuyện với chúng tôi. Ông Phúc năm nay đã 52 tuổi, nét mặt hiền từ, trên môi luôn nở nụ cười thân thiện.

Khi được hỏi về cơ duyên có được đàn cá này, ông kể, còn nhớ chiều hôm ấy, vợ và con ông không có ở nhà, sau khi dọn xong mâm cơm rước ông bà về ăn Tết, ông thấy dưới bến có mấy con cá nhỏ đang ngoi lên mặt nước như xin ăn. Thấy vậy ông vào nhà lấy hủ thức ăn cho cá đem rải xuống nước, đàn cá bơi lại đớp lấy thức ăn. 

"Cho cá ăn xong tôi quay vào nhà và không nghĩ ngợi nhiều nhưng sang hôm sau ra mé sông vẫn thấy chúng ở đó, như lần đầu, tôi cũng lấy thức ăn cho nó. Từ đó tới nay, đàn cá này đã coi đây là nhà của chúng và rủ nhau đến nhiều hơn", ông Phúc nói. 

Sự xuất hiện của đàn cá khiến ai nấy đều bất ngờ, ngay cả ông Phúc cũng thắc mắc mãi vì xung quanh đây không ai nuôi cá tra, chẳng nghe có ao cá nào bị vỡ, nếu như vậy chúng từ đâu đến, là cá tự nhiên hay cá nuôi. Lạ hơn là xung quanh có nhiều bến bãi tương tự nhưng đàn cá chỉ ở mỗi bến nhà ông. 

Đàn cá hàng nghìn con tìm về nhà lão nông An Giang ăn nhờ, ở đậu - 2

Nhờ được cho ăn thường xuyên nên đàn cá lớn nhanh thấy rõ, con lớn nhất nặng khoảng 3-4kg, nhỏ nhất cũng hơn nửa ký (Ảnh: Bảo Kỳ).

Thức đêm canh bầy cá "trời ban"

Từ vài chục con cá tra đến xin "ở nhờ", giờ đây đã tăng lên hàng nghìn con, ước chừng có cả chục tấn cá đang được ông Phúc nuôi. Dưới bến sông nhà ông có nhiều loại như cá tra, mè vinh, cá he, cá trê, cá lóc... Trong đó có loài cá chim trắng rất hung dữ nhưng khi được ông Phúc cưu mang lại rất hiền.

Để bảo tồn đàn cá tự nhiên, hơn một năm nay ông Phúc không còn đi chở vịt mướn, ông giao lại cho con trai, còn mình chuyên tâm giữ đàn cá. Ngày trước cá còn nhỏ và ít nên ông nuôi nổi, tiền chở vịt đủ lo cho bầy cá được 5-7 bao thức ăn mỗi ngày, còn giờ cả chục tấn nên phải thắt lưng buộc bụng hơn. Khẩu phần giảm còn 1-2 bao, để cá được no bụng ông kiếm rau củ, trái cây hư cho chúng ăn. 

"Cá thì ăn tạp nhưng lấy làm lạ là bầy cá này nó chỉ ăn chay. Có lần một cô tiểu thương bán cá đến cho cá ăn. Nghĩ rằng cá ăn tạp nên cô ấy ném ruột cá, vảy cá xuống nước. Chẳng hiểu sao chúng lặn mất tăm không ngoi lên ăn, đến khi thức ăn chìm xuống hết chúng mới bơi lên. Từ đó về sau không ai cho chúng ăn đồ mặn nữa", lão lái đò tiết lộ. 

Anh Đinh Vũ Luân (con trai ông Phúc) cho biết, cha của anh đặc biệt yêu thương đàn cá này. Từ khi chúng đến ở, ông ngủ rất ít, buổi tối chỉ chợp mắt được vài tiếng thì thức trông chừng vì sợ có người đến trộm cá.

"Nhiều người biết ở đây nuôi cá nên họ lợi dụng lúc vắng lại rình mò săn bắt, người quăng chài, người thả lưới, có kẻ bạo hơn thì xiệt điện. Mỗi lần như vậy cha con tôi đứng năn nỉ cầu xin họ đừng bắt cá chứ không biết làm gì hơn. Ban đêm có cả chục chiếc ghe cào đậu gần bến nhà tôi để đánh bắt", anh Luân bộc bạch. 

Đàn cá hàng nghìn con tìm về nhà lão nông An Giang ăn nhờ, ở đậu - 3

Hồi chỉ thị 16 năm 2021, ông Phúc không đi làm được nhưng dù vậy ông vẫn gói ghém lo bữa ăn từng ngày cho đàn cá. Hết dịch, mạnh thường quân đến tặng thức ăn, cho tiền nên ông có thêm kinh phí chăm lo cho chúng (Ảnh: Bảo Kỳ).

Theo gia chủ, dù nhiều người đến đánh bắt nhưng đàn cá vẫn không bị gì, khi phát giác được nguy hiểm chúng bơi nhanh về nhà núp dưới đám lục bình, có con quậy đục nước như "kêu cứu" với ông Phúc. 

Có lẽ được bảo bọc trong sự yêu thương của gia đình ông Mười Phúc nên đàn cá dạn dĩ và thân thiện với con người. Nhiều người đến thăm đàn cá có thể sờ, chạm vào chúng.