Đại lễ vu lan: Người dân đi tảo mộ tại Lạc Hồng Viên
(Dân trí) - Ngày lễ Vu lan báo hiếu 2020 cũng chính là ngày Quốc khánh 2/9 dương lịch, đây là một trong 2 ngày lễ quan trọng nhất của Phật giáo. Hiện tại, lễ Vu lan đã trở thành một lễ hội văn hóa tinh thần chung của người Việt.
Theo truyền thống của người Việt thì ngày Rằm tháng Bảy âm lịch còn là ngày “mở cửa ngục” để các cô hồn nhận đồ cúng lễ nên được gọi là “ngày xá tội vong nhân”. Theo cách hiểu của văn hóa tín ngưỡng, lễ xá tội vong nhân là để cầu cho những vong linh không hoặc chưa được thờ cúng ở một gia đình nào.
Giá trị nhân văn của lễ này được thể hiện ở sự thương cảm sâu sắc với các vong linh chết ở nơi đất khách quê người, nơi chiến trận, những kẻ thấp hèn,… mà người thân chưa tìm được. Lễ xá tội vong nhân và lễ Vu lan báo hiếu ở Việt Nam trong cùng một ngày, mặc dù có sự khác nhau nhưng đều thể hiện nét đẹp văn hóa của dân tộc và nhiều khi hai lễ này được hòa vào làm một. Mục đích của cả 2 lễ đều thể hiện sự nhớ ơn những người đã khuất, nhất là gia tiên tiền tổ và thể hiện sự thương cảm đối với những người bị mất trong những cảnh ngộ éo le khác nhau mà không được thờ cúng.
Nhiều người vẫn ra phần mộ của ông bà, tổ tiên tại Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên (Kỳ Sơn, Hòa Bình) để thắp hương, dâng vàng mã…
Ông Bùi Đức Thiệp ở phố Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Hằng năm, cứ vào dịp tết thanh minh và lễ vu lan là gia đình tôi lại lên Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên để thắp hương cho các cụ quá cố. Và cũng là để con cháu biết đến công ơn sinh thành của các cụ”.
Như mọi năm thì mọi người lên chùa Kim Sơn Lạc Hồng (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) làm lễ, đọc kinh và ra phần mộ thắp hương cho ông bà, tổ tiên rất là đông. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên cũng ít người làm lễ vu lan trực tiếp trên Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên.
“Chúng tôi vẫn theo thông lệ của gia đình thì thuê xe riêng, tất cả thành viên đều đeo khẩu trang và sử dụng nước sát khuẩn. Vừa đảm bảo giãn cách xã hội và phòng chống lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng”, ông Bùi Đức Thiệp chia sẻ thêm.
Mặc dù, Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) đã có dịch vụ cúng giỗ Online để phòng tránh Covid-19, nhưng một số gia đình vẫn muốn lên trực tiếp tận nơi vì không gian ở đây khá rộng, đảm bảo được yêu cầu giãn cách xã hội.
Còn gia đình chị Chu Thủy Phi ở Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, nhân dịp lễ vu lan, tôi đưa các con và cháu lên Lạc Hồng Viên để thắp hương cho ông bà, cha mẹ và chồng của tôi nữa. Để các cháu hiểu hơn về ngày lễ báo hiếu ông bà, tổ tiên. Đây là truyền thống rất ý nghĩa từ bao đời nay của người Việt.
Năm nay, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nên anh em, họ hàng không đi được đông. Và cũng đi xe riêng chứ không đi xe tập trung như mọi năm. Đến nơi vào làm lễ, thắp hương thì cũng giữ khoảng cách, tránh tiếp xúc với người lạ.
Ngoài ra, mọi gia đình đều chuẩn bị mâm cơm cúng gia tiên, cúng phóng sinh cho các linh hồn để báo hiếu và tỏ lòng thành. Với những người còn bố mẹ, có thể dành tặng những lời chúc, những món quà ý nghĩa cho bố mẹ mình.
Vào ngày này, các phật tử thường làm lễ cúng dường, lễ cầu siêu, làm phúc bố thí, phóng sinh để tích đức, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc, tăng thọ, hoá giải nghiệp chướng…